Thủ tướng Nhật Bản và sứ mệnh hàn gắn mối quan hệ Iran - Mỹ

Thứ sáu, 07/06/2019 16:05
(ĐCSVN) – Từ ngày 12 - 14/6, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ sang thăm chính thức Iran nhân dịp 90 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Ngoài ra, chuyến đi này của ông Abe cũng mang theo một sứ mệnh quan trọng là hàn gắn mối quan hệ đang bị kéo căng giữa Iran và Mỹ.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến thăm Iran vào tuần tới. (Ảnh: AFP)


Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 6/6, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh, “sứ mệnh đặc biệt quan trọng” của ông Abe nhân chuyến thăm sắp tới là kêu gọi các nhà lãnh đạo Iran nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng, đóng vai trò tích cực trong việc thực thi thỏa thuận hạt nhân lịch sử được ký kết năm 2015 và ổn định tình hình khu vực.

Khẳng định ý nghĩa chuyến thăm Iran của Thủ tướng Nhật Bản, ông Suga cho biết, sự kiện này sẽ đánh dấu lần đầu một Thủ tướng Nhật Bản tới Iran trong vòng 41 năm qua; diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 90 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2019. Chuyến đi này của ông Abe được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai nước.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan tới việc Nhật Bản mong muốn đóng vai trò trung gian hòa giải mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Iran, ông Suga khẳng định, mục tiêu của Nhật Bản là tích cực hướng tới một giải pháp hòa bình, có đóng góp cho hòa bình, ổn định trong khu vực.

Ngày 6/6, hãng thông tấn Pháp AFP dẫn lời một quan chức giấu tên của chính phủ Nhật Bản cho biết, hiện các bên vẫn đang thu xếp chi tiết về lịch trình gặp gỡ của Thủ tướng Shinzo Abe trong khuôn khổ chuyến thăm Iran diễn ra vào tuần tới.

Trong khi đó, một số quan chức khác của Nhật Bản lại tiết lộ thêm rằng ông Abe đang mong muốn có cơ hội đối thoại với Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Lãnh đạo tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei. Hãng thông tấn NHK của Nhật Bản cho biết, hiện các quan chức nước này đang triển khai những công đoạn chuẩn bị cuối cùng cho các cuộc gặp gỡ giữa ông Abe và các nhà lãnh đạo trên của Iran tại thủ đô Tehran trong những ngày tới.

Nhật Bản được đánh giá là có mối quan hệ thân thiết với Iran. Tuy nhiên, căng thẳng gần đây giữa Mỹ và Iran đã đẩy Tokyo vào thế khó khi phải xử lý mối quan hệ “tay đôi” giữa một bên là đồng minh an ninh truyền thống là Mỹ và bên còn lại là Iran – một nguồn nhập khẩu dầu quan trọng của Nhật Bản.

Những thông tin về chuyến thăm Iran của Thủ tướng Shinzo Abe đã được truyền thông Nhật Bản đề cập tới từ tháng trước. Bình luận trước những thông tin này, nhân chuyến thăm Nhật Bản diễn ra vào tháng 5/2019, Tổng thống Mỹ D.Trump đã nhấn mạnh rằng: “Thủ tướng Abe và Nhật Bản có một mối quan hệ rất tốt với Iran, vì thế chúng ta sẽ chờ đợi xem những gì sắp diễn ra”.

Căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Iran đã bùng phát trở lại sau khi Tổng thống Mỹ D.Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm: Anh, Nga, Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Đức) năm 2015, đồng thời tăng cường trừng phạt Tehran, dẫn tới việc Iran tuyên bố ngừng thực hiện một số nghĩa vụ trong bản thỏa thuận này.

Hiện Mỹ đang theo đuổi chiến lược “gây sức ép tối đa” thông qua việc siết chặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran để vắt kiệt các nguồn thu từ dầu mỏ và cản trở các hoạt động kinh tế của Iran, trong một nỗ lực nhằm chặn đứng các chính sách không phù hợp của Iran trong khu vực. Cách đây ít lâu, Mỹ đã điều các khí tài quân sự gồm nhóm tác chiến tàu sân bay và 1 phi đội ném bom B-52 tới Trung Đông nhằm sẵn sàng đối phó với điều mà Mỹ coi là “các dấu hiệu đe dọa rõ ràng” từ Iran đối với các lực lượng của Mỹ trong khu vực.

Tuy nhiên, vào tháng 5/2019, Tổng thống Mỹ D.Trump đã có dấu hiệu xê dịch lập trường và nhiều lần tỏ ý muốn nối lại đối thoại để giải quyết những bất đồng với Iran.

Về phía Iran tuyên bố nước Cộng hòa Hồi giáo này không có ý định châm ngòi xung đột với bất kỳ bên nào, song sẽ tự vệ trước mọi hành vi khiêu khích. Iran cũng bày tỏ lập trường rõ ràng rằng, nước này sẽ không ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ trừ khi Washington từ bỏ chiến dịch gây sức ép lên Iran và quay trở lại bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử./.

Thu Lan (PressTV, NHK)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực