Tổng thống Mỹ hé lộ triển vọng ký thỏa thuận thương mại với Trung Quốc

Thứ ba, 22/10/2019 13:53
(ĐCSVN) – Tổng thống D.Trump khẳng định những nỗ lực nhằm kết thúc cuộc chương chiến kéo dài hơn 1 năm qua giữa Mỹ và Trung Quốc đang “đạt tiến triển”, tiếp tục củng cố triển vọng để lãnh đạo hai nền kinh tế nhất nhì thế giới có thể ký kết thỏa thuận nhân cuộc gặp gỡ diễn ra ở Chile vào tháng tới.

Phát biểu trong cuộc họp Nội các tại Nhà Trắng, ngày 21/10, ông D.Trump cho biết, Trung Quốc đã đáp ứng một phần thỏa thuận do ông thúc đẩy khi bắt đầu nhập khẩu nông sản của Mỹ. Tuy nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng vẫn hy vọng rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động này trong thời gian tới.

Tổng thống Mỹ D.Trump phát biểu trong phiên họp Nội các tại Nhà Trắng, ngày 21/10. (Ảnh: AP)

Trong một diễn biến củng cố triển vọng hóa giải căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, mới đây, giới chức Mỹ cho biết Trung Quốc sẽ tăng cường đáng kể việc nhập khẩu nông sản của nước này, đồng thời nhất trí đưa ra một số nhượng bộ về sở hữu trí tuệ, dịch vụ tài chính và tiền tệ. Đáp lại thiện chí trên, Mỹ đã ngừng tăng thuế lên một số hàng hóa của Trung Quốc dự kiến được thực hiện vào trung tuần tháng 10/2019. Đây là một động thái “có ý nghĩa” bởi được thực hiện trước khi nước Mỹ bước vào mùa mua sắm cao điểm nhân dịp Noel hàng năm. Thậm chí Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow còn tỏ ra “hào phóng hơn” khi tuyên bố mức thuế 15% mà Mỹ đang áp đặt đối với các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc bao gồm: Điện thoại di động, máy tính xách tay và máy tính để bàn, sẽ được gỡ bỏ nếu như các vòng đàm phán đạt tiến triển.

Những động thái trên của Mỹ và Trung Quốc được nhìn nhận là một “sự đình chiến” sau 18 tháng căng thẳng về thương mại, làm tổn hại nền kinh tế hai nước và lan rộng ra phạm vi thế giới. Tuy nhiên, thỏa thuận mà hai bên đang đề cập đến vẫn chưa bao quát được toàn bộ các nút thắt quan trọng mà chính quyền Tổng thống D.Trump đang muốn cởi bỏ liên quan tới chính sách kinh tế của Trung Quốc, trong đó gồm cả những tranh cãi xung quanh hoạt động của gã khổng lồ công nghệ Huawei của Trung Quốc.

Trái với những thông điệp có phần lạc quan của người đứng đầu Nhà Trắng, trong một tuyên bố cùng ngày, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross lại bày tỏ lập trường thận trọng khi cho rằng, việc Mỹ và Trung Quốc vạch ra chi tiết liên quan tới bản thỏa thuận còn “quan trọng hơn” là việc Tổng thống D.Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình có thể ký kết thỏa thuận nhân cuộc gặp gỡ diễn ra ở Chile vào tháng tới.

Phát biểu trên tờ Fox Business Network, ông Ross cho rằng, vấn đề cốt lõi của bản thỏa thuận sẽ được chia làm hai giai đoạn bổ sung vẫn chưa được hoàn tất. Trong khi Nhà Trắng đưa ra đề xuất về một bản thỏa thuận sơ bộ vào đầu tháng này thì phía Trung Quốc vẫn chưa đưa ra lời xác nhận nào chắc chắn.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nêu rõ, Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu đạt được sự đồng thuận về “bản thỏa thuận giai đoạn đầu” với Trung Quốc trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) dự kiến diễn ra tại Chile trong các ngày 16-17/11 tới. Tuy nhiên, quan chức này cũng lưu ý thêm rằng, giữa hai nền kinh tế lớn vẫn còn “nhiều vấn đề nổi cộm” cần giải quyết.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung bùng phát từ tháng 7/2018 và đã leo thang không có điểm dừng khi hai nước liên tiếp áp bổ sung các mức thuế với hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD của nhau theo kiểu "ăn miếng trả miếng". Cuộc thương chiến kéo dài hơn 1 năm qua đã khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo và làm gia tăng sự hối thúc từ phía cộng đồng thế giới nhằm xoa dịu cuộc “so găng thương mại” giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (World Economic Outlook) mới được cập nhật, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 về 3% (so với mức 3,2% đưa ra hồi tháng 7 và là mức dự báo thấp nhất trong một một thập kỷ trở lại đây), với nguyên nhân chính là các cuộc xung đột thương mại đang diễn ra trên thế giới./.

Thu Lan (Theo Bloomberg, SCMP/Reuters)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực