Tổng thống al-Sisi tuyên bố sẽ bảo vệ nguồn nước sông Nile của Ai Cập

Thứ ba, 16/01/2018 12:48
Ngày 15/1, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi (Áp-đen Phát-ta An Xi-xi) tuyên bố sẽ bảo vệ nguồn nước của quốc gia Bắc Phi này trong khi cố gắng duy trì hòa bình với các quốc gia ở thượng nguồn sông Nile là Sudan và Ethiopia, nước đang triển khai dự án xây dựng một đập thủy điện khổng lồ gây tranh cãi.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi. Ảnh: AFP.

Phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước, Tổng thống al-Sisi nhấn mạnh mặc dù Cairo quan ngại đập thủy điện Đại Phục hưng (GERD) của Ethiopia sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước của Ai Cập ở phía hạ nguồn sông Nile, Ai Cập sẽ không bước vào cuộc chiến với các nước anh em. Là quốc gia dựa hầu như hoàn toàn vào nguồn nước sông Nile để phục vụ các nhu cầu sinh hoạt và tưới tiêu, Ai Cập tuyên bố nước này có các "quyền lịch sử" đối với nguồn nước sông Nile, vốn được đảm bảo bằng các hiệp ước được ký kết từ năm 1929 đến năm 1959.

Tổng thống al-Sisi cũng nói rằng Ai Cập đang đầu tư cho quốc phòng để bảo vệ an ninh quốc gia, song ông cũng nhấn mạnh Cairo "không có âm mưu chống phá bất cứ ai và không can thiệp vào công việc nội bộ của những nước khác".

Ai Cập hiện đang xây dựng một nhà máy khử nước mặn và xử lý nước thải khổng lồ nhằm ứng phó với tình trạng thiếu hụt nguồn nước. Cairo khẳng định các hiệp ước được ký từ năm 1929 tới 1959 cho phép Ai Cập thụ hưởng 87% lưu lượng nguồn nước sông Nile và trao quyền cho nước này phủ quyết các dự án ở thượng nguồn.

Khởi nguồn từ hồ Victoria nằm giữa biên giới Kenya, Uganda và Tanzania, sông Nile đổ vào Sudan và chảy tới thủ đô Khartoum của Sudan. Đây được gọi là nhánh Nile Trắng. Một nhánh khác, gọi là Nile Xanh, bắt nguồn từ hồ Tana trên vùng cao nguyên của Ethiopia. Nhánh này chảy vào Sudan rồi hợp lưu với nhánh Nile Trắng tại Khartoum, tạo thành dòng Nile chính rồi tiếp tục chảy qua Sudan và Ai Cập trước khi đổ ra Địa Trung Hải. Với tổng chiều dài khoảng 6.700 km, sông Nile là dòng sông quốc tế, cung cấp nguồn nước chủ yếu cho 11 quốc gia trong khu vực, bao gồm Tanzania, Uganda, Rwanda, Burundi, CHDC Congo, Kenya, Ethiopia, Eritrea, Nam Sudan, Sudan và Ai Cập. Sông Nile có ý nghĩa sống còn đối với Ai Cập, quốc gia có tới hơn 90% diện tích lãnh thổ là sa mạc. Đất nước Kim tự tháp đang khai thác khoảng 55,5 tỷ m3 nước mỗi năm từ sông Nile, đáp ứng 95% nhu cầu của khoảng 100 triệu dân.

Căng thẳng bắt đầu gia tăng giữa Ai Cập và Ethiopia khi Addis Ababa khởi công dự án GERD trên nhánh Nile Xanh vào năm 2011. Đập thủy điện này có tổng kinh phí xây dựng 4,8 tỷ USD và công suất 6.000 MW, tương đương với 6 nhà máy điện hạt nhân. Đây là đập thủy điện lớn nhất châu Phi, với dung lượng hồ chứa lên tới 74 tỷ m3. Chính phủ Ethiopia coi dự án là một "dấu mốc lịch sử", giúp khắc phục tình trạng thiếu điện và phát triển kinh tế. Giai đoạn đầu của dự án dự kiến được hoàn thành trong năm 2017.

Mới đây, Ai Cập thông báo muốn Ngân hàng Thế giới (WB) giữ vai trò trung gian để dàn xếp các cuộc đàm phán giữa các bên liên quan đến đập thủy điện của Ethiopia. Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry (Xa-mê Su-cri) đã đưa ra đề xuất này trong cuộc gặp với người đồng cấp Ethiopia tại thủ đô Addis Ababa ngày 26/12 năm ngoái. Các cuộc đàm phán về GERD đã bị đình hoãn nhưng dự án vẫn được triển khai. Tới nay, Ethiopia đã hoàn thành hơn 60% công trình của đập thủy điện, bất chấp những tranh cãi còn chưa được giải quyết liên quan đến tác động môi trường cũng như các vấn đề kỹ thuật./. 

Theo TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực