Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi Ả rập Xê út gỡ bỏ lệnh phong tỏa Yemen

Thứ sáu, 17/11/2017 19:52
(ĐCSVN) – Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, ngày 16/11 miêu tả hành động can thiệp quân sự của Ả rập Xê út vào tình hình Yemen là “thiếu thận trọng”, đồng thời kêu gọi chính quyền Riyahd chấm dứt các lệnh phong tỏa nhằm vào quốc gia Trung Đông đang lâm vào tình cảnh khốn khó này.

Liên hợp quốc cảnh báo tình trạng cạn kiệt nhiên liệu tại các bệnh viện Yemen

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: AFP)

Phát biểu trước phóng viên, ngày 16/11, phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết, ông Guterres đã gửi một bức thư tới Đại sứ Ả rập Xê út tại Liên hợp quốc Abdallah al-Mouallimi nhằm yêu cầu chính quyền Riyahd cùng các đồng minh mở cửa trở lại khu vực biên giới trên bộ và nối lại các hoạt động lưu thông trên biển, trên không với Yemen. Động thái này diễn ra trong bối cảnh trước đó, người đứng đầu Liên hợp quốc đã đề nghị Ả rập Xê út gỡ bỏ phong tỏa đối với Yemen song đều bị từ chối. Việc ông Guterres trực tiếp gửi thông điệp tới Đại sứ Ả rập Xê út tại Liên hợp quốc đã nhấn mạnh sự lo ngại và tình trạng báo động của cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Yemen trong bối cảnh liên minh do Ả rập Xê út dẫn đầu vẫn tiếp tục từ chối mở hành lang để tiếp nhận hàng cứu trợ nhân đạo tới Yemen.

“Tổng thư ký Liên hợp quốc rất thất vọng vì chúng ta vẫn chưa được chứng kiến việc gỡ bỏ các lệnh phong tỏa…Ngài Guterres và các cố vấn hàng đầu của Liên hợp quốc rất đau đớn khi chứng kiến thực tế đang diễn ra tại Yemen và những nguy cơ mà người dân nước này phải đối mặt” – ông Dujarric nói. Bên cạnh đó, phát ngôn viên này cũng nhấn mạnh rằng, cuộc khủng hoảng tại Yemen là do con người tạo nên và bản thân Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng nhìn nhận những hành động quân sự đã cướp đi sinh mạng của 12.000 người dân Yemen từ tháng 3/2015 cho tới nay là một “cuộc chiến ngu ngốc”.

Đầu tháng 11/2017, Ả rập Xê út đã tuyên bố đóng cửa đường biên giới trên biển, trên không và trên bộ với Yemen, sau khi một quả tên lửa hành trình được cho là do quân nổi dậy Houthi từ Yemen phóng về phía sân bay quốc tế gần thủ đô Riyahd của Ả rập Xê út. Đây cũng là thời điểm mà Liên hợp quốc liệt Yemen vào danh sách nước đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo “số 1” trên thế giới – khi mà có tới 17 triệu người đang sống trong tình cảnh thiếu thốn nghiêm trọng lương thực, với 7 triệu người trong số đó đã thực sự lâm vào một nạn đói.

Trong bức thư gửi tới ông Mouallimi, Tổng thư ký Guterres đã kêu gọi liên minh do Ả rập Xê út dẫn đầu cho phép Liên hợp quốc thực hiện các chuyến bay tới thủ đô Sana’a và thành phố Aden của Yemen, cũng như cho mở cửa trở lại các cảng trọng yếu tại Hudaydah và Salif. Bên cạnh đó, ông Guterres cũng đề cập với việc sẽ cử một phái đoàn đại diện của Liên hợp quốc tới Riyahd để đối thoại về vấn đề tiến hành các cuộc điều tra kỹ lưỡng tại khu vực cảng Hudaydah, sau khi Ả rập Xê út nghi ngờ rằng, các tàu cập cảng này thường được sử dụng vào mục đích tuồn lậu vũ khí sang các khu vực do nhóm Ansarullah của phong trào Houthi kiểm soát.

Yemen rơi vào hỗn loạn sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Ali Abdullah Saleh vào năm 2012. Bất chấp các lệnh ngừng bắn do Liên hợp quốc bảo trợ và các nỗ lực hòa bình quốc tế, cuộc xung đột tại Yemen vẫn chưa đi tới hồi kết, và cho tới nay đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người dân vô tội, đẩy quốc gia Trung Đông này tới bờ vực một cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Từ hơn 2 năm trước, Ả rập Xê út đã khởi động một chiến dịch can thiệp quân sự nhằm đẩy lùi phong trào Houthi và khôi phục quyền lực của cựu Tổng thống Yemen Abd Rabbud Mansur Hadi - một đồng minh đáng tin cậy của Riyahd đang sống lưu vong tại Ả rập Xê út. Tuy nhiên, động thái này không những không giúp Yemen thoát khỏi tình cảnh “nồi da xáo thịt” mà còn đẩy tình hình chiến sự tại quốc gia này bước sang một ngã rẽ mới khi cả lực lượng Houthi, quân đội chính phủ và các tay súng của một số phong trào khác tại Yemen phải đương đầu với một cuộc chiến đấu mới trước sự can thiệp của Ả rập Xê út. Từ năm 2015, phong trào Houthi và các đồng minh đã đơn phương thành lập chính phủ để điều hành các công việc đất nước sau khi giành được nhiều ưu thế trong cuộc chiến trên thực địa. Tuy nhiên, Chính phủ lưu vong của Tổng thống Hadi cho rằng, quyết định này của lực lượng Houthi là hành động “xem thường” người dân Yemen và cộng đồng quốc tế./.

Thu Lan (theo PressTV, dailymail.co.uk)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực