Vì sao quan hệ Nga - NATO đổ vỡ?

Thứ sáu, 26/04/2019 16:07
(ĐCSVN) – Nga đã tuyên bố rằng việc hợp tác với Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cả trong lĩnh vực quân sự lẫn dân sự đều đã chấm dứt hoàn toàn. NATO cũng đã từng tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Tổng thư ký NATO thì cho rằng quan hệ Nga - NATO đổ vỡ là do lỗi của Moscow. Nhưng Nga thì cho là ngược lại. Vậy đâu mới là nguyên nhân thực sự?

Nga tuyên bố hoàn toàn chấm dứt hợp tác với NATO

Tên lửa Nga trong một cuộc diễu binh. (Ảnh: Sputnik)

Từ cách tiếp cận không phù hợp…

Ngày 15/4, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết: “Các hoạt động hợp tác quân sự và dân sự đã dừng hoàn toàn. NATO đã bỏ qua mọi chương trình nghị sự tích cực trong quan hệ với Nga. Và cho đến lúc này, không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy NATO biết cách thoát ra khỏi thế bế tắc này”. Vì thế, Nga tuyên bố chấm dứt hoàn toàn việc hợp tác với NATO cả trong lĩnh vực quân sự lẫn dân sự.

Có thể thấy rằng, sự đổ vỡ này la một tất yêu. Trên thực tế, Nga luôn bị NATO coi là đối thủ hơn là đối tác, nhất là từ sau khủng hoảng Ukraine. Mới đây, khi phát biểu trước Quốc hội Mỹ, ngày 3/4, Tổng thư ký NATO Stoltenberg đã nhấn mạnh: Chúng ta (tức NATO) đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có, những thách thức mà không một quốc gia nào có thể một mình đối mặt,… trong đó có “một nước Nga quyết đoán hơn”.

Phó Chủ tịch Ủy ban quốc phòng Hạ viện Nga, Yury Shvytkin khẳng định, NATO đang định hình sự thù địch và đối đầu trong mối quan hệ với Nga, và điều đó thể hiện rất rõ thông qua số lượng căn cứ quân sự và những cuộc tập trận gần biên giới của Nga. Những phát ngôn gần đây của khối quân sự này cho thấy họ không có ý muốn cố gắng để gìn giữ mối quan hệ với Nga.

Còn theo ông Vladimir Dzhabarov, Phó Chủ tịch Ủy ban về các vấn đề quốc tế của Hội đồng Liên bang Nga, sự xấu đi trong mối quan hệ giữa hai bên đã bắt đầu từ hơn mười năm trước. Ông nhận định: “Giờ đây, tôi nghĩ rằng, mối quan hệ giữa Nga với NATO đang ở đỉnh điểm của sự nguội lạnh. Do đó, bất kỳ động thái nào của chúng ta sẽ đều bị coi là xâm lược. Họ không còn tin chúng ta hoặc họ đang cố gắng tỏ ra là họ không còn tin chúng ta”.

Đến sự kiện Ukraine…

Mối quan hệ Nga - NATO đã rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea và triển khai một lượng lớn quân đội trên biên giới với Ukraine, NATO đã quyết định đình chỉ các hoạt động hợp tác quân sự và dân sự với Nga. Đồng thời, NATO đẩy mạnh sự hiện diện quân sự tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga, tăng cường tiến hành các cuộc tập trận để đối phó với Nga.

Quyết định đình chỉ hợp tác này đồng nghĩa với việc Nga sẽ không còn tham gia các cuộc tập trận chung với NATO cũng như hai bên sẽ chấm dứt hợp tác trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, cướp biển, và thảm họa thiên nhiên... NATO cũng quyết định áp dụng các biện pháp bổ sung để bảo vệ các nước thành viên ở Đông Âu, chủ yếu là các nước vùng Baltic và Ba Lan.

Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho rằng khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, NATO hy vọng xây dựng mối quan hệ đối tác gần gũi với Nga nhưng việc Moscow thực hiện tái sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Nga và gây ảnh hưởng với cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine đã khiến quan hệ Nga - NATO xấu đi đáng kể.

NATO cũng có kế hoạch đưa Ukraine vào tầm ảnh hưởng và kết nạp nước này vào Khối nhưng kế hoạch này đã thất bại. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh: “Các thành viên NATO đều cảm thấy tức giận do kế hoạch đưa Ukraine vào tầm ảnh hưởng của họ đã thất bại, trong đó bao gồm việc kết nạp Kiev vào khối liên minh, cùng với đó là việc đưa bán đảo Crimea vào trong kế hoạch bao vây quân sự Nga - những chương trình này đã đổ vỡ”; “vì bực tức trước thực tế lịch sử khách quan này mà họ đóng băng tất cả những gì liên kết chúng tôi, trong đó có cả nội dung đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố”.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, việc Nga tái sáp nhập Crimea vào lãnh thổ nước Nga hay ảnh hưởng của Moscow đối với cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine không phải là nguyên nhân khiến quan hệ Nga - NATO căng thẳng, đó chỉ là cái cớ để phương Tây gia tăng hành động thù địch với nước Nga mà thôi.

Tàu chiến của NATO trong một cuộc diễn tập hải quân. (Ảnh: NATO)

Và thế cân bằng về chiến lược

Sau Chiến tranh Lạnh, NATO đẩy mạnh chiến lược “Đông tiến”, xâm phạm đến sân sau của Nga và đe dọa đến lợi ích chiến lược cốt lõi của nước này. Bên cạnh đó, Hệ thống phòng thủ tên lửa tại Đông Âu (NMD) và hoạt động của NATO ở Biển Đen khiến cho cán cân Nga - NATO mất cân bằng nghiêm trọng. Để đáp trả, Nga đã nâng cấp khả năng tấn công bằng tên lửa của mình, trong đó có kế hoạch triển khai tên lửa đạn đạo chiến thuật tại Nga và Belarus, thành lập các sư đoàn mới tại miền Tây nước này để làm đối trọng với NATO.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện nay, Nga và NATO đã đạt được cân bằng quân sự mới, nhất là khi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) bị hủy bỏ, kho tên lửa của Nga trở nên mạnh mẽ hơn. Tổng thống Nga V. Putin đã chứng minh được rằng, phương Tây đang thất bại trong việc kiềm chế và ngăn chặn các bước tiến của Nga, đặc biệt là về quân sự.

Như vậy, quan hệ Nga - NATO đã đổ vỡ như một tất yếu. Điều này có thể dẫn đến việc tăng cường các hoạt động quân sự, kích thích chạy đua vũ trang nhằm răn đe lẫn nhau, đặt an ninh khu vực và toàn cầu trước viễn cảnh nhiều rủi ro hơn./.

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực