Vì sao xảy ra vụ tai nạn máy bay làm 157 người chết ở Ethiopia?

Thứ ba, 12/03/2019 15:53
(ĐCSVN) – Bất kỳ một thảm họa hàng không nào xảy ra cũng cần những lời giải thích. Tuy nhiên, vụ tai nạn máy bay ở Ethiopia hôm 10/3 – thảm họa thứ hai chỉ trong vòng 5 tháng liên quan đến chiếc máy bay hiện đại đời mới thì cần nhiều hơn thế, khi mà vụ việc làm dấy thêm nỗi lo sợ và đặt ra nhiều câu hỏi về an toàn hàng không.

Ethiopia tuyên bố quốc tang tưởng niệm nạn nhân tai nạn máy bay

Chỉ trong thời gian rất ngắn sau khi chiếc Boeing 737 Max 8 cất cánh khỏi thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, bắt đầu hành trình đến Nairobi (Kenya), phi công đã gửi một cuộc gọi cầu cứu và nhận được sự cho phép để trở về sân bay. Tuy nhiên, chỉ 6 phút sau khi cất cánh, chiếc máy bay đã rơi xuống đất, khiến toàn bộ 157 người trên máy bay thiệt mạng.

Điều gì đã gây ra vụ tai nạn?

Vẫn còn quá sớm để nói tại sao chiếc máy bay đã rơi xuống đất hay để loại trừ những khả năng do lỗi của phi công, hỏng hóc động cơ, sự cố bảo trì hay khủng bố.

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra vụ tai nạn máy bay thảm khốc ở Ethiopia
(Ảnh: The National)

Hai hộp đen ghi dữ liệu chuyến bay và ghi âm buồng lái đã được tìm thấy vào ngày 11/3, tuy nhiên thông tin ở trong hai thiết bị quan trọng này cần tới nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng để phân tích. Các nhà điều tra cho đến nay vẫn chưa đưa ra những kết luận từ các thiết bị được tìm thấy sau thảm họa hàng không trước đó – vụ tai nạn máy bay 737 Max 8 ở Indonesia vào tháng 10/2018.

Trong các thảm họa hàng không, sự suy đoán sớm thường dễ bị nhầm lẫn. Nguyên nhân có thể là những vấn đề không ngờ tới hoặc cũng có thể là những tình huống hiếm gặp. Công cuộc điều tra đôi khi còn kéo dài tới nhiều năm.

Việc điều tra vụ tai nạn máy bay của hãng Lion Air (Indonesia) thời gian qua tập trung vào vấn đề phần mềm khiến máy bay lao đầu xuống dựa trên những số liệu không chính xác về tốc độ bay. Điều này đặt ra những câu hỏi về hệ thống máy tính – vốn có những khác biệt so với các đời máy bay Boeing 737 trước đó – liệu có sai sót nào hay không, hay phi công đã được trao đổi hay đào tạo về những thay đổi này chưa? Ngoài ra còn có những câu hỏi liệu rằng các bộ phận của máy bay đã được bảo trì đúng cách hay chưa?

Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có bằng chứng cho thấy có những vấn đề tương tự như đối với máy bay của hãng hàng không Ethiopia.

Vụ tai nạn máy bay ở Ethiopia giống và khác vụ Lion Air như thế nào?

Có những điểm tương đồng dễ nhận thấy trong hai thảm họa tai nạn máy bay ở Ethiopia và ở Indonesia, nhưng cũng có những điểm khác biệt đáng nói.

Hiện trường vụ tai nạn máy bay ở Ethiopia (Ảnh: The National)

Ngoài việc cùng sử dụng máy bay đời mới Boeing 737 Max 8 để thực hiện hành trình, các phi hành đoàn của cả hai chuyến bay đều có những cuộc gọi khẩn cấp và yêu cầu được quay trở lại chỉ vài phút sau khi máy bay cất cánh. Sau đó, cả hai chiếc máy bay đều rơi xuống.

Tuy nhiên, cuộc nội chiến ở nước láng giềng với Ethiopia là Somalia cũng làm dấy lên nghi vấn về một cuộc tấn công khủng bố, chứ không phải do trục trặc nào liên quan đến động cơ, máy móc. Shabab, một nhóm nổi dậy Hồi giáo có liên kết với Al Qaeda đã tiến hành nhiều cuộc tấn công khủng bố ở cả Ethiopia và Kenya. Một nhân chứng nói rằng, họ nhìn thấy khói từ chiếc máy bay khi nó vẫn còn ở trên cao. Tuy nhiên, điều này có thể chưa nói lên được điều gì.

Các phi công lái chiếc máy bay của hãng Lion Air đều là những người rất có kinh nghiệm, trung bình mỗi người có khoảng 5.000 giờ bay. Trong khi đó, chỉ một trong hai phi công của hãng hàng không Ethiopia là người dày dạn kinh nghiệm, người còn lại mới chỉ có 200 giờ bay. Hiện chưa rõ khi xảy ra vụ tai nạn, phi công nào là người điều khiển máy bay?

Nhiều nước ngưng hoạt động đối với máy bay Boeing 737 MAX

Máy bay Boeing 737 Max 8 và một số hãng hàng không sử dụng loại máy bay này 
 (Ảnh: CNA/Reuters)

Ngày 12/3, Cơ quan Hàng không dân dụng Singapore (CAAS) thông báo tạm thời cấm sử dụng máy bay Boeing 737 Max trong không phận nước này, sau khi xảy ra vụ tai nạn máy bay Boeing 737 MAX 8 của Hãng hàng không Ethiopia ngày 10/3 khiến toàn bộ 157 hành khách và phi hành đoàn tử nạn. Trước đó, Brazil, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc và Mông Cổ đã thông báo quyết định đình chỉ bay đối với máy bay Boeing 737 MAX. Trong khi đó, nhiều nước bao gồm Mỹ, Nga, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy, Iceland, Na Uy, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Oman vẫn duy trì khai thác loại máy bay này trong khi chờ kết quả điều tra nguyên nhân vụ tai nạn tại Ethiopia cũng như thông tin hướng dẫn để đảm bảo tối đa an toàn và an ninh cho các chuyến bay sử dụng loại máy bay thế hệ mới này.

Giám đốc điều hành của hãng Boeing – ông Dennis Muilenburg ngày 11/3 vẫn bày tỏ tin tưởng vào sự an toàn của  máy bay 737 MAX dù dòng máy bay này vừa gặp 2 vụ tai nạn liên tiếp chỉ trong vòng 5 tháng./.

Kiều Giang (theo The New York Times, CNA/Reuters)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực