Công tác phát triển Đảng ở các đội tuyển thể thao quốc gia: Nguồn động viên tinh thần vô giá!

Thứ hai, 01/10/2018 12:57
(ĐCSVN) - Nhìn chung, về mặt thủ tục thì việc tổ chức kết nạp Đảng cho vận động viên, huấn luyện viên (VĐV, HLV) tại các Đại hội thể thao quốc tế sẽ là khó khăn hơn nhiều so với khi thực hiện trong nước, nhưng nếu tiến hành được thì sẽ có ý nghĩa và giá trị vô cùng đặc biệt.

Trò chuyện với chúng tôi về kỷ niệm được kết nạp vào Đảng khi đang làm nhiệm vụ huấn luyện viên (HLV), dẫn dắt đội tuyển Pencak Silat tại SEA Games 21 tại Malaysia năm 2001, ông Nguyễn Ngọc Anh (Vụ trưởng Vụ Thể dục Thể thao Quần chúng, Tổng cục TDTT) không giấu được sự xúc động: “Đấy là một kỷ niệm không bao giờ quên, một niềm vinh dự to lớn, cổ vũ chúng tôi không ngừng phấn đấu và trưởng thành”. Vâng, không chỉ ông Ngọc Anh, mà mọi HLV, VĐV từng có vinh dự được kết nạp Đảng trong thời gian tham gia các đội tuyển thể thao quốc gia đều xem đây như một phần thưởng về tinh thần thật sự đặc biệt và vô giá.

TP Hồ Chí Minh kết nạp cho tuyển thủ Taekwondo Lê Huỳnh Châu năm 2017. Ảnh:nld.com.vn

Niềm hạnh phúc và nguồn lực tinh thần to lớn

“Tôi vẫn nhớ, ngay sau khi kết thúc thi đấu môn Pencak Silat ở SEA Games 21 – Đại hội thể thao Đông Nam Á tổ chức định kỳ 2 năm/lần - thì tôi cùng 2 VĐV là Nguyễn Văn Hùng và Trịnh Thị Mùi được vinh dự kết nạp vào Đảng ngay tại đất bạn. Hồi đó, để được xét kết nạp vào Đảng rất khó, được vào Đảng khi đang đại diện quốc gia đi thi đấu quốc tế lại càng đặc biệt vô cùng”, ông Nguyễn Ngọc Anh bồi hồi nhớ lại.

Lễ kết nạp đảng viên tại SEA Games 21 (ngày 16/9/2001) có mặt đầy đủ các đồng chí lãnh đạo đoàn Thể thao Việt Nam và được thực hiện trong bầu không khí ấm cúng nhưng vẫn rất trang trọng, với đầy đủ quy trình, thủ tục theo đúng quy định của Điều lệ Đảng. Được biết, trước SEA Games 21, toàn bộ thủ tục xét kết nạp đối với HLV Nguyễn Ngọc Anh (do Vụ Thể thao Thành tích cao làm thủ tục) và 2 vận động viên (VĐV) Nguyễn Văn Hùng, Trịnh Thị Mùi (Chi bộ Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội phối hợp với cơ quan Đảng ủy Sở TDTT tỉnh Thanh Hóa) đều đã hoàn tất; thời điểm tổ chức buổi lễ kết nạp cũng đã lựa chọn, kèm theo dự báo về thành tích rất chính xác.

Ở SEA Games 21, Nguyễn Văn Hùng và Trịnh Thị Mùi đã cùng xuất sắc giành HCV ở các nội dung thi đấu đối kháng; còn đội tuyển Pencak Silat Việt Nam, dưới sự dẫn dắt của HLV trưởng Nguyễn Ngọc Anh, đã đem về tới 6 HCV (ngang với thành tích của đội bắn súng), góp phần giúp đoàn TTVN lần đầu đoạt tới 33 HCV, lần đầu xếp thứ 4 toàn đoàn sau 6 kỳ tham dự đấu trường SEA Games. Đây cũng là kỳ SEA Games đánh dấu bước phát triển mới của thể thao Việt Nam, ngay trước khi chúng ta đăng cai và tổ chức thành công SEA Games 22 vào năm 2003. 

Từ niềm vinh dự, tự hào ấy, trong suốt 17 năm qua, họ đã tiếp tục nỗ lực phấn đấu và cống hiến không biết mệt mỏi cho thể thao nước nhà. Đảng viên Nguyễn Ngọc Anh hiện là Vụ trưởng Vụ TDTT Quần chúng thuộc Tổng cục TDTT, là một trong số những cán bộ lãnh đạo cấp Vụ trẻ trung và đầy năng lực của ngành. Đảng viên Nguyễn Văn Hùng hiện là HLV trưởng đội tuyển Pencak Silat Việt Nam (vừa thi đấu rất thành công tại Asiad 18 với 2 tấm HCV quý giá). Còn đảng viên Trịnh Thị Mùi hiện là Trưởng Bộ môn Pencak Silat tỉnh Nghệ An (một trong những địa phương có phong trào mạnh hàng đầu cả nước).

Hai năm sau đó, tại SEA Games 22 (do Việt Nam là chủ nhà), có 10 HLV, VĐV xuất sắc được kết nạp Đảng trong thời điểm tham gia đội tuyển làm nhiệm vụ ở đấu trường thể thao khu vực gồm: Đinh Công Sơn, Lê Thị Hằng, Nguyễn Thanh Thủy, Huỳnh Ngọc Minh Tiến (Silat), Bùi Thị Nhung, Nguyễn Trung Hoa (điền kinh), Cấn Văn Thực, Nguyễn Thế Long, Lê Ngọc Minh (vật), Nguyễn Thanh Giang (bóng ném). Theo đó, toàn bộ quy trình và thủ tục đã được Trung tâm HLTTQG Hà Nội tiến hành trước đó.

Tới kỳ SEA Games 23 vào năm 2005 ở Philippines, lần thứ 2 việc kết nạp Đảng đối với  các HLV, VĐV khi đang thi đấu tại nước ngoài tiếp tục được thực hiện. Lần này, số lượng lên tới 10 người, lần lượt được thực hiện ở cả 3 địa điểm thi đấu chính gồm thủ đô Manila cùng 2 hòn đảo lớn là Cebu và Bacolod. Mười người có được vinh dự (cũng là một kỷ niệm không thể nào quên trong suốt sự nghiệp và cuộc đời) bao gồm: Nguyễn Phương Lan, Nguyễn Văn Chương (Wushu), Lê Tùng Dương, Nguyễn Thị Ngà (Karate), Nguyễn Thế Hiệp, Vũ Anh Tuấn (Taekwondo), Nguyễn Thị Lan Anh, Đới Đăng Hỷ (vật), Phạm Anh Tuấn (đấu kiếm) và Nguyễn Đình Nghĩa (quyền Anh).

Tại SEA Games 26 năm 2011 ở Philippines, chi bộ lâm thời của Đoàn TTVN lại được thành lập để tổ chức kết nạp cho HLV Lưu Hồ Điệp (quyền Anh) và VĐV Phạm Thị Bình (điền kinh). Buổi lễ được tổ chức vào ngày 13/11/2011, ngay sau khi “cô gái chân đất” Phạm Thị Bình giành HCB nội dung 10.000m nữ. Tại buổi lễ, cô gái đến từ miền quê Quảng Ngãi ấy đã nghẹn ngào tuyên thệ trung thành và tự nhủ quyết tâm sẽ có “vàng” SEA Games. Ba ngày sau đó, đảng viên Phạm Thị Bình giành thêm tấm HCĐ nội dung Marathon. Nhưng điều tuyệt vời nhất là 2 năm sau tại SEA Games 27 ở Myanmar, cô gái nhỏ bé nhưng có ý chí vô cùng to lớn ấy đã hoàn thành lời hứa của mình, giành tấm HCV Marathon (42km195) với những hình ảnh gây xúc động đối với mọi người hâm mộ thể thao nước nhà:

Một giải pháp về tinh thần hữu ích ở các đội tuyển thể thao

Việc được kết nạp vào Đảng khi tham gia các đội tuyển thể thao sẽ là nguồn động viên tinh thần vô giá, khích lệ các HLV, VĐV tiếp tục tận lực cống hiến và phấn đấu vươn lên. Bởi vậy, đây cũng có thể xem như một phương thức rất hữu hiệu để cổ vũ tinh thần các HLV, tuyển thủ thể thao quốc gia tại các đấu trường lớn, bên cạnh các giải pháp về tiền thưởng hoặc chăm lo đời sống tinh thần (các giải pháp ngoài chuyên môn). Trả lời câu hỏi “Vì sao chúng ta không tiếp tục tổ chức kết nạp đảng viên tại một số kỳ Đại hội thể thao quốc tế như SEA Games hay Asiad gần đây?”, đồng chí Phạm Gia Huy – Phó Bí thư Đảng ủy Tổng cục TDTT giải đáp: “Không hề có chuyện vì khó mà chúng ta không tiến hành nữa. Đơn giản vì thời gian qua, chúng tôi không nhận được đề nghị từ các đơn vị liên quan mà thôi”.  

Một thực tế là nhiều VĐV, HLV có thời gian làm nhiệm vụ ở các đội tuyển thể thao còn dài hơn thời gian làm việc tại địa phương hay đơn vị chủ quản. Vì vậy, việc tổ chức các hoạt động đoàn thể cho các VĐV, HLV khi tập huấn ở các đội tuyển thể thao quốc gia, đặc biệt tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia là hết sức cần thiết.

Được biết, từ lâu, Chi đoàn của Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia (HLTTQG) Hà Nội đã thường xuyên có những hoạt động sôi nổi, với sự tham gia của đông đảo VĐV, HLV (trong tuổi Đoàn) đang tập huấn tại Trung tâm. Đây cũng là cơ sở để theo dõi, giới thiệu và xét kết nạp đối với những quần chúng ưu tú – một phần của công tác phát triển Đảng đối với các HLV, VĐV tại các đội tuyển thể thao quốc gia. Tới đây xin được nhấn mạnh quan điểm: Chúng ta nên xem mặt công tác này là một trong các giải pháp nhằm thiết thực cổ vũ, động viên tinh thần của các VĐV, HLV xuất sắc, giúp họ có thêm động lực phấn đấu trước, trong và sau các giải đấu thể thao quốc tế.

Vấn đề quan trọng trước hết đáng lưu tâm chính là cần đảm bảo quy trình của công tác phát triển đảng viên sao cho vẫn tuân thủ chặt chẽ mọi yêu cầu theo Điều lệ Đảng cũng như những trình tự cần thiết. Theo đó, trước tiên cần có kế hoạch chu đáo về dự kiến kết nạp đối với những quần chúng ưu tú nào; kế đó là sự kết hợp giữa Chi bộ của các Vụ Thể thao (đối với đội ngũ cán bộ), hoặc của Trung tâm HLTTQG với các địa phương, đơn vị chủ quản trong việc xác minh lý lịch, theo dõi và nhận xét đối với quần chúng là VĐV, HLV đang tham gia các đội tuyển thể thao được lựa chọn, xem xét phát triển Đảng. Trên cơ sở ấy, Chi bộ của Trung tâm HLTTQG sớm hoàn tất thủ tục kết nạp (theo đúng quy định) trước thềm các Đại hội thể thao, trình lên Đảng ủy Tổng cục TDTT để tiếp tục bước chuẩn bị tổ chức kết nạp trong quá trình Đại hội thể thao (hoặc sau Đại hội, tùy tình hình), kèm theo đó là một loạt các vấn đề liên quan tới tổ chức lễ kết nạp (đặc biệt là khi thi đấu tại nước ngoài).

Công tác phát triển Đảng đối với các VĐV, HLV xuất sắc hoàn toàn có thể được thực hiện ngay từ các đơn vị địa phương, như Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tương tự một số đơn vị từng làm thời gian qua (Bắc Giang kết nạp Đảng cho các tuyển thủ cầu lông Vũ Thị Trang, Nguyễn Thị Sen năm 2015, hoặc TP Hồ Chí Minh kết nạp cho tuyển thủ Taekwondo Lê Huỳnh Châu năm 2017) trước thời điểm các VĐV, HLV lên tham gia tập huấn ở các đội tuyển quốc gia. Còn việc thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục và tổ chức kết nạp Đảng cho các VĐV, HLV trong thời gian tham gia các đội tuyển thể thao, nếu được thực hiện ở các Trung tâm HLTTQG (trong nước) cũng không quá phức tạp, vấn đề chỉ là có hay không sự phối hợp giữa các đơn vị Trung ương với địa phương (và nếu có thì phối hợp ra sao) mà thôi...

Nhìn chung, về mặt thủ tục thì việc tổ chức kết nạp Đảng cho VĐV, HLV tại các Đại hội thể thao quốc tế sẽ là khó khăn hơn nhiều so với khi thực hiện trong nước, nhưng bù lại, nếu tiến hành được thì sẽ có ý nghĩa và giá trị vô cùng đặc biệt. Việc này nếu được ngành TDTT xác định là một giải pháp, phương thức hữu hiệu trong công tác phát triển Đảng vừa được xem như phần thưởng về tinh thần đối với các HLV, VĐV có thành tích xuất sắc và đảm bảo các yếu tố cần thiết để kết nạp Đảng, thì Đảng ủy Tổng cục TDTT vẫn hoàn toàn có thể xác lập quy trình, cách thức phù hợp và vẫn đảm bảo đầy đủ yêu cầu cần thiết để có thể thực hiện, từ đó tạo thêm nguồn cổ vũ tinh thần rất lớn lao đối với những nhân tài thể thao của đất nước./.

Hữu Bình (Trưởng Ban Biên tập – Tạp chí Thể thao)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực