Thất bại của người Đức trong “cơn bão Oezil”

Thứ ba, 24/07/2018 14:12
(ĐCSVN) – Sự kiện tiền vệ hào hoa Mesut Oezil tuyên bố giã từ đội tuyển quốc gia đã tạo ra một cơn bão thực sự đối với người Đức. Từ một người hùng được xem là không thể thay thế, nhạc trưởng của Die Mannschaft và Arsenal đã bị cuốn phăng bởi cơn lốc hỗn loạn giữa chính trị và thể thao.

Oezil bị xem là nguyên nhân thất bại của tuyển Đức tại World Cup (ảnh: Reuters)

Mọi chuyện bắt đầu vào ngày 13/5, khi bức ảnh Mesut Oezil, Ilkay Gundogan và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan được lan truyền trên mạng. Trên chiếc áo đấu mà Gundogan tặng cho ông Erdogan xuất hiện dòng chữ: “To my president” (Tặng ngài Tổng thống của tôi - TD). Ngay lập tức, một làn sóng phản đối dữ dội đã xuất hiện tại Đức, khi người dân nước này cho rằng bộ đôi của Die Mannschaft đang tham gia vào chính trị dưới hình ảnh của những ngôi sao thể thao.

Vì sao chỉ một tấm ảnh xuất hiện từ London lại tạo ra sự giận dữ với người Đức như vậy? Mọi chuyện không đơn giản chỉ là một tấm ảnh!

Mối quan hệ căng thẳng giữa 2 quốc gia đồng minh thân NATO bắt đầu từ cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7/2016. Sau khi giành lại quyền chủ động, Tổng thống Erdogan phản công với hàng loạt những vụ bắt bớ, cầm tù và trục xuất tướng lĩnh. Về mặt ngoại giao, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu gây căng thẳng khi cho rằng chính EU, trong đó có Đức, là một mắt xích quan trọng thúc đẩy cuộc đảo chính. Về phần mình, Đức cũng tuyên bố ông Erdogan phải chịu trách nhiệm về những cáo buộc nhân quyền và sự hỗn loạn của làn sóng tị nạn sau cuộc chiến Syria.

Mọi chuyện càng trở nên phức tạp khi bà Angela Merkel đắc cử Thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ 4 vào tháng 9 năm ngoái. Những quyết sách được cho là cứng rắn với hơn 3 triệu người gốc Thổ Nhĩ Kỳ đang sinh sống tại Đức đã nhận được sự ủng hộ phần lớn người dân nước này, ít nhất là dựa theo số phiếu bầu dành cho Đảng cực hữu. Sự căng thẳng leo thang trong năm 2018m khi Chính phủ Đức từ chối cho nhập cảnh với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc vận động cộng đồng gốc Thổ bỏ phiếu ủng hộ sửa đổi Hiến pháp. Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ lên án mạnh mẽ chính quyền Đức khi một đảng đối lập ủng hộ người Kurd được biểu tình ở Cologne. Thật trớ trêu khi cũng chính tại Cologne, hoạt động tương tự của các chính trị gia đảng cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ lại bị ngăn cản không rõ lý do.

Đây không phải lần đầu tiên Oezil và Gundogan công khai những hình ảnh hoạt động liên quan tới cố quốc. Trong bức tâm thư tuyên bố giã từ đội tuyển Đức, Oezil đã thừa nhận việc anh là một tín đồ Hồi giáo và thường xuyên trở lại Thổ Nhĩ Kỳ trong các dịp lễ. Tuy nhiên, có vẻ như tấm ảnh với Tổng thống Erdogan đã xuất hiện không đúng thời điểm.

Với tầm ảnh hưởng của một ngôi sao, Oezil được quan tâm nhiều hơn hẳn so với Gundogan. Không ngạc nhiên khi Đức chơi không tốt tại World Cup, mọi sự tức giận sẽ đổ dồn lên phía tiền vệ của Arsenal. Sau trận đấu với Thụy Điển, cầu thủ có tổ tiên ở vùng Devrek, Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ đã bị các CĐV Đức chửi rủa thậm tệ và suýt xảy ra xô xát ngay lối vào phòng thay đồ. Nhưng cú sốc với cầu thủ được xem là “số 10 cổ điển” duy nhất còn sót lại ở cựu lục địa chưa dừng lại ở đó...

Một trong những tiền vệ xuất sắc nhất thế giới đã nói lời chia tay với tuyển Đức (ảnh: fifa)

Bất chấp việc Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Đức (DFB), Reinhar Grindel tuyên bố mọi rắc rối “đã dừng lại tại Berlin”, ám chỉ cuộc gặp giữa ông và Oezil để giải quyết vấn đề ngay trước VCK World Cup, đội trưởng danh dự của tuyển Đức, huyền thoại Lothar Matthaus tiếp tục chỉ trích ngôi sao gốc Thổ. Sau thất bại tại Nga, tới lượt chính ông Grindel ra đòn khi công khai quan điểm chê trách Oezil trên Twitter.

Không thể chịu nổi áp lực, Oezil đã nói lời chia tay một cách đầy đau đớn: “Khi chiến thắng, chúng ta là người Đức. Khi thất bại, bạn chỉ là một gã nhập cư”. Tuy vậy, bất chấp sự tẩy chay dữ dội của người Đức, tiền vệ hào hoa của Pháo thủ vẫn tuyên bố không hề hối hận vì những gì đã làm. Anh nói: “Giống như nhiều người khác, nguồn gốc tổ tiên tôi không chỉ gắn với một quốc gia. Khi tôi còn bé, mẹ luôn dạy tôi phải tôn trọng và không bao giờ quên cội nguồn của mình. Chính vì vậy, tôi sở hữu hai trái tim, một cho Đức và một cho Thổ”.

Tuyển Đức đã trải qua một kỳ World Cup tồi tệ nhất trong lịch sử. Nhưng thất bại của họ có lẽ còn trầm trọng hơn nữa khi không níu giữ được đôi chân ma thuật của Mesut Oezil. Như hàng triệu đứa con của những người nhập cư khác, Oezil đã góp phần tạo nên những chiến tích khó quên với Sư tử sông Rhine. Ở phương diện nào đó, thất bại của tuyển Đức cũng chính là tấm gương phản chiếu thất bại về sự hòa hợp và phi chính trị trong thể thao./.

HC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực