“Kỹ sư chân đất” và những sáng chế hữu ích cho nông dân

Thứ ba, 01/12/2015 20:42
(ĐCSVN) - Dù chỉ mới học hết lớp 7 nhưng với đam mê sáng tạo, ông Phạm Văn Hát ở xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương đã sáng chế ra nhiều loại máy móc ứng dụng thành công vào sản xuất nông nghiệp, tăng hiệu quả sản xuất cho nông dân.

Năm 2010, để giảm bớt gánh nặng nợ nần trong quá trình xây dựng xưởng cơ khí kết hợp với mô hình trồng rau sạch, ông Phạm Văn Hát ở xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương đã quyết định đi xuất khẩu lao động tại Isaren. Trong quá trình làm việc ở trang trại rau, ông và nhiều công nhân phải làm việc vất vả, lương lại thấp. Vốn có sẵn những kiến thức khi còn làm việc tại xưởng cơ khí Bông Sen, ông Hát mạnh dạn đề xuất với chủ trang trại ý tưởng của bản thân về sáng chế cải tiến kỹ thuật cho một số nông cụ, máy móc, tăng năng suất, giảm thiểu lao động.

2 năm lao động tại Isaren, ông đã cải tiến và sáng chế ra một số loại máy móc, công cụ lao động như: máy rải phân tự động, máy cắt rau tự động, máy dọn rau sau thu hoạch và bộ dao cắt hành. Từ khi có những loại máy này, chủ trang trại chỉ cần từ 2 đến 3 lao động thay vì 25 lao động như trước kia. Với sáng chế này, ông đã được ông chủ trang trại thưởng nóng 5.500 USD cùng với điện thoại và máy tính.

Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh trao Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Phạm Văn Hát
tại Đại hội thi đua yêu nước và biểu dương nông dân điển hình tiên tiến Hội Nông dân Việt Nam lần thứ IV

Ông trở về nước năm 2012 và quyết định mở lại xưởng cơ khí, tập trung nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực cơ khí nông nghiệp. Sẵn niềm đam mê, cùng những kiến thức tích lũy được trong thời gian lao động ở đất nước Isaren ông Hát đã chế tạo thành công bộ ép luống soi rạch trồng rau các loại và bộ ép luống chuyên dùng cho cà rốt; cải tiến một số bộ phận của máy làm đất như chế tạo cày hai lưỡi thay thế cho cày một lưỡi, cày bốn lưỡi thay thế cho cày ba lưỡi…

Ông cho biết: Nếu như sử dụng cày một lưỡi, một công lao động chỉ được tám sào, vì máy dễ bị văng do thiếu cân bằng, nông dân khó điều khiển máy. Còn sử dụng cày hai lưỡi, một công lao động có thể đạt tới hai mẫu. Cày hai lưỡi và bốn lưỡi của ông Hát đã giúp nông dân đỡ vất vả, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập. Mỗi năm ông Hát đã cung ứng ra thị trường hằng trăm sản phẩm và được nông dân khắp các tỉnh, thành tin dùng.

Năm 2012, một lần tình cờ đi qua vùng trồng cà rốt ở huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, ông thấy người nông dân sử dụng máy gieo hạt nhưng vẫn phải kéo máy bằng tay, khiến hạt gieo không đều. Ý tưởng chế tạo robot đặt hạt tự động bắt nguồn từ đó.

Sau gần 01 năm nghiên cứu và thực hiện, kỹ sư chân đất Phạm Văn Hát đã chế tạo thành công robot đặt hạt tự động. Điểm đặc biệt của Robot do ông sản xuất ở tiện ích sử dụng. Robot có thể sử dụng điện ắc quy hoặc nguồn điện 220V theo yêu cầu của khách hàng; so với lao động thủ công thì năng suất lao động của Robot gấp 30 -40 lần, khoảng cách giữa các hạt rau được điều chỉnh tùy theo yêu cầu kỹ thuật nên chất lượng cây giống được nâng cao, tiết kiệm từ 20 -30% hạt giống so với reo hạt thủ công. Robot đặt hạt tự động đã được ông bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh, sử dụng trong các vườn ươm cây giống cà rốt, su hào, cải bắp và các loại rau ăn lá… Với sáng chế này, ông hát đã nhận được giải nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hải Dương lần thứ 8 năm 2012 - 2013, giải khuyến khích cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ 5 năm 2013 và giải nhất cuộc thi Nhà sáng chế số 9 năm 2014.

Ông Hát khoe, mới đây nhất ông đã chế tạo thành công thiết bị đặt hạt bằng phương pháp kéo tay. Người nông dân khi sử dụng thiết bị này không cần đến động cơ hay mô tơ mà vẫn đặt hạt chính xác, đặt được nhiều hàng trên cùng một lượt và có thể áp dụng cho nhiều hạt như: ngô, đậu tương, hạt củ đậu, hạt đỗ đen… Đặc biệt, thiết bị đặt hạt bằng phương pháp kéo tay dễ sử dụng, phù hợp với nhiều loại hình đất canh tác, kể cả địa hình nghiêng 10 độ, thiết bị vẫn ổn định và hoạt động chính xác, tiết kiệm hạt giống cũng như công tỉa dặm. Sử dụng thiết bị này giúp nâng cao năng suất lao động lên gấp 10 - 15 lần so với phương pháp gieo hạt hằng tay. Hiện nay, sản phẩm đã được nông dân các tỉnh Nghệ An, Đắk Nông, Hưng Yên… đưa vào sử dụng và đánh giá cao.

Ông Hát cho biết: ông có thể thiết kế, chế tạo thành công lò sấy điện nông sản kiểu mới. Lò sấy sử dụng điện dân dụng, quy mô công suất sấy linh hoạt, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sấy nông sản (giữ được chất lượng, màu sắc và độ ẩm của nông sản theo yêu cầu kỹ thuật…), giá thành rẻ, dễ sử dụng và thân thiện với môi trường. Sản phẩm được Công ty Cổ phần TMCN dược liệu Bình Minh và một số doanh nghiệp khác sử dụng và có những phản hồi tích cực.

Những máy móc do ông Hát sáng chế đã giúp người nông dân giảm thiểu được sức lao động, tăng thu nhập, góp phần cùng bà con thực hiện tốt sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ hội nhập. Xưởng cơ khí mỗi năm giúp gia đình ông thu lãi khoảng 500 triệu đồng, tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên, với thu nhập 6 triệu đồng/tháng. Ông cũng hỗ trợ nhiều hộ gia đình nông dân nghèo máy móc, chi phí sản xuất để ổn định cuộc sống…

Là người đam mê sáng chế, thời gian tới ông Phạm Văn Hát sẽ tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu ra những loại máy phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Ông mong muốn sẽ nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện để bản thân ông cũng như những nông dân có sáng tạo khoa học kỹ thuật như ông được vay nguồn vốn ưu đãi để đầu tư nghiên cứu, sản xuất. Cùng với đó, các cấp Hội Nông dân cần có cơ chế hỗ trợ nông dân trong việc đăng ký bảo hộ độc quyền; có chính sách khen, thưởng động viên kịp thời và bảo vệ quyền sáng chế giúp những nhà sáng chế nông dân yên tâm nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật, tạo ra nhiều sản phẩm giúp ích cho bà con nông dân, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Với những thành tích đạt được, ông Phạm Văn Hát là một trong những nông dân tiên tiến vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vì có nhiều thành tích trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn tại Đại hội Thi đua yêu nước và biểu dương nông dân tiên tiến giai đoạn 2010 – 2015 do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tại Hà Nội./.

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực