Chốn đi về của những đứa trẻ kém may mắn

Thứ sáu, 27/07/2018 11:06
(ĐCSVN) – Ngoài nhiệm vụ là Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, suốt thời gian qua, Trung úy Dương Văn Đủ còn đảm đương việc kèm cặp, chăm sóc hai anh em ruột Nguyễn Văn Lập và Nguyễn Văn Nghiệp ăn ở, học tập ngay tại đồn.

Nếu so với nhiều lính nghĩa vụ, hai anh em Lập – Nghiệp có thâm niên ở Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) nhiều hơn hẳn. 6 năm trước, khi đó Lập 8 tuổi còn Nghiệp 6 tuổi, các chiến sỹ trong Đồn đã quyết định đón các em về nuôi.

“Cha của hai em là ngư dân, bị tai nạn mất trong một chuyến đi biển. Mấy tháng sau, mẹ cũng bỏ đi để lại hai anh em cho bà nội. Ba bà cháu ở trong cái chòi, bà thì tuổi cao lại đau yếu, thu nhập thì bấp bênh, ai thuê gì làm nấy nên chẳng đáng là bao, hai đứa trẻ đang tuổi lớn phải ra chợ xin ăn…”, Trung úy Dương Văn Đủ kể lại.

Trung úy Dương Văn Đủ (ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội kiểm tra bài vở
của hai anh em Lập – Nghiệp - Ảnh: Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên.

Thương cảm hoàn cảnh của hai anh em, lo lắng khi hai đứa trẻ đang sống lay lắt qua ngày gần khu vực biên giới phức tạp cùng với việc nắm bắt tình hình trên địa bàn, các chiến sỹ trong đồn đã đề xuất triển khai chương trình “Nâng bước em đến trường” nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày đầu lên đơn vị, hai anh em thi nhau khóc vì lạ lẫm, nhớ nhà. Cán bộ, chiến sĩ phải làm quen, dỗ dành. Đáng tuổi anh bọn trẻ nên Trung úy Đủ được chỉ huy phân công gần gũi, kèm cặp các em.

Vậy là từ chỗ ngủ không chịu dậy, sinh hoạt không có nền nếp, sau một thời gian, Lập - Nghiệp buổi sáng đã biết nghe báo thức dậy gấp chăn màn vuông vức, tập thể dục với các chú, các anh. Hết giờ đi học về, hai anh em lại tham gia vệ sinh doanh trại, cho gà, cho heo ăn, chơi thể thao rèn luyện sức khỏe như những người lính thực thụ.

Giờ đây khi đã trở thành học sinh cấp 3, ngày nào đi học về hai anh em cũng đạp xe qua nhà nấu cơm, dọn dẹp giúp bà rồi mới về đồn cùng các chú. Căn chòi ngày nào của ba bà cháu cũng được các chiến sỹ trong đồn quyên góp, vận động các nhà hảo tâm xây mới cho đàng hoàng hơn.

“Ngày trước, việc học của hai anh em bê trễ, các chú, các anh phải vất vả kèm cặp, chỉ bảo tận tình mới theo được các bạn. Có được ngày hôm nay, chúng em biết ơn các chú, các anh nhiều lắm. Ở đây, mọi người đều coi hai anh em như người em, người cháu trong nhà. Chiếc xe đạp mà hai anh em đang đi cũng là phần thưởng mà cả đồn dành cho sự nỗ lực của chúng em. Hai anh em từ rất lâu đã coi đồn là nhà, những thành viên trong đồn là người thân ruột thịt vậy”, Lập nói.

Nhà ở cách đồn 150 cây số nên 2 đến 3 tháng, Trung úy Dương Văn Đủ mới về nhà một lần. Dành nhiều thời gian gắn bó với các em để các em bộc lộ suy nghĩ, kịp thời uốn nắn, bảo ban nên hai anh em Lập – Nghiệp cũng rất cởi mở, chia sẻ với người anh 9x nhiều dự định đang ấp ủ.

“Hai anh em đều có nguyện vọng học xong cấp 3 sẽ phấn đấu trở thành người chiến sĩ biên phòng, giúp các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn như mình, giúp người dân quanh vùng có cuộc sống khá giả hơn như những gì những người chiến sỹ Đồn biên phòng của khẩu Quốc tế Hà Tiên đã dành cho ba bà cháu”, Trung úy Dương Văn Đủ nói.

Là một trong số 60 cá nhân tiêu biểu được vinh danh trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô - Tuyên dương Chiến sỹ quân hàm xanh nâng bước em tới trường" năm 2017, Trung úy Dương Văn Đủ cho biết, hiện đã có 13 trẻ được Đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng. Đây chính là hoạt động rất cụ thể mà những người lính trong đồn hưởng ứng chương trình “Nâng bước em đến trường” do Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng phát động, trong đó có cả hai em ở ngoại biên nước bạn Campuchia.

Cùng với hai anh em Lập – Nghiệp, đồn còn nhận đỡ đầu hai con gái con Thượng úy Lê Xuân Trường, nguyên là cán bộ của Đồn qua đời vì bệnh hiểm nghèo với mức trợ cấp là 500.000 đồng/tháng cho mỗi cháu đến hết trung học phổ thông.

Hay trường hợp của em Nguyễn Trường Duy. Cha mẹ mất sớm, Duy cũng được các chiến sỹ trong Đồn đón về chăm sóc, kèm cặp học hành. Nhờ nỗ lực, giờ đây Duy đã trở thành học sinh cấp 3 với học lực luôn ở mức giỏi. 4 năm ở Đồn lớn hơn, trưởng thành hơn, Duy lại xin về nhà ở để tiện chăm sóc bà. Hằng tháng, Duy đều lên Đồn thăm các chú, các anh nhận gạo, trợ cấp từ đơn vị./.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực