Khởi nghiệp thành công với cây mắc ca

Thứ sáu, 30/11/2018 14:37
(ĐCSVN) - Với mong muốn khởi nghiệp trên vùng đất quê hương, đoàn viên Nguyễn Thị Thu Phương, sinh năm 1993, tại xã Phú Lộc, huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) thử sức kinh doanh với loại cây mắc ca và bước đầu gặt hái đã được những thành công.
Cơ sở sản xuất mắc ca của Nguyễn Thị Thu Phương. Ảnh: Bình Trung

Mắc ca là cây thân gỗ có tên khoa học là Macadamia, được xem là “vua của các loài hạt” bởi giá trị dinh dưỡng và thơm ngon. Tuy nhiên, trên thị trường chủ yếu là các sản phẩm mắc ca nhập khẩu từ nước ngoài với giá thành rất cao, khiến người tiêu dùng trong nước khó tiếp cận, sử dụng. Từ năm 2014, nhiều hộ dân ở xã Phú Lộc, huyện Krông Năng, nơi Phương sinh sống đã chuyển đổi một số cây trồng khác sang trồng mắc ca. Sản phẩm mắc ca do người dân Krông Năng sản xuất ra nhiều nhưng đầu ra bấp bênh, khiến nhiều hộ dân trong vùng lo lắng, tính đến chuyện nhổ bỏ loại cây này.

Sau khi tốt nghiệp một trường Cao đẳng ở Đà Nẵng, Phương đã xin đi làm thêm ở nhiều nơi để trang trải cuộc sống. Nhận thấy tiềm năng của cây mắc ca, đầu năm 2016, Phương đã quyết định về quê nhà khởi nghiệp với loại cây này. Ban đầu Phương dành nhiều thời gian tìm hiểu về công nghệ kỹ thuật, sản phẩm, thị trường tiêu thụ và mua máy móc về để làm thử nghiệm với hạt mắc ca do gia đình Phương sản xuất. Sau một thời gian, tháng 6 năm 2016, Phương đã tung ra thị trường sản phẩm “mắc ca sấy dập nứt” mang thương hiệu “Mắc ca Đắk Lắk Nguyên Phương” với hình thức bán lẻ, bán online.

“Mắc ca Đắk Lắk Nguyên Phương” mặc dù đã được thị trường đón nhận, tuy nhiên do chất lượng sản phẩm không như ý, khách hàng phàn nàn dẫn đến kinh doanh thua lỗ. Không nản chí, cô gái 26 tuổi tiếp tục đầu tư máy móc, xây dựng quy trình chế biến và bảo quản mắc ca với công nghệ sấy khép kín. Nhờ chất lượng được cải thiện, năm 2017, cơ sở của Phương đã bắt đầu thu mua trên 25 tấn mắc ca trên địa bàn cho bà con để chế biến, đưa ra thị trường. Sau khi trừ chi phí, Nguyên Phương thu lãi hơn 400 triệu đồng. Hiện nay, cơ sở có hàng chục đại lý trên cả nước, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương.

Nhờ biết tận dụng những điều kiện thuận lợi của mảnh đất bazan màu mỡ ngay tại địa phương, mô hình sản xuất, kinh doanh của Phương đã mang lại hiệu quả khi giúp bà con tìm đầu ra cho cây mắc ca, góp phần khẳng định thương hiệu và đưa mắc ca của Đắk Lắk đến với người tiêu dùng. Sau 2 năm khởi nghiệp, sản phẩm mắc ca của Phương đã từng bước đứng vững trên thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn. Mô hình khởi nghiệp của Phương còn được đánh giá cao về ý tưởng khởi nghiệp, tính khả thi và đã dành giải Nhất trong Cuộc thi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2018 tổ chức vào tháng 10 vừa qua.

Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ, các sản phẩm mắcca ở Việt Nam chủ yếu là sản phẩm thô, sấy tự nhiên. Vì vậy, trong thời gian tới, Phương sẽ đầu tư thêm máy móc, hợp tác với một số doanh nghiệp khác nghiên cứu để sản xuất dầu mắc ca, mắc ca sô cô la hay mắc ca rang muối để đa dạng hóa sản phẩm, đưa mắc ca vào một số hệ thống siêu thị các tỉnh, thành và tìm kiếm thị trường sang các nước trong khu vực.

Chị H’Rô Ma Mlô - Bí thư Huyện đoàn Krông Năng cho biết, Phương là nhân tố mới và tích cực trong việc truyền cảm hứng, tạo động lực cho bạn trẻ trên địa bàn bước vào sân chơi mới, sân chơi khởi nghiệp. Dù bận bịu với công việc kinh doanh thế nhưng Phương vẫn tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Hội ở địa phương. Cô gái trẻ kiêm Bí thư Đoàn thôn Lộc Xuân vừa vinh dự được tuyên dương và khen thưởng “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ V năm 2018” vào tháng 5/2018./.

Bình Trung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực