Người cựu chiến binh giàu tinh thần thiện nguyện

Thứ bảy, 05/01/2019 17:05
(ĐCSVN) - Dám nghĩ, dám làm, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Tấn, ở phường Bình San, thành phố Hà Tiên (Kiên Giang) đã thành công nhờ nuôi cá trong lồng bè với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Đồng thời, ông còn được biết đến là một người tích cực tham gia các công tác xã hội ở địa phương.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tấn, điển hình trong phong trào

“Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” (Ảnh: HT)

 

Sinh ra trong gia đình thuần nông ở xã Phương Trà, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, năm 1979, chàng thanh niên Nguyễn Văn Tấn nhập ngũ tại Trung đoàn 6 Pháo binh (Quân khu 9). Sau khi trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Campuchia và thực hiện nhiệm vụ làm chuyên gia cho nước bạn, năm 2000, CCB Nguyễn Văn Tấn chuyển đến định cư ở vùng đất Hà Tiên, Kiên Giang với hành trang chỉ có ba lô và đôi dép râu, kinh tế vô cùng khó khăn nơi xứ lạ quê người.

 

Với bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, CCB Nguyễn Văn Tấn đã vay vốn của người thân để lập vựa trung chuyển các loại ốc biển bán lại kiếm lời. Ngoài ra, ông còn thu mua ốc của ngư dân địa phương rồi chuyển đi các vựa lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Sau nhiều năm, ông đã xây dựng được cơ ngơi vững chắc, mua được xe tải, mở rộng quy mô sản xuất. Vựa ốc của gia đình ông Tấn trở thành một trong những vựa ốc lớn nhất của thành phố Hà Tiên.

 

Không dừng lại ở đó, với kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với biển cả, trong những lần đi khảo sát vùng biển của nước bạn, ông Tấn thấy ngư dân ở đây nuôi cá bớp, cá mú rất hiệu quả. Nhớ lời dạy của người xưa, “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo”, năm 2006 ông bắt đầu nuôi thử nghiệm loại cá này trên vùng biển Hà Tiên.

 

CCB Nguyễn Văn Tấn nhớ lại: “Ở vùng biển của nước bạn nuôi cá bớp rất nhiều nhưng ngư dân nuôi rất manh mún, đơn giản, họ chỉ cắm sào, giăng mùng lưới rồi thả cá giống vào nuôi. Cách nuôi này chưa thật sự hiệu quả, tỉ lệ thất thoát cao. Do đó, khi về nước, tôi đã tính toán và đầu tư làm lồng bè để nuôi cá bớp”.

 

Thời gian đầu, ông Tấn đầu tư 2 bè (1 bè 6 hộc nhỏ, mỗi hộc 5m3), do thiếu kinh nghiệm nên khi bắt tay vào làm ông không lường trước được những khó khăn. Nuôi cá mú bị lỗ do chưa tính toán được thời vụ nuôi, cộng với kinh nghiệm chưa nhiều nên không bảo vệ được lồng bè. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, ông Tấn đã tìm đến những ngư dân có kinh nghiệm nuôi cá bớp ở địa phương để học hỏi về cách nuôi loài cá này. Đồng thời, ông còn nhờ cán bộ nông nghiệp tư vấn thêm những kiến thức về đặc tính sinh trưởng, kỹ thuật chăm sóc cá bớp trong lồng bè.

 

Từ vốn kinh nghiệm tích lũy được, bước sang vụ nuôi kế tiếp ông Tấn thả 400 con cá bớp giống, nhờ tuân thủ quy trình kỹ thuật chăm sóc nên cá lớn nhanh. Sau 9 tháng nuôi cá cho trọng lượng 5 đến 6 kg/con. Với giá bán từ 160 đến 170 ngàn đồng/kg, trừ hết chi phí ông thu về trên 250 triệu đồng. Từ năm 2009 ông Tấn đầu tư thêm 3 bè để mở rộng sản xuất.

 

Theo ông Tấn, nuôi cá bớp chi phí đầu tư cao nhưng bù lại thị trường tiêu thụ ổn định, dễ nuôi, cá lớn nhanh, tỷ lệ sống cao hơn các loại cá khác. Đến nay, bình quân hàng năm, gia đình CCB Nguyễn Văn Tấn có thu nhập khoảng trên 1 tỷ đồng từ nuôi cá bớp và mua bán ốc biển các loại.

 

Không chỉ là điển hình trong phong trào phát triển kinh tế, CCB Nguyễn Văn Tấn còn là một đảng viên gương mẫu, tích cực trong công tác xã hội của địa phương. Dẫn chúng tôi đến thăm các lồng bè và vựa ốc nơi có trên 30 lao động địa phương đang làm việc, trong đó có nhiều con em hội viên CCB, cựu quân nhân với thu nhập từ 200 đến 250 ngàn đồng/người/ngày, ông Tấn vui vẻ chia sẻ, ngoài tiền ăn ông còn hỗ trợ một buổi cơm và trả công cho các lao động cao hơn nơi khác từ 50 đến 100 ngàn đồng/ngày. Mọi người ai cũng phấn khởi, tích cực làm việc.

 

Chị Nguyễn Thị Thuý ở khu phố 5, phường Bình San, thành phố Hà Tiên (Kiên Giang) cho biết: Tôi làm ở vựa ốc của chú Tấn được 3 năm rồi. Gia đình chú rất tốt, trả tiền công cao hơn chỗ khác và thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ công nhân mỗi khi ốm đau.

 

Tìm hiểu được biết, từ năm 2014 đến nay, hàng năm, CCB Nguyễn Văn Tấn đã nhận hỗ trợ cho 6 em học sinh nghèo hiếu học của Trường THPT Nguyễn Thần Hiến, thành phố Hà Tiên với mức hỗ trợ 700.000 đồng và 10 kg gạo/em/tháng. Vào dịp khai giảng, tổng kết ở các trường, gia đình ông Tấn đều tặng quà cho nhà trường và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. “Cuộc đời mình đã trải qua cực khổ rồi nên mình hiểu sự vất vả của các cháu. Bây giờ, mình có thu nhập ổn định thì cũng nên chia sẻ cho các cháu để tụi nó có điều kiện học hành, sau này giúp ích cho bản thân và xã hội”, ông Tấn chia sẻ.

 

CCB Nguyễn Văn Tấn cũng rất tích cực và nhiệt huyết trong công tác Hội CCB. Phát triển 5 bè cá, nhưng sau mỗi vụ thu hoạch ông Tấn lại tình nguyện đóng góp cho Hội CCB thành phố Hà Tiên 1 bè (giá trị khoảng gần 300 triệu đồng) để chăm lo cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn cũng như tham gia công tác xã hội của địa phương.

 

Với những thành tích trong phát triển kinh tế và trong công tác xã hội, CCB Nguyễn Văn Tấn đã nhận được nhiều giấy khen của UBND thành phố Hà Tiên và UBND tỉnh Kiên Giang. Đặc biệt, ông còn vinh dự 2 lần báo cáo điển hình toàn quốc trong phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” do Trung ương Hội CCB Việt Nam phát động; được gặp nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang để báo công.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Vũ Tấn, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Kiên Giang cho biết: “Anh Tấn là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế của Hội trong những năm qua. Nhờ sự đóng góp của anh mà công tác Hội ở Hà Tiên luôn vững mạnh và dẫn đầu trong phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”. Nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn được anh Tấn hướng dẫn, hỗ trợ vốn làm kinh tế thì đến nay đã thoát nghèo và có của ăn của để”./.


Bài, ảnh: Hữu Tài

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực