Nhà sáng chế nông dân làm thay đổi cách nghĩ làm nông nghiệp

Thứ hai, 14/12/2015 19:31
(ĐCSVN) - Ông Phan Tấn Bện - Giám đốc Công ty TNHH MTV Cơ khí nông nghiệp Phan Tấn (ấp 5, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) được biết đến là một nhà sáng chế máy móc phục vụ nông nghiệp. 5 năm qua ông đã sản xuất hơn 1.000 chiếc máy nông nghiệp các loại, cung cấp cho nông dân trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.


Máy gặt đập liên hợp Phan Tấn trên ruộng đồng. Ảnh: Báo Thanh niên

Năm 1985, ông tốt nghiệp và về làm việc cho Nhà máy cơ khí của tỉnh Đồng Tháp. Khoảng 5 năm sau, ông về huyện Tháp Mười khởi nghiệp bằng tiệm cơ khí nhỏ và cũng kết hợp làm nông nghiệp. Vốn sinh ra và lớn lên trên vùng đất Tháp Mười cò bay thẳng cánh, nơi nông dân luôn gắn bó với ruộng đồng nhưng còn nhiều lam lũ, vất vả, ông đã quan sát và luôn nghĩ trong đầu cần phải có máy móc thay thế sức lao động cho nông dân. Với vốn kiến thức đã học và sự tìm tòi sáng tạo, ông đã cho ra đời mẫu máy gặt đập liên hợp đầu tiên năm 2009 và được đông đảo nông dân sử dụng. Mỗi chiếc máy giúp giải phóng hàng chục công lao động mỗi ngày. Không còn cảnh sớm khuya người nông dân phải đi cắt lúa, thu lúa trên đồng, chiếc máy đã thay thế tất cả các công đoạn thủ công đó, người nông dân chỉ việc đem lúa về phơi khô.


Tiếp đó, ông lại chế tạo xe thu gom lúa trên đồng... Với phương châm “Chất lượng là trên hết”, sau hơn 5 năm phát triển sản phẩm công nghiệp tiên tiến phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa qua, 8 chiếc máy gặt đập liên hợp của Phan Tấn đã được xuất khẩu sang Myanmar. Máy gặt đập liên hợp của cơ sở Phan Tấn chạy trên vùng đất sình lầy rất tốt, cắt được lúa đổ sập hoàn toàn, ít hao hụt, đồng thời lấy được những hạt lửng, hạt lép, hạn chế nguy cơ dịch bệnh cho vụ sau.

Máy gặt đập liên hợp của cơ khí Phan Tấn khi sử dụng máy của ông Bện để gặt lúa cho ra hạt lúa sạch, dễ bán cùng với xe thu gom lúa trên đồng, giảm được đáng kể việc thuê nhân công để vác lúa. Mặt khác, điều làm nông dân trong vùng tâm đắc là giá sản phẩm chỉ bằng nửa so với các loại máy ngoại nhập. Máy gặt đập liên hợp Phan Tấn thu hoạch 0,15 - 0,35 ha/giờ, độ vỡ hạt dưới 3%, độ sót hạt theo rơm dưới 2% và độ sạch hạt trên 95%.

Không chỉ dừng ở máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa, ông Bện đã sáng chế thành công đưa vào sử dụng máy thu hoạch ngô liên hợp PT-B1.7 và đã được giải A Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp lần thứ XII năm 2014. Chia sẻ với phóng viên, ông Bện cho biết, ở các tỉnh miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên, bà con trồng ngô thường mua máy từ Trung Quốc hoặc Thái Lan về thu hoạch ngô theo từng công đoạn như: chỉ thu hoạch ngô trái về ủ khô hoặc máy chỉ có công năng đập tách hạt từ trái ngô, khi thu hoạch qua nhiều công đoạn, chi phí cao, mất nhiều thời gian. Từ đó, ông nghĩ ra cách sản xuất máy hoàn chỉnh từ khâu thu hoạch ngô trái, đến bộ phận tách hạt và thành phẩm là hạt ngô sạch đóng bao. Từ năm 2014, ông bắt đầu tìm hiểu và nghiên cứu chế tạo thành công từ máy thu hoạch ngô liên hợp PT-B1.7 trong vòng 5 tháng. Máy thu hoạch ngô được thực hiện một công đoạn liên hoàn từ cắt bắp ngô còn nằm nguyên trên cây, đưa vào bộ phận cắt, truyền vào băng tải đến công đoạn tách hạt, hạt rơi vào bộ phận sàng lọc sạch tạp chất đưa vào thùng tải chứa để xả vào bao.

Máy thu hoạch ngô liên hợp PT-B1.7 có độ sạch cao, giảm tối đa lượng hao hụt, làm việc tốt với nguyên liệu có độ ẩm cao. Kết cấu máy được thiết kế tiên tiến nên khả năng di chuyển ổn định trên các địa hình phức tạp. Máy có khả năng ưu việt khi thu hoạch ngô liên hợp PT-B1.7 với công suất từ 0,15-0,4 ha/giờ, độ vỡ hạt dưới 3%, độ lẫn tạp chất dưới 1%, hao hụt dưới 3%. Máy có thể thu hoạch theo hàng, vuông góc với hàng hoặc bất kỳ hướng nào, có thể sử dụng như một máy tĩnh để đập tách hạt ngô trái còn vỏ, công suất 5 - 6 tấn hạt/giờ. Máy thu hoạch ngô liên hợp PT-B1.7 có ưu thế hơn máy ngoại nhập từ Trung Quốc hay Thái Lan và hiện nay được nông dân ưa chuộng đưa vào sử dụng. Máy thu hoạch ngô liên hợp PT-B1.7 đã giúp giảm 12 nhân công lao động/ha so với thu hoạch truyền thống, giảm chi phí 1 triệu đồng/ha, giải quyết áp lực thiếu lao động, giảm nặng nhọc trong thu hoạch, nâng cao thu nhập cho nông dân, máy có kết cấu phù hợp trên các cánh đồng trồng ngô ở đồng bằng sông Cửu Long. Thiết bị hoàn toàn sản xuất trong nước, dễ vận hành, dễ sửa chữa, giá thành hợp lý, độ bền cao.

Đặc biệt, theo ông Bện, chiếc máy của ông sản xuất đồng thời có 2 công dụng thu hoạch liên hợp ngô - lúa (2 trong 1). Máy thu hoạch ngô liên hợp PT-B1.7 khi hết mùa thu hoạch ngô và thay đổi công năng chuyển thành máy gặt đập lúa liên hợp. Thao tác này thực hiện khá đơn giản, chỉ cần 3 người thợ thực hiện trong vòng hai giờ. Điều này giúp người mua máy chỉ cần trang bị một máy là có thể thu hoạch được cả lúa và ngô, tăng thời gian sử dụng máy, rút ngắn thời gian thu hồi vốn.

Thành công từ mô hình này, năm 2011, ông Bện xây dựng trụ sở mới ở xã Mỹ Đông, để mở rộng cơ sở sản xuất tăng gấp nhiều lần so với thời kỳ trước. Đây là “thời điểm vàng son” Công ty của ông Bện thiết kế và đầu tư trang thiết bị sản xuất hiện đại một cách bài bản hơn, nhằm tăng khả năng cạnh tranh với thị trường.

Sự sáng tạo của ông tiếp tục được phát huy khi sau mỗi mùa thu hoạch lúa tại đồng bằng sông Cửu Long, nông dân trong vùng đã bỏ khoảng 27 triệu tấn rơm rạ trên ruộng đồng vừa gây lãng phí nguyên liệu, vừa gây khó khăn khi máy móc xuống đồng bị cuốn vào gầm. Tại các địa phương khác hay ở các vùng khác, nông dân thường đốt rơm rạ mỗi mùa gặt gây khói bụi và ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, nhận thấy nhu cầu sử dụng rơm sau thu hoạch lúa ngày càng cao, từ đó ông nảy sinh ý định nghiên cứu và chế tạo máy thu hoạch rơm (máy ủi rơm thành đống). Tuy nhiên, xét thấy máy thu hoạch rơm này còn nhiều hạn chế, chỉ cuốn được rơm khô, nên ông tiếp tục tìm hiểu và có ý tưởng sản xuất máy cuốn rơm tự hành tự đổ nhằm khắc phục những hạn chế của các dòng máy hiện có. Đầu năm 2015, ông bắt đầu nghiên cứu chế tạo máy. Đến tháng 6/2015, mẫu máy cuốn rơm tự hành tự đổ PT-CT57 ra đời, mẫu máy hoàn thiện với nhiều ưu điểm vượt trội so với các dòng máy đang có. Đầu tháng 10/2015, ông mang máy cuốn rơm PT-CT57 tham gia giới thiệu và quảng bá sản phẩm tại hội chợ ở Hà Nội; tổ chức hội thảo, trình diễn máy cuốn rơm PT-CT57 trong và ngoài tỉnh, được đông đảo nông dân quan tâm và đánh giá cao.

 

Ông Bện (giữa) và sản phẩm rơm cuốn, giao lưu tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX.
Ảnh: HH

Cũng theo ông Bện, xác định máy cuốn rơm PT-CR57 là sản phẩm chủ lực, nên ông mạnh dạn cho đầu tư thêm máy móc thiết bị, tuyển thêm công nhân có tay nghề và bắt đầu sản xuất đồng loạt với định hướng phát triển máy cuốn rơm PT-CT57 không chỉ cung cấp cho thị trường các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mà còn cung cấp cho thị trường cả nước và đang có kế hoạch xúc tiến trình diễn ở Campuchia. Máy cuốn rơm PT-CT57 hiện nay bán ra thị trường khoảng 286 triệu đồng/máy. Công ty đang chuẩn bị xuất cho thị trường Campuchia lô hàng máy cuốn rơm PT-CT57 nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.

Từ sự sáng tạo không ngừng, ông Bện đã sản xuất ra nhiều loại máy nông nghiệp mang thương hiệu “made in Phan Tấn” như: máy thu hoạch bắp - lúa “2 trong 1”, quạt sấy nông sản, xe chở lúa PT-CL3.5, máy cuốn rơm PT-CR57. Đến nay, Công ty TNHH MTV Phan Tấn đã là một trong những thương hiệu được nhiều người biết đến.

“Những thành công đó luôn bắt nguồn từ sự đam mê và sự quan sát từ thực tế”- ông Bện chia sẻ. Với những thành công trên, ông Bện nhận được nhiều danh hiệu cao quý như: “Sao vàng Tam Nông”, “Doanh nhân tiêu biểu”, được tặng Bằng khen của UBND tỉnh Đồng Tháp và đạt nhiều giải thưởng tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp. Ông là gương mặt tiêu biểu được giao lưu trao đổi kinh nghiệm tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX vừa qua./.

Hiền Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực