Nữ thợ mỏ có đôi bàn tay vàng

Thứ sáu, 16/06/2017 22:41

(ĐCSVN) - Trong suốt 25 năm qua, chị Đỗ Thị Quyên, thợ hàn bậc 7/7, Tổ trưởng sản xuất Phân xưởng khoan nổ mìn, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên - Mỏ than Phấn Mễ đã nỗ lực, phấn đấu vươn lên làm chủ được những cỗ máy và trở thành Nữ thợ mỏ có đôi “bàn tay vàng”, với việc thực hiện nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, có giá trị làm lợi đến hàng trăm triệu đồng được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Chị Đỗ Thị Quyên trao đổi công việc cùng các đồng nghiệp.

Sinh ra trong một gia đình truyền thống có bố mẹ, anh chị làm người thợ mỏ, hình ảnh người thợ trong các công trường có ấn tượng đặc biệt với chị Quyên từ thuở bé. Ngay sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, chị Thúy đứng trước sự đấu tranh quyết liệt của bản thân về việc lựa chọn con đường vào đời của mình đó là thi vào đại học hay đi học nghề.

Chị Quyên tâm sự: “Lúc đó bạn bè cùng trang lứa tôi đã thi nhau nộp hồ sơ thi vào các trường Đại học ở TP Thái Nguyên và nhiều người trong gia đình khuyên tôi đi học đại học để có tương lai sáng lạn hơn, công việc nhàn hạ hơn. Nhưng sau nhiều đêm đắn đo suy nghĩ, cuối cùng tôi quyết định không đi học đại học mà xin bố mẹ cho đi học nghề hàn tại trường công nhân kỹ thuật mỏ Khánh Hoà (nay là Trường Cao đẳng nghề Thái Nguyên).

Năm 1992, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng nghề Thái Nguyên với tay nghề thợ hàn bậc 3/7, chị Quyên đã được nhận vào làm công nhân tại mỏ than Phấn Mễ, nhưng đặc biệt hơn chị Quyên lại chọn công việc nặng nhọc nhất tại công ty là phân xưởng khoan nổ mìn gồm các thiết bị phục vụ sản xuất như máy gạt, máy khoan, máy xúc và nhiều thiết bị khác.

Kể về những ngày đầu làm thợ, chị Quyên chia sẻ “Khi đó, tay nghề còn “non", tôi đã gặp không ít khó khăn trong một môi trường đòi hỏi người thợ kỹ thuật cần sự chuẩn xác và sự khắt khe về chuyên môn vì thế tôi rất lo lắng khi nhìn thấy những cỗ máy to lớn, chằng chịt những sợi dây điện với nhiều tiếng ồn, bụi… cũng có những lúc tôi nản chí, muốn bỏ nghề. Nhưng nhìn tấm gương của bố mẹ, anh chị trong gia đình với biết bao gian khổ, nhưng vẫn khắc phục vượt qua được nên tôi đã quyết tâm gắn bó với nghề”.

“Tôi đã suy nghĩ rất nhiều và tự nhủ mình phải cố gắng, quyết tâm vượt qua khó khăn và học hỏi để làm chủ được những cỗ máy. Biết yếu điểm của mình là phụ nữ nên tôi luôn tranh thủ sự giúp đỡ, chỉ bảo, hướng dẫn của các bậc đàn anh đi trước và của người thân trong gia đình, kết hợp với sự rèn luyện của bản thân để kịp thời khắc phục yếu kém của bản thân. Vì vậy, tôi đã nhanh chóng nắm bắt được công việc và đúc rút ra những thao tác chuẩn, những cách làm hay trong công việc của mình”, chị Đỗ Thị Quyên tâm sự.

Xuất phát từ yêu cầu của công việc và ý thức được trách nhiệm truyền thống của gia đình, trong suốt những năm làm việc, chị Quyên đã rèn luyện cho bản thân lòng đam mê, kiên trì, lòng yêu nghề, có những khi chị dành hàng giờ để suy nghĩ, tìm hiểu tính năng kỹ thuật của từng loại thiết bị, từ đó tìm ra những giải pháp cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm vật tư, giảm chi phí giá thành sản phẩm. Mỗi khi máy sản xuất gặp sự cố, chị Quyên luôn suy nghĩ tìm giải pháp, cùng với anh em thợ máy tìm cách khắc phục hiệu quả nhất để sớm đưa máy vào sản xuất.

Với cương vị là Tổ trưởng Tổ sản xuất, chị Đỗ Thị Quyên đảm nhiệm công tác phụ trách tổ và trực tiếp làm công việc sửa chữa các thiết bị khai thác lộ thiên của mỏ than Phấn Mễ. Chị Quyên cho biết, làm việc trong điều kiện khai thác lộ thiên của mỏ gặp nhiều khó khăn, khai thác xuống sâu, thiết bị già cũ phần lớn đã hết khấu hao, máy móc thường xuyên bị hỏng nên công việc đòi hỏi phải có sự cố gắng rất lớn. Thấu hiểu được những khó khăn của anh em công nhân trực tiếp tham gia tại tổ sản xuất, chị Đỗ Thị Quyên luôn động viên anh em trong tổ cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đồng thời chị trực tiếp tìm tòi nghiên cứu để sửa chữa phục hồi thiết bị, tiết giảm chi phí cho công ty.

Chị Quyên kể: “Năm 2015, máy gạt của mỏ than Phấn Mễ bị hỏng khung sắt-xi khiến công việc bị đình trệ. Máy gạt này ra đời đã lâu nên thiết bị thay thế mới gần như không có, chỉ có thể lấy ở máy khác đưa vào. Được sự động viên của lãnh đạo đơn vị, tôi đã cùng với anh chị em trong phân xưởng không quản ngày đêm để tìm tòi, sửa chữa. Có những lúc vừa mệt, vừa bế tắc bởi không biết làm thế nào nhưng tôi đã tự nhủ phải cố để có máy cho anh em làm việc. Bằng những nỗ lực của anh chị em trong tổ, sau một thời gian ngắn, chiếc máy gạt của mỏ than đã tiếp tục phục vụ công việc”.

Tống Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng hoa chúc mừng những thành tích của chị Đỗ Thị Quyên
tại Hội nghị biểu dương  điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017

Không chỉ trực tiếp tìm tòi nghiên cứu để sửa chữa phục hồi thiết bị, chị Quyên còn là tác giả của nhiều sáng kiến hợp lý hoá tiết kiệm chi phí trong sản xuất, góp phần vào giảm giá thành sản phẩm. Tiêu biểu như sáng kiến “Thay vật liệu chân kiềng của máy khoan dập cáp KZ20” năm 2013 của chị đã góp phần quan trọng vào việc tiết kiệm chi phí sửa chữa nhanh đưa máy vào hoạt động, ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động và đã được hội đồng sáng kiến tiết kiệm Mỏ than Phấn Mễ công nhận, đánh giá cao. Sáng kiến “Gia công thước đo tâm các chi tiết trên trục chính máy khoan dập cáp” năm 2014 của chị đã đóng góp vào việc sửa chữa, phục hồi máy tại phân xưởng không phải vận chuyển thiết bị đi xa để sửa chữa, được hội đồng sáng kiến tiết kiệm Mỏ than Phấn Mễ đánh giá cao và biểu dương.

Ngoài ra, những sáng kiến như: Cải tiến gân tăng cứng ben máy gạt; phục hồi lưỡi cắt chính máy gạt; thay vật liệu bánh ma sát máy khoan động… được áp dụng cho toàn nhà máy, có giá trị làm lợi đến hàng trăm triệu đồng được Ban lãnh đạo Công ty ghi nhận và biểu dương. Nhưng niềm vinh dự và sự ghi nhận cao nhất đối với chị là được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì những thành tích xuất sắc của chị.

Xác định tham gia các phong trào thi đua “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi” và các hội thi thợ giỏi là cơ hội tốt để luyện tay nghề và đánh giá khả năng phấn đấu của bản thân, đợt thi nào chị Quyên cũng đăng ký và cố gắng rèn luyện để dự thi. Chính vì vậy, nhiều kỳ thi cấp cơ sở chị đã đoạt giải Nhất và tại Hội thi thợ giỏi cấp Công ty năm 2009 và năm 2013, chị đều đạt loại giỏi và đạt danh hiệu “Bàn tay vàng”. Qua các hội thi, tay nghề của chị ngày càng vững vàng hơn và tay nghề của chị được nâng từ  5/7 lên 7/7 – bậc cao nhất của công nhân. 

Gặp chị Đỗ Thị Quyên tại Hội nghị Tuyên dương điển hình năm 2017 vừa được tổ chức tại Hà Nội hôm 10/6, tôi có hỏi chị tại sao là phụ nữ chị lại chọn công việc vất vả như vậy, chị Quyên cười và nói “Tôi rất yêu công việc mình đang làm. Tôi là người thích tìm hiểu, thích khám phá tính năng, cách vận hành của các loại thiết bị. Tôi đọc được những trăn trở, suy nghĩ của những người thợ mỗi khi máy móc hỏng hay gặp sự cố. Từ đó, tôi cùng với anh em thợ máy cố tìm ra cách khắc phục hiệu quả nhất để sớm đưa máy ra sản xuất”.

“Tôi đã cống hiến hết mình cho mỏ và cho Công ty suốt 25 năm qua, những gì biết được, học được, tôi đều truyền lại cho lớp công nhân trẻ...”, chị Quyên tâm sự.

Với những nỗ lực và đóng góp xuất sắc trong 25 năm qua, chị Đỗ Thị Quyên vinh dự được Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Thái Nguyên tặng bằng khen; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh và được Bộ Công thương vinh danh là người phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” và nhiều thành tích khác… Đặc biệt, chị Đỗ Thị Quyên vinh dự là một trong các đại biểu chia sẻ thành tích tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017 và được Tống Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng hoa chúc mừng những thành tích của chị./.

Minh Chính

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực