Sáu Xê - người nông dân nức tiếng Chiến khu Đ

Thứ tư, 02/12/2015 08:42
Ông Lê Văn Xê (Sáu Xê) ở xã Hiếu Liêm, Tân Uyên, Bình Dương - một nông dân đi làm bằng ô tô, có thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ trồng cây ăn quả có múi. Ông Sáu Xê bây giờ còn giỏi hơn chuyên gia, nức tiếng Chiến khu Đ về kỹ thuật, kinh nghiệm trồng bưởi da xanh xuất khẩu, chanh không hạt và cam ruột đỏ đưa vào siêu thị và xuất khẩu. Ông Sáu Xê vinh dự là một trong những đại biểu sẽ tham dự


Sáu Xê - người nông dân nức tiếng Chiến khu Đ. (Nguồn: danviet.vn)


* Người “mở màn” mô hình cây ăn quả có múi kinh tế cao 

Cùng nhóm công nhân tất bật thu hoạch lô bưởi da xanh để xuất khẩu sang Lào, ông Sáu Xê Đang cho biết: lứa bưởi này bạn hàng ở Thủ đô Viêng Chăn hối thúc, ông mới cho thu hoạch khoảng 30 tấn để kịp đóng thùng xuất khẩu. 


Khởi điểm trồng thí điểm cây bưởi da xanh trên vùng đất nông thôn mới xã Hiếu Liêm, huyện Tân Uyên (nay là Bắc Tân Uyên), cách đây 17 năm, ông Sáu Xê đã thành công vượt hơn cả mong đợi. Sau đó, việc trồng thành công cả ba loại cây có múi gồm bưởi da xanh, quýt đường không hạt và cam ruột đỏ đã làm nên thương hiệu cho người nông dân Sáu Xê nức tiếng khắp vùng chiến Khu Đ - Bình Dương và cả nước. 

Để gặp ông Sáu Xê trong trong thời điểm này là một việc khó, bởi ông quá bận với vườn bưởi da xanh rộng hàng trăm ha đang cho vụ thu hoạch mà siêu thị, bạn hàng xuất khẩu đang hối thúc. Chỉ riêng xã Hiếu Liêm có 41 ha bưởi đang cho thu hoạch và hàng trăm ha trồng liên kết ở các tỉnh, thành, ông Sáu Xê tính mỗi năm cho thu nhập hàng chục tỷ đồng. Ông cho biết nhờ áp dụng kỹ thuật cao, phun tưới nước tự động phủ khắp mặt đất, vườn bưởi da xanh cho trái quanh năm. Khi thị trường cần là có hàng để giao ngay, chứ không cần đợi đến Tết mới có thu nhập. Với giá thời vụ hiện nay khá cao 60.000 đồng/kg, mỗi ha bưởi cho thu nhập bình quân từ 1,3 tỷ - 1,5 tỷ đồng. 

Đã ngoài 60 tuổi, hàng ngày, ông Sáu Xế bắt đầu công việc từ lúc 4 giờ cho đến trưa mà không dành chút thời gian để nghỉ ngơi. Ông cho biết ở xã nông thôn mới Hiếm Liêm, bây giờ không chỉ riêng ông, bà con ai cũng “rạo rực” trồng các cây ăn quả có múi. Hiện nay, mỗi ha bưởi cho thu nhập bình quân trên 1 tỷ đồng, cây cam sành cho thu nhập 1,5 tỷ đồng đến 2 tỷ đồng/ha/năm. Theo ông Xê, việc trồng bưởi dễ hơn trồng cam rất nhiều. Mỗi ha bưởi da xanh từ lúc kiến thiết đến khi cho quả chỉ đầu tư khoảng 300 triệu đồng/ha, trong khi đó trồng cây cam sành, người nông dân phải đầu tư từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/ha và phải 3 - 4 năm mới cho thu nhập. Trồng cây cam sành, nông dân cần phải đào rãnh thoát nước, che bạt và áp dụng kỹ thuật tưới tiêu bằng dạng phun bét, do vậy, nguồn vốn đầu tư khá lớn. 

Nhiều nông dân ở vùng Chiến khu Đ - xã Hiếu Liêm cho biết ông Sáu Xê là người đã truyền cảm hứng về việc trồng cây ăn quả có múi tại huyện Bắc Tân Uyên này. Đây là mô hình cây trồng kinh tế cao. 

Sáu Xê là người đầu tiên “khám phá” ra giống chanh giấy không hạt có nguồn gốc từ Mỹ. Việc bén duyên với cây chanh không hạt cũng rất tình cờ. Lần đi thăm người anh em ở Mỹ, ông đã tìm thấy giống chanh giấy cho quả to, nước nhiều có mùi thơm, nhưng đặt biệt không hạt. Mang được nguồn giống quý này về Việt Nam là một việc hết sức khó khăn. Sau nhiều lần cố gắng, ông Sáu Xê đã đưa được cây giống này về trồng ờ vùng chiến khu Đ - Bình Dương. Thật bất ngờ, chanh giấy không hạt ngoại lai phát triển tốt và cho quả còn ngon hơn chanh ở bản xứ. Tiếng lành đồn xa về phát hiện giống chanh không hạt của Sáu Xê lan đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Từ đó, Sáu Xê trở thành chuyên gia chuyển giao kỹ thuật trồng chanh cho bà con và tổ chức liên kết với các đối tác ở Lâm Đồng, các tỉnh miền Tây. Việc chuyển giao giải pháp và cây giống đã giúp cho nhiều nông dân nghèo vươn lên làm giầu. 

* Tầm nhìn chiến lược 
Hiện nay, tại huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, nông dân đang ồ ạt chuyển đổi cây trồng với hàng nghìn ha cây ăn quả có múi; trong đó có hơn 1.300 diện tích trồng cây cam sành vì cho thu nhập “khủng” hàng tỷ đồng/ha. Ô ng Sáu Xê lại cho rằng: mặc dù bà con đang mặn nồng với cây cam sành nhưng ông không làm theo đuôi, không tự phát chạy theo phong trào. Cách làm của ông có tầm nhìn chiến lược hơn về những sản phẩm do thị trường quyết định, thị trường chọn nên không phải lo đầu ra. 

Ông cho biết, có lần đi Singapore, ông thấy họ bán trái cam da vàng nguồn gốc từ Trung Quốc. Sau khi mua ăn, trái cam có vị ngọt không bằng trái cam Việt Nam. Ông hỏi bạn hàng vì sao không mua hàng Việt Nam để bán. Người bạn hàng cho biết người ở đây và du khách thích trái cây không có hạt, trái của Việt Nam có hạt nên không bán được. Ông Xê đau đáu day dứt về nguồn trái cây Việt Nam, mặc dù ăn quá ngon nhưng vướng một lỗi mà mất đầu ra vì thị trường khó chấp nhận. 

Qua nghiên cứu, ông Xê mày mò thí điểm đưa cây cam ruột đỏ có nguồn gốc ngoại lai từ Australia đưa về trồng thử nghiệm tại vùng đất chiến khu Đ. Thật bất ngờ, cây phát triển tốt và trái quá ưng ý. Đặc biệt, trái cam ruột đỏ ăn rất ngon, ngọt nhưng không có hạt. Đây là tiêu chí số một cho thị trường đầu ra. Hiện ông đưa vào trồng đại trà trên 30 ha cam ruột đỏ tại xã Hiếu Liêm. Hiện ông đang đầu tư lắp thêm trạm biến áp kéo điện xuống gần ngã ba Sông Bé và sông Đồng Nai để bơm nước cho hơn 30ha cam ruột đỏ đang trồng được khoảng hơn 2 năm tuổi, mỗi lần kéo điện mất khoảng 5 - 6 tỷ đồng. 

Thành công với mô hình kinh tế cao từ cây ăn quả có múi, ông Sáu Xê cho rằng sau khi hội nhập TPP, một trong lĩnh vực nông sản cũng gặp lớn thách thức, nhất là sản phẩm trái cây có múi cũng không ít rủi ro. Trong giai đoạn này, ở huyện Bắc Tân Uyên, nông dân đang ồ ạt chuyển đổi hàng nghìn ha trồng cây lâu năm sang trồng cây cam sành. Đây là phong trào rất tự phát và dự báo sẽ đối diện với những rủi ro. Ông cho biết, người nông dân chỉ biết lo làm với cái lợi trước mắt nhưng không tính lâu dài. Dự báo không lâu nữa, cây cam sành nói riêng và cây ăn quả có múi nói chung sẽ “bội thực” trên thị trường. Bởi thế, qua thực tế, trong liên kết bốn nhà, nhà nước đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nhà nước cần chỉ đạo có chiến lược quy hoạch vùng, ngăn chặn ngay phong trào tự phát; đồng thời làm chủ cây giống có chất lượng cao và bảo đảm đầu ra cho nông dân, khi đó vùng phát triển chuyên canh cây ăn quả có múi ở huyện Bắc Tân Uyên nói riêng và trong cả nước mới phát triển ổn định. 

Chủ tịch UBND xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên cho biết, đến nay, xã đã chuyển đổi hơn 900 ha đất trồng cây bưởi da xanh, cam sành và quýt đường không hạt. Đặc biệt, mô hình kinh tế của hộ nông dân Sáu Xê đang là mô hình điểm ở trong xã để bà con học tập. Qua khảo sát, hiện nay, cây ăn quả có múi cho thu nhập từ 1,5 đến 2 tỷ đồng/ha. Từ đó, mô hình chuyển đổi cây trồng mà xã Hiếu Liêm đã chuyển dịch sang trồng cây ăn quả có múi tăng trưởng rất nhanh. Tính đến cuối tháng 11/2015, toàn xã không còn hộ nghèo và chỉ còn vài hộ cận nghèo./. 

Chí Tưởng- Hải Âu/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực