Thành công nhờ học hỏi, vượt khó vươn lên không lùi bước

Thứ hai, 08/10/2018 09:48
(ĐCSVN) – Với nghị lực vượt khó, dám nghĩ, dám làm, chị Trần Thị Ngọc Thảo đã vươn lên làm giàu chính đáng bằng mô hình trồng hoa lan dendrobium tại ấp 5, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh. Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Thảo còn chia sẻ để giúp người dân nơi đây giảm nghèo và cùng phát triển.
Chị Trần Thị Ngọc Thảo (giữa) chia sẻ kỹ thuật trồng lan cho khách đến tham quan

Học hỏi để làm giàu

Chị Trần Thị Ngọc Thảo sinh ra và lớn lên tại thành phố mang tên Bác, trong một gia đình lao động nghèo. Cứ mỗi dịp hè chị được ba mẹ đưa về quê ông bà ở miền Tây sông nước chơi đã giúp chị sớm có tình yêu với thiên nhiên. Vốn chịu khó ham học hỏi và được hướng dẫn từ người anh trai học chuyên ngành sinh học đã tạo động lực để chị quyết tâm theo đuổi ngành sinh học tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh, chuyên ngành vi sinh - sinh học phân tử.

Sau khi tốt nghiệp đại học, chị làm việc chính thức trong Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu, được cơ quan tạo điều kiện học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn và chị đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ Sinh học với chuyên ngành sinh lý thực vật.

Trong quá trình công tác tại Viện Nghiên cứu dầu thực vật, với năng lực bản thân, chị được cử đi học tập nghiên cứu ở nước ngoài. Thời gian này, chị đặc biệt ấn tượng với mô hình trồng hoa lan dendrobium ở Thái Lan với giàn dây cáp, chậu và vĩ nhựa, cùng với hệ thống tưới phun tự động. Chị nhận thấy mô hình này có thể ứng dụng được ở Việt Nam thay cho cách làm truyền thống để giảm chi phí, giảm thời gian và công lao động, bên cạnh đó, mô hình này cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chị Trần Thị Ngọc Thảo kể, bước ngoặt mang tới sự thành công của chị là vào năm 2009, từ kiến thức và những kinh nghiệm tích lũy được, đặc biệt là giúp đỡ của cơ quan tạo điều kiện để chị thử nghiệm trồng lan dendrobium trên mặt mương nước xen giữa vườn dừa tại trạm nghiên cứu thực nghiệm của Viện. Thời gian đầu, vườn lan phát triển và cho thu hoạch tốt, nhưng sau đó vườn lan bị giảm năng suất rõ rệt do tán dừa ngày càng lớn làm giảm ánh sáng cần thiết cho lan trổ hoa và sau đó vườn lan đã ngừng hoạt động. Dự án của chị tạm gác lại và đây cũng là bài học kinh nghiệm lớn cho bản thân.

Vượt khó vươn lên không lùi bước

Thất bại không làm cho chị Thảo nhụt chí, sau 4 năm trăn trở, suy nghĩ, đến năm 2013, chị Thảo đã bàn với chồng quyết định rời bỏ Viện nghiên cứu để chuyển về xã Đa Phước, huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) lập nghiệp và sinh sống. Bước đầu cũng hết sức khó khăn do đặc thù là xã thuần nông, đất lại nhiễm phèn khó sản xuất nông nghiệp. Việc phát triển một vườn lan dendrobium mà không bị phụ thuộc vào điều kiện thổ nhưỡng của địa phương cũng là một thử thách lớn đối với hai vợ chồng chị.

Tuy là đã thất bại nhưng chị Thảo đã có nhiều kinh nghiệm trong Viện nghiên cứu, đặc biệt rút ra từ lần thất bại trước và ngày qua ngày vợ chồng chị gửi gắm tình cảm của mình trên từng mầm lan nhánh lá, để rồi lan không phụ lòng người, vườn lan dendrobium phát triển tốt, thành quả mang lại là sự thành công ngoài mong đợi. Nguồn vốn ít ỏi, ban đầu hai vợ chồng chịThảo chỉ lập được vườn lan trên diện tích 1.800 m² với 10.000 cây giống. Nhưng với phương châm lấy ngắn nuôi dài, từ 10.000 cây giống ban đầu, vườn lan của chị đã phát triển với số lượng 40.000 cây giống và mở rộng diện tích vườn lên 5.500m² với lượng cây giống lên đến 100.000 cây vào năm 2014.

Hiện nay, vườn lan của gia đình chị phát triển tốt, đạt năng suất chất lượng cao và cho thu nhập ổn định. Cùng với sự giúp đỡ của chồng là kỹ sư, trước đây làm ở phòng kinh doanh của một công ty nước ngoài nên việc tìm đầu ra cho sản phẩm được thuận lợi hơn. Nhận thấy nhu cầu về hoa lan dendrobium rất lớn không cung cấp đủ cho nhu cầu trong nước, đặc biệt là vào dịp lễ, tết nên vợ chồng chị quyết định mở rộng diện tích lên thành 11.000 m² với hơn 200.000 cây giống dendrobium các loại. Sản phẩm hoa lan của gia đình chị được phân phối cho hầu hết các tỉnh trong khu vực và cả ở khu vực phía Bắc.

Vườn lan của gia đình chị Trần Thị Ngọc Thảo vừa cho giá trị kinh tế cao, vừa
tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương - Ảnh: PC

Những nỗ lực vươn lên không ngừng của chị Trần Thị Ngọc Thảo trong phát triển kinh tế đã được ghi nhận, khi giờ đây gia đình chị Thảo đã có được kinh tế vững vàng, cuộc sống gia đình sung túc. Nhiều năm nay, chị Thảo không chỉ vươn lên trong việc làm giàu chính đáng mà còn tạo được việc làm cho người dân nghèo. Đặc biệt, gia đình chị còn giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con, sẵn sàng chia sẽ kỹ thuật nuôi trồng hoa lan; hỗ trợ đầu ra cho những hộ gia đình nhỏ lẻ, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm với những nhà vườn lân cận để cùng nhau phát triển.

Bên cạnh đó, chị Thảo còn phối hợp, hỗ trợ cho các viện, trường đại học trên địa bàn thực hiện các buổi học tập ngoại khóa hướng nghiệp giúp các em có thêm kiến thức về mô hình phát triển nông nghiệp cũng như có những định hướng về nghề nghiệp trong tương lai.

Với vai trò là một đảng viên, chị Thảo luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào của địa phương, hàng năm đều có đóng góp cho quỹ vì người nghèo, chăm lo quà tết cho bà con hộ nghèo, đóng góp kinh phí làm đường giúp bà con đi lại được dễ dàng hơn. Những việc làm của chị đã tạo được uy tín tại địa phương và là tấm gương sáng trong tích cực học tập, lao động sáng tạo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Nhận xét về chị Trần Thị Ngọc Thảo, đồng chí Hà Tấn Lộc, Bí thư Đảng ủy xã Đa Phước chia sẻ, những việc làm của đồng chí Trần Thị Ngọc Thảo đã góp phần nâng cao thu nhập và mức sống người dân tại địa phương, giúp người dân đổi mới cách làm nông nghiệp, xây dựng mô hình hiệu quả, sáng tạo trong sản xuất; thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, góp phần làm giàu cho bản thân, gia đình và sự phát triển của địa phương. Những năm qua, gia đình đồng chí Thảo luôn đi đầu trong các phong trào, có mối quan hệ tốt với cấp ủy, chính quyền địa phương. Bản thân luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động, gần gũi, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp hoàn thành nhiệm vụ.

Với những thành tích trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, nhiều năm liền Trần Thị Ngọc Thảo được vinh danh gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Bình Chánh và mới đây nhất chị được tuyên dương là một trong những tấm gương điển hình về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của huyện Bình Chánh năm 2018./.

Phạm Cường - Văn Lý

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực