Thi đua tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội

Thứ bảy, 05/12/2015 21:19

(ĐCSVN) - Với chủ đề “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015” do Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII đã đề ra, trong 5 năm qua các phong trào thi đua yêu nước đã phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, có sức lan tỏa cao.

Tuyên dương các công trình, sản phẩm tiêu biểu Khối Doanh nghiệp Trung ương giai đoạn 2010-2015. Ảnh: HH

Cụ thể hóa phong trào gắn với từng lĩnh vực

Từ năm 2010 đến nay, các phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, công nhân viên chức ngành Xây dựng tiếp tục được củng cố, tăng cường và phát triển. Các kết quả thi đua được cụ thể hóa bằng việc: hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách quản lý nhà nước ngành Xây dựng phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách, người nghèo thu nhập thấp; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; tăng cường quản lý đầu tư xây dựng để nâng cao chất lượng công trình và chống thất thoát, lãng phí; hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng các công trình trọng điểm quốc gia; thực hiện tái cơ cấu, đẩy mạnh cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhà nước; đảm bảo cân đối cung cầu và điều tiết, bình ổn thị trường xi măng và các vật liệu xây dựng cơ bản…

Từ các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tấm gương người tốt việc tốt, các tập thể, cá nhân điển hình, tiên tiến. Giai đoạn 2010 – 2015, toàn ngành đã có 01 cá nhân đạt danh hiệu Anh hùng lao động, 29 cá nhân đạt Chiến sỹ thi đua toàn quốc, 136 tập thể và 530 cá nhân được tặng thưởng Huân chương các loại, 244 tập thể và 529 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 151 tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ. Cùng với đó, 533 tập thể được tặng Cờ thi đua của Bộ Xây dựng, 2.761 tập thể và 12.826 cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, 6.455 Tập thể lao động xuất sắc, 6.437 cá nhân đạt Chiến sỹ thi đua Ngành, 6.147 cá nhân được nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Xây dựng.

Trong một phong trào thi đua cụ thể chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, 62 công trình, sản phẩm, dịch vụ được khởi công, triển khai thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2015. Đây là các công trình có đóng góp to lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, an ninh quốc phòng, các công trình trọng điểm quốc gia, có tính chiến lược với phát triển kinh tế đất nước. Các sản phẩm tiêu biểu do doanh nghiệp trực tiếp nghiên cứu, sản xuất tạo nên thương hiệu của doanh nghiệp đã được sử dụng rộng rãi trong đời sống, kinh tế - xã hội của đất nước. Các dịch vụ tiêu biểu của doanh nghiệp phục vụ dân sinh và xã hội đã được người tiêu dùng và xã hội ghi nhận. Các đóng góp cụ thể của doanh nghiệp thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ tại các huyện nghèo mà doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ và các công trình, đóng góp khác về an sinh xã hội trong nhiệm kỳ. Các công trình, sản phẩm, dịch vụ hiện vẫn đang tiếp tục phát huy được hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, an sinh xã hội.

“Càng khó khăn thì càng phải thi đua”

Trên đây chỉ là kết quả cụ thể của một ngành, một đơn vị trong 5 năm qua. Theo đồng chí Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, 5 năm qua, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, đất nước ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và nhiều diễn biến phức tạp khác. Trong bối cảnh đó, t
hực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua...”, “Càng khó khăn thì càng phải thi đua”, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu đạt được nhiều thành tích quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Các phong trào thi đua yêu nước đã được phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, mang ý nghĩa thiết thực, phục vụ cả những nhiệm vụ chính trị mang tính trọng tâm cấp bách của đất nước cũng như của các bộ, ngành, địa phương. Nội dung thi đua được gắn kết với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng. Hình thức thi đua được đổi mới; đẩy mạnh các phong trào thi đua theo chuyên đề, thi đua cao điểm lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Qua đó đã tạo không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp, cổ vũ động viên cán bộ, chiến sĩ, người lao động và các tầng lớp nhân dân trên mọi miền đất nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tại các bộ, ngành kinh tế, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, không khí thi đua được thể hiện rõ trên từng công trình, nhà máy, xí nghiệp. Phong trào thi đua nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh; tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; phong trào ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, quản lý kinh tế; thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa... được đẩy mạnh thực hiện trong những năm qua đã đem lại hiệu quả thiết thực góp phần vượt qua những khó khăn trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế.

Các ngành Công Thương, Xây dựng, Giao thông Vận tải đã tổ chức nhiều phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, gắn với nhiệm vụ chính trị được giao và được cụ thể hóa thành những khẩu hiệu để công nhân, người lao động dễ hiểu, dễ nhớ khi thực hiện. Tiêu biểu là phong trào thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Không sợ thiếu, chỉ sợ phân phối không công bằng” trong ngành thương mại; phong trào “Rèn luyện tay nghề thành thợ giỏi, chuyền may giỏi” trong ngành dệt may Việt Nam; phong trào “Việc hôm nay không để ngày mai”, “Thi đua thực hành tiết kiệm chống lãng phí, không có ngày, giờ lao động mất an toàn” của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Đặc biệt là Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được tổ chức thực hiện hiệu quả dưới nhiều hình thức khác nhau. Bộ Công Thương đã trực tiếp chỉ đạo 16 tập đoàn, tổng công ty ký thỏa thuận chung và 14 tập đoàn, tổng công ty ký song phương tiêu thụ sản phẩm của nhau, nhằm góp phần giảm tồn kho và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Phong trào “Kỷ cương, chất lượng, an toàn, hiệu quả” của các đơn vị trong ngành Giao thông vận tải, xây dựng; phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong xây dựng các công trình trọng điểm đã đầu tư, nâng cấp, hoàn thành nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng, xây dựng mạng lưới giao thông ngày càng hoàn thiện.

Các phong trào hưởng ứng thực hiện “Năm an toàn giao thông”, chương trình “Nhịp cầu yêu thương”, chung tay xây dựng cầu treo dân sinh cho bà con vùng sâu, vùng xa đã nhận được sự hưởng ứng và đóng góp tích cực của các tổ chức, cá nhân, với số tiền quyên góp 358 tỷ đồng. Phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn tiếp tục được triển khai có hiệu quả, trong 5 năm đã xây mới, nâng cấp, cải tạo gần 150 nghìn km đường giao thông nông thôn, hàng nghìn cầu dân sinh, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân, kết nối giữa các khu vực, vùng, miền trên cả nước... Phong trào lao động sáng tạo “Năng suất, chất lượng, hiệu quả trên công trình trọng điểm Thủy điện Sơn La" đã góp phần đưa công trình về đích sớm 3 năm so với kế hoạch, đem lại hiệu quả lớn về kinh tế, xã hội cho đất nước.

Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, phong trào thi đua chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị sử dụng đất, xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật về giống, công nghệ sản xuất... được đẩy mạnh. Phong trào thi đua “Toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chung sức thực hiện tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới”, phong trào thi đua liên kết “Vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn", đã tạo bước chuyển biến mới trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao; xuất hiện nhiều mô hình đạt 100 triệu đồng/ha/năm, có mô hình đạt hàng tỷ đồng/ha/năm.

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tiếp tục phát triển và có sức lan tỏa, tạo động lực khích lệ, động viên các hộ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu và giúp đỡ nhau thoát nghèo. Nhiều nông dân đã phát minh, sáng chế ra các công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, được ứng dụng rộng rãi vào sản xuất, tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Bình quân hằng năm có 8,2 triệu hộ nông dân đăng ký phấn đấu, trong đó có 4,2 triệu hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Từ phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi. So với giai đoạn 2005 - 2010, số hộ có mức thu nhập trên 200 triệu đồng/năm tăng gấp 3 lần, mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng 5 lần, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Trong các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, dịch vụ và du lịch, các phong trào thi đua đã góp phần tạo được mức tăng trưởng khá, phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân, bảo đảm lưu thông hàng hóa và xuất khẩu. Phong trào thi đua trong lĩnh vực văn hóa, xã hội đã góp phần phát triển nguồn nhân lực, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, tiếp tục cải thiện đời sống nhân dân. Cùng với đó là các phong trào thi đua trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tư pháp và đối ngoại đã góp phần quan trọng trong việc giữ vững chủ quyền quốc gia, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế./.

Hiền Hòa

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực