Kinh nghiệm trong công tác quản lý tư tưởng bộ đội ở Sư đoàn phòng không 361

Thứ bảy, 06/04/2019 19:16
(ĐCSVN) - Những năm qua, Sư đoàn Phòng Không 361 đã quán triệt, triển khai thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, góp phần xây dựng Sư đoàn trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện.

Nhờ là tốt công tác quản lý tư tưởng của bộ đội nên ý thức, trách nhiệm trong tự giác chấp hành kỷ luật quân đội, pháp luật của Nhà nước có nhiều chuyển biến tiến bộ rõ rệt; các vụ việc vi phạm kỷ luật thông thường ở đơn vị giảm mạnh; đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ, chiến sĩ được cải thiện, góp phần xây dựng Sư đoàn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, làm cơ sở nâng cao sức mạnh tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Sự đoàn 361
(nguồn ảnh: phongkhongkhongquan.vn)

Qua thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động công tác tư tưởng ở Sư đoàn Phòng không 361, rút ra một số kinh nghiệm cơ bản sau:

Một là, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn, các cấp ủy, tổ chức đảng tiến hành rà soát, đánh giá, quản lý chặt chẽ tình hình tư tưởng của bộ đội, giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh về tư tưởng.

Nghị quyết lãnh đạo hàng năm, hàng quý, hàng tháng, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn, các cấp ủy, tổ chức đảng đều tiến hành đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tư tưởng; nhấn mạnh trách nhiệm của các cấp ủy, chỉ huy, cơ quan, các đoàn thể quần chúng; xác định rõ mục tiêu, biện pháp, gắn với chức trách, nhiệm vụ của từng cán bộ, đảng viên, chiến sĩ. Cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp chủ động xây dựng kế hoạch, xác định rõ chỉ tiêu, cách thức tiến hành; hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, đơn vị quán triệt, triển khai công tác tư tưởng. Phòng Chính trị Sư đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị vận dụng linh hoạt, đa dạng các hình thức, phương pháp quản lý tư tưởng bộ đội.

Để thực hiện tốt việc quản lý công tác tư tưởng, lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ các cấp đều nắm chắc hồ sơ, lý lịch chính trị, hoàn cảnh gia đình cũng như mối quan hệ của quân nhân; nhất là các đồng chí công tác ở các bộ phận trọng yếu, cơ mật. Đối với các đồng chí cán bộ, chiến sĩ mới về đơn vị công tác, ngoài việc nắm bắt hồ sơ, lý lịch, đội ngũ cán bộ các cấp còn nắm bắt tình hình tư tưởng, trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức và sức khỏe thông qua nhận xét đánh giá của đơn vị cũ; trên cơ sở đó có biện pháp quản lý chặt chẽ tình hình tư tưởng bộ đội ngay từ ngày đầu, tháng đầu.

Đối với việc quản lý trực tiếp, các cơ quan, đơn vị phân công cụ thể đến từng đồng chí cấp ủy viên và ủy viên ban chấp hành các tổ chức quần chúng, thông qua hoạt động sinh hoạt, học tập, công tác hàng ngày của bộ đội để nắm và quản lý tư tưởng. Nội dung nắm và quản lý tư tưởng tập trung vào những xu hướng, sở thích, năng khiếu, quan điểm, lập trường… Biện pháp quản lý tư tưởng hiệu quả nhất là thông qua sinh hoạt tổ ba người, tổ chiến sĩ bảo vệ,  sinh hoạt khẩu đội, sinh hoạt tiểu đội; nhất là thông qua hoạt động  chính trị, văn hóa tinh thần để mọi quân nhân đối thoại, trao đổi tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bản thân; qua đó, hiểu rõ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của từng cá nhân cán bộ, chiến sĩ, từ đó có biện pháp giải quyết kịp thời.

Đặc biệt, công tác quản lý tư tưởng còn được thực hiện thông qua các mối quan hệ đồng chí, đồng đội, quan hệ cấp trên, cấp dưới, quan hệ gia đình và quan hệ xã hội, quan hệ chiến sĩ cũ và chiến sĩ mới, quan hệ đồng hương được các đơn vị thực hiện tốt; nhờ đó; lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị đã nắm chắc được tình hình, kịp thời ngăn chặn các vụ việc nảy sinh.

Hai là, tiến hành công tác tư tưởng phải gắn với việc duy trì nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, đẩy mạnh phong trào thi đua, quan tâm đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ.

 Từ Sư đoàn đến các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm các chế độ, nền nếp xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật, coi trọng xây dựng ý thức trách nhiệm, tinh thần đoàn kết; gắn công tác tư tưởng với việc rèn luyện, chấp hành kỷ luật, đẩy mạnh chấn chỉnh lễ tiết, tác phong quân nhân, tạo nên ý thức tự giác cho cán bộ, chiến sĩ trong học tập, công tác.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị đã coi trọng xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh, gắn kết chặt chẽ với rèn luyện kỷ luật. Hoạt động thi đua của Sư đoàn luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của đơn vị, được duy trì có nền nếp. Các đơn vị đã chú trọng xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung chỉ tiêu thi đua đột phá vào những khâu yếu, mặt yếu, trong thực hiện nhiệm vụ xây dưng chính quy, chấp hành kỷ luật, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Việc đánh giá kết quả, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được các cấp tiến hành một cách toàn diện, khách quan, thực chất, đúng người, đúng việc.

Các phong trào thi đua: “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng , xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, “Sư đoàn Phòng không 361với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; “Phụ nữ Sư đoàn thực hành tiết kiệm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Vai trò của Đoàn viên thanh niên trong chấp hành kỷ luật”, “Phiên ban, kíp trực, kíp chiến đấu thanh niên”, “Tháng trực ban mẫu”, “Chi đoàn huấn luyện huấn luyện giỏi”… đã thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ tham gia, góp phần bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, xây dựng bản lĩnh chính trị, rèn luyện ý chí chiến đấu; nâng cao cảnh giác cách mạng, chủ động đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dưng bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể và cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhất là các  nhiệm vụ khó khăn trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, trong xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật; các đợt thi đua cao điểm, các nhiệm vụ đột xuất, sơ, tổng kết phong trào thi đua Quyết thắng. Các điển hình tiên tiến trong thực hiện thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Quân ủy Trung ương về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được kịp thời nhân rộng trong toàn Sư đoàn, tạo tâm lý phấn khởi, hăng hái thi đua hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Mặt khác, cấp ủy, người chỉ huy các cấp luôn quan tâm và có nhiều biện pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời những tư tưởng, tiêu cực, những luận điệu tuyên truyền, chống phá của các thế lực thù địch, những tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường không cho thẩm thấu vào đơn vị. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện lơ là, mất canh giác trong canh trực sẵn sàng chiến đấu và mất đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân.

Ba là, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị ở đơn vị

Cùng với việc tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên về giáo dục chính trị, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn, các cấp ủy, tổ chức đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị chấp hành nghiêm quy trình, quy chế, nền nếp công tác tư tưởng, từng cơ quan, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục chính trị cho các đối tượng, kiện toàn các tổ giáo viên chính trị, báo cáo viên, duy trì thường xuyên chế độ thông qua bài giảng.

Trong quá trình giáo dục chính trị, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn, các cấp ủy, tổ chức đảng luôn chú trọng giữa giáo dục cơ bản với giáo dục truyền thống; vận dụng linh hoạt các hình thức giáo dục bổ trợ giúp cho người học lĩnh hội nhanh kiến thức đã học; kết hợp giữa giáo dục chung với giáo dục riêng; chú trọng giáo dục thông qua hoạt động thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, công tác dân vận và giáo dục bằng tấm gương của cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị. Sư đoàn đã chỉ đạo biên soạn các tài liệu chuyên đề giáo dục chính trị theo yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ cách mạng mới, xây dựng Sư đoàn Phòng không 361 cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại: “Truyền thống vẻ vang của Sư đoàn Phòng không Hà Nội Anh hùng”; “Một số giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả sinh hoạt Ngày Chính trị, văn hóa tinh thần ở đơn vị”; “Sinh hoạt tự phê bình và phê bình, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng bộ Sư đoàn”; “Một số giải pháp nhằm ngăn ngừa vi phạm pháp luật, kỷ luật ở đơn vị cơ sở”; “Các biện pháp bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông”... đưa vào chương trình giáo dục và là chủ đề để các đơn vị tổ chức diễn đàn, tọa đàm, trao đổi. Phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, như: Phòng Hồ Chí Minh, phòng đọc sách, báo, tạp chí; phòng thể duc, thể thao...các chế độ thông báo thời sự, đọc báo, xem ti vi, truyền thanh nội bộ được duy trì thực hiện tốt.

Ngoài các hoạt động thường xuyên, các đơn vị còn tổ chức các hoạt động sinh hoạt như: Sinh hoạt tập thể, đưa công nghệ thông tin, phương tiện trình chiếu, màn hình vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ; thi tìm hiểu và tổ chức các hoạt động mô phỏng trò chơi trên truyền hình, như: “Vui-học để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. “Người chiến sĩ Phòng không - Không quân ưu tú”,...Từ những hoạt động trên đã có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng, củng cố nhận thức, tư tưởng chính trị của cán bộ, chiến sĩ.

Bốn là. phát huy vai trò các tổ chức, các lực lượng trong đơn vị; thực hiện tốt công tác dân vận, kết nghĩa, qua đó tạo sức mạnh tổng hợp để tiến hành công tác tư tưởng có hiệu quả.

Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn, các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp thường xuyên coi trọng công tác chính trị tư tưởng trong quản lý bộ đội, nhất là trong những thời điểm nhạy cảm, phức tạp trước các nhiệm vụ quan trọng, đột xuất, đội ngũ cán bộ chỉ huy quản lý chặt chẽ bộ đội theo phân cấp, luôn gương mẫu, gần gũi, thực sự quan tâm, thương yêu, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của chiến sĩ.

Hàng tháng, cán bộ chủ trì các cấp tiến hành đối thoại dân chủ với cán bộ, đảng viên, sĩ quan trẻ, tạo bầu không khí dân chủ cởi mở, thẳng thắn, đoàn kết cao; qua đó kịp thời nắm bắt và giải quyết các vấn đề vướng mắt về tư tưởng của bộ đội; đồng thời, tiếp thu được nhiều ý kiến tâm huyết, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ đóng góp xây dựng đơn vị.

Mặt khác, các đơn vị luôn kết hợp chặt chẽ với địa phương, đơn vị kết nghĩa, gia đình quân nhân để chăm lo, giáo dục, động viên bộ đội. Thực hiện tốt công tác dân vận ngay trong đơn vị, vào các dịp lễ, tết, kết thúc huấn luyện hoặc ngày nghỉ, các cơ quan, đơn vị tổ chức mời cấp ủy, chính quyền địa phương và các gia đình quân nhân lên sinh hoạt, giao lưu; qua đó thống nhất nhiều biện pháp quản lý tư tưởng bộ đội.

Năm là, tích cực chủ động tiến hành công tác tư tưởng phù hợp với từng đơn vị, từng thời điểm, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ khó khăn, phức tạp.

Nội dung tập trung vào việc nắm tình hình tư tưởng trong đời sống sinh hoạt thường ngày của bộ đội; niềm tin vào sự nghiệp cách mạng; tích cực trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, đoàn kết, kỷ luật... Căn cứ vào từng loại hình đơn vị, từng thời điểm, trước những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, như: Cơ động làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện diễn tập bắn đạn thật; các thời điểm nhạy cảm, như: Ngày lễ, tết, tiếp nhận chiến sĩ mới, chiến sĩ chuẩn bị ra quân... Lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tăng cường kiểm tra, nắm tình hình tư tưởng bộ đội để dự báo và có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, không để nảy sinh tư tưởng phức tạp./.

Trung tá Phạm Văn Minh

                                                                       Thượng tá Vương Đức Thương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực