Nhiều tư duy mới của Hiến pháp năm 2013 đã được thể chế hóa

Thứ tư, 11/09/2019 14:57
(ĐCSVN)- Sau 05 năm triển khai thi hành, nhiều quy định của Hiến pháp 2013 dần đi vào cuộc sống, tác động tích cực tới mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh... góp phần bảo vệ, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Sáng 11/9, tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về báo cáo sơ kết 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp (2014-2019).

Báo cáo kết quả đạt được trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định thông qua triển khai thi hành Hiến pháp đã góp phần nâng cao ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân; tạo cơ sở quan trọng cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trong giai đoạn phát triển mới.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Sau 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp, trong số 90 luật, pháp lệnh được liệt kê tại Danh mục, Quốc hội, UBTVQH đã ban hành 69 luật, pháp lệnh, trong đó có các đạo luật mang tính nền tảng, rường cột của hệ thống pháp luật; còn 21 dự án luật, pháp lệnh nằm trong Danh mục nhưng chưa được ban hành.

Ngoài ra, QH, UBTVQH còn ban hành 34 luật, pháp lệnh không nằm trong Danh mục. Đây là những luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền dân sự - chính trị, quyền kinh tế - xã hội của con người và thể chế quản lý kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước nên được các cơ quan quan tâm và sớm trình Quốc hội ban hành.

“Về cơ bản, nội dung của các luật, pháp lệnh được ban hành đã cụ thể hóa và bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013; bám sát và thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chủ động hội nhập quốc tế” - Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định.

Nhiều tư duy mới của Hiến pháp năm 2013 đã được thể chế hóa trong các dự án luật, pháp lệnh để tạo sự thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật. Kỹ thuật lập pháp cũng đã có những bước tiến đáng kể.

Việc điều chỉnh cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định mới của Hiến pháp cũng đã được các cơ quan, tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời, chú trọng việc bảo đảm cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực trên cơ sở quy định chặt chẽ, rành mạch nhiệm vụ, quyền hạn và quy trình, thủ tục thực hiện nhiệm vụ của mỗi cơ quan, gắn với việc sắp xếp lại các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Làm rõ những quy định của Hiến pháp chưa đi vào cuộc sống

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Lê Thành Long sau 5 năm triển khai thi hành cũng bộc lộ tồn tại, hạn chế như hoạt động xử lý sau rà soát văn bản quy phạm pháp luật còn chậm; kết quả rà soát văn bản chưa được kết nối, sử dụng hiệu quả trong quá trình xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng pháp luật ở các cơ quan trung ương mặc dù đã được quan tâm nhưng một số đạo luật đến nay vẫn chưa được ban hành theo kế hoạch dự kiến; một số nội dung của Hiến pháp đến nay vẫn chưa được cụ thể hóa hoặc cụ thể hóa chưa đầy đủ. Bộ trưởng Bộ Tư pháp dẫn chứng như vấn đề phân công, kiểm soát quyền lực; phân cấp, phân quyền...); chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh còn chưa đồng đều; tiến độ xây dựng một số dự án luật, pháp lệnh còn chậm.

Thẩm tra báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban tán thành với đánh giá chung trong Báo cáo và nhận thấy, sau 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp, về cơ bản, việc triển khai thi hành Hiến pháp của các cơ quan, tổ chức đã bám sát yêu cầu, mục tiêu theo Nghị quyết số 64 và Nghị quyết số 718.

Các cơ quan, tổ chức đã chủ động thực hiện trách nhiệm của mình trong việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp; xác định việc triển khai thi hành Hiến pháp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động ngay từ năm 2014 và các năm tiếp theo, vì vậy đã đạt được những kết quả tích cực trên nhiều mặt.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định đề nghị đánh giá bổ sung bối cảnh, những thuận lợi, khó khăn của việc triển khai thi hành Hiến pháp trong 05 năm vừa qua, làm rõ những quy định của Hiến pháp chưa đi vào cuộc sống cũng như nguyên nhân, tác động của việc này đến mọi mặt của đời sống xã hội và giải pháp khắc phục.

Bổ sung thêm đề xuất, kiến nghị đối với các chủ thể khác cũng có nhiệm vụ thi hành Hiến pháp như Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, đề nghị đặt các đề xuất, kiến nghị trong bối cảnh tổng kết Nghị quyết số 48, Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị cũng như xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng nhiệm kỳ khóa XIII.

Thảo luận tại Phiên họp, các đại biểu tập trung, làm rõ một số nội dung như: Công tác chỉ đạo, điều hành triển khai thi hành Hiến pháp; Tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp; Rà soát, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với Hiến pháp; Việc các cơ quan, tổ chức thực hiện điều chỉnh cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định mới của Hiến pháp; Việc triển khai các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực