1.500 đại biểu tham dự Đại Hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu lần thứ 6 tại Đà Nẵng

Chủ nhật, 24/06/2018 19:23
(ĐCSVN) - Trong hai ngày 23-24/6, tại Trung tâm hội nghị Ariyana Đà Nẵng, các Bộ trưởng phụ trách môi trường và các quan chức cấp cao đến từ 183 quốc gia thành viên tham dự những phiên họp đầu tiên trong khuôn khổ Đại Hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF6) và các sự kiện liên quan.

GEF6 diễn ra trong các ngày 23 đến 29/6 với sự tham dự của khoảng 1.500 đại biểu bao gồm các Bộ trưởng phụ trách môi trường và các quan chức cấp cao khác, lãnh đạo các cơ quan Liên hợp quốc, các ngân hàng phát triển khu vực, các tổ chức chính trị - xã hội và lãnh đạo doanh nghiệp, cùng chia sẻ ý tưởng, giải pháp và hành động cần thiết hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường toàn cầu.

Các chuỗi sự kiện bao gồm: phiên họp Đại hội đồng; phiên họp của Hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu (GEF); Phiên họp bàn tròn cấp cao (14 phiên); diễn đàn và các cuộc họp của các tổ chức chính trị - xã hội; các cuộc họp kỹ thuật của các cơ quan thuộc GEF (17 cuộc họp); các sự kiện bên lề (khoảng 70 sự kiện), các gian hàng triển lãm; tham quan thực địa các dự án do GEF tài trợ.

Kỳ họp Đại hội đồng GEF6 sẽ xem xét, phê chuẩn các định hướng giải pháp cho các vấn đề môi trường toàn cầu hiện nay, xây dựng và tăng cường các mối quan hệ hợp tác chiến lược đầu tư, đồng thời phê duyệt, phân bổ nguồn lực cho các dự án môi trường trong chu kỳ 7 (GEF7) (giai đoạn 2018-2022).


Một trong các cuộc họp song song cấp kỹ thuật của GEF6. (Ảnh: Anh Tuấn)

Các phiên họp song song cấp kỹ thuật chính đã diễn ra trong ngày 23/6 gồm các cuộc họp Ban tư vấn khoa học và kỹ thuật (STAP); họp Hội đồng Tổ chức chính trị - xã hội GEF; cuộc họp điều phối các nhà tài trợ, tập trung vào các cách tiếp cận tích hợp trong giải quyết các vấn đề môi trường và phát triển bền vững, an ninh môi trường, kinh tế tuần hoàn và lương thực bền vững, kinh tế tuần hoàn và rác thải nhựa… trong các khu vực thành viên GEF.

Theo kế hoạch, ngày 24/6 đã diễn ra phiên họp Hội đồng GEF lần thứ 54 với 7 sự kiện song song bên lề gồm: "Sạch, mát, thông minh: Chiến lược hệ thống lương thực và khái niệm dây chuyền lạnh để tăng cường tính chống chịu với biến đổi khí hậu" do UNIDO chủ trì; "Tăng cường năng lực quốc gia để đáp ứng về minh bạch" do CI, FAO, UNDP, UN Environment chủ trì; "Cơ sở hạ tầng bền vững - xây dựng đổi mới và chuyển động toàn cầu để phòng tránh mất đa dạng sinh học và thoái hòa rừng từ đầu tư cơ sở hạ tầng" do ADB chủ trì; "Kinh nghiệm sử dụng công cụ địa chất không gian để đánh giá, giám sát phục vụ các mục tiêu giảm thiểu thoái hóa đất" do FAO chủ trì; "Dự án hỗ trợ và thực hiện NAMAs trong MRC (SPI-NAMA)" do JICA chủ trì; "Hệ thống năng lượng đô thị" do UN Environment chủ trì; "Diễn đàn cho người dùng hỗ trợ đạt được mục tiêu giảm thiểu thoái hóa đất" do INCCD, CI chủ trì.

Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và phát biểu tại lễ khai mạc chính thức ngày 27/6, đề cập thực trạng môi trường toàn cầu, tham vọng cần thiết để cải tổ các hệ thống hỗ trợ cách thức sinh hoạt, ăn uống, đi lại, sản xuất tiêu dùng của con người và vai trò của GEF7 đối với sự thay đổi hệ thống cần thiết. Chương trình tham quan các dự án GEF ở TP. Đà Nẵng sẽ diễn ra ngày 29/6.

Là một trong những thành viên sớm gia nhập GEF (05/12/1994), kỳ họp Đại hội đồng GEF6 còn truyền đi thông điệp, quảng bá đến cộng đồng quốc tế về quyết tâm, nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về phát triển bền vững, đặc biệt trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường. Ngoài ra, đây còn là cơ hội để Việt Nam tăng cường, thúc đẩy hợp tác, tìm kiếm các cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, giới thiệu, quảng bá du lịch, văn hóa, danh lam thắng cảnh và con người.

Ngoài ra, GEF6 sẽ có các cuộc Họp nhóm cử tri GEF các khu vực như Đông Phi, Đông Âu, Tây Phi, Caribbean, Brazil, Colombia và Ecuador, Trung bộ châu Mỹ và Venezuela, Nam Á, Bắc Phi, Bờ biển Tây Phi, Tây Á, Đông Á, Nam Phi, Trung Phi, các đảo Thái Bình Dương, và Nam Nam Mỹ.

Đây sẽ là cơ hội để các thành viên chia sẻ thông tin, quan điểm cũng như tiếp nhận phản hồi từ các thành viên trong các khu vực về các vấn đề liên quan đến chương trình nghị sự của Đại hội đồng GEF. Cuộc họp cũng nhằm mục đích xem xét, đề xuất các vấn đề về phối hợp; tăng cường truyền thông và chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện các dự án GEF.

Việt Nam nằm trong nhóm cử tri Đông Á gồm các thành viên khác là Lào, Campuchia, Myanmar, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Thái Lan, Malaysia, và Mông Cổ./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực