Băn khoăn về xu hướng một luật sửa nhiều luật

Thứ hai, 16/04/2018 20:32
(ĐCSVN) - Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về xu hướng một luật sửa nhiều luật, lồng ghép các ưu đãi làm cho hệ thống pháp luật thiếu tính ổn định.
Phiên họp 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: quochoi.vn)

Chiều 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và điều chỉnh Chương trình năm 2018.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, trong năm 2017, Quốc hội đã thông qua 18 luật, 03 nghị quyết và cho ý kiến về 08 dự án luật khác; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 10 nghị quyết. Theo Chương trình, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội sẽ thông qua 07 dự án luật, 01 nghị quyết và cho ý kiến về 11 dự án luật khác.

Thực hiện Chương trình năm 2018, đến nay, 07/07 dự án luật dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 đã được gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội; 09/11 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, 02/11 dự án được Chính phủ đề nghị lùi thời gian trình. Nhiều dự án trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm 2018 cũng đang được các cơ quan chủ trì soạn thảo tích cực chuẩn bị.

Tại phiên họp, Ủy ban Pháp luật đánh giá bên cạnh những kết quả đạt được, việc lập và triển khai Chương trình vẫn còn những hạn chế. Đó là tình trạng hồ sơ đề nghị xây dựng một số dự án luật  chưa được chuẩn bị kỹ, tình trạng xin lùi, rút, bổ sung dự án vào Chương trình vẫn còn diễn ra thường xuyên (năm 2017, bổ sung 06 dự án, lùi thời gian trình 05 dự án, rút khỏi Chương trình 03 dự án, 02 dự án được thông qua theo quy trình 3 kỳ họp; năm 2018, Chính phủ đề nghị điều chỉnh thời gian trình 03 dự án, bổ sung 10 dự án)...

Đặc biệt, theo Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định, nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về xu hướng một luật sửa nhiều luật, lồng ghép các ưu đãi làm cho hệ thống pháp luật thiếu tính ổn định. Cơ quan thẩm tra dẫn chứng việc “ban hành Luật Quy hoạch dẫn đến phải sửa hơn 25 luật; xây dựng Luật Quốc phòng (sửa đổi) yêu cầu sửa đổi, bổ sung ban hành mới 09 luật, pháp lệnh; nhiều luật lồng ghép các ưu đãi...”.

Hơn nữa, Ủy ban Pháp luật đánh giá, việc tổ chức lấy ý kiến và tham gia ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan đối với nhiều dự án còn hình thức. Chính phủ chưa bố trí thời gian để thảo luận bàn sâu về chính sách cụ thể của mỗi dự án. Trong quá trình soạn thảo, tiếp thu chỉnh lý, người đứng đầu một số cơ quan soạn thảo dành thời gian để tham gia ít, chủ yếu giao cho cấp dưới…

Về vấn đề này, cho ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhấn mạnh những hạn chế trong lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và công tác xây dựng luật vẫn tồn tại hàng chục năm nay và có dấu hiệu ngày càng nặng hơn. Theo bà, ở đây có vấn đề chấp hành không nghiêm. “Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cũng không chỉ ra một Bộ hay cơ quan liên quan làm luật với kỷ luật làm luật không tốt. Kỷ luật làm luật rất không nghiêm những hồ sơ dự án luật từ khi đưa vào chương trình phác thảo rất sơ bộ, báo cáo đánh giá tác động là một báo cáo cực kỳ quan trọng nhưng hầu như cũng không ai ký, đóng dấu…” – Chủ nhiệm Lê Thị Nga phát biểu thẳng thắn.

Bà cũng đặt câu hỏi về tính ổn định của pháp luật trước tình trạng một luật sửa nhiều luật liên tục, cứ luật này sửa luật kia.

Tại phiên họp, trình bày Tờ trình của Chính phủ, về điều chỉnh Chương trình năm 2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị rút ra khỏi Chương trình 01 dự án, lùi thời gian trình 02 dự án, bổ sung vào Chương trình 10 dự án luật (06 dự án liên quan đến Luật Quy hoạch), 01 dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về dự kiến Chương trình năm 2019, Chính phủ đề nghị đưa 19 dự án luật vào Chương trình năm 2019. Cụ thể, tại kỳ họp thứ 7: thông qua 05 dự án luật, cho ý kiến 09 dự án luật; tại kỳ họp thứ 8: thông qua 10 dự án luật (01 dự án luật được thông qua theo quy trình tại một kỳ họp), cho ý kiến 04 dự án luật.

Thẩm tra Tờ trình, Ủy ban Pháp luật nhất trí với nhiều đề nghị của Chính phủ. Riêng về các dự án cần bổ sung vào Chương trình theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, Ủy ban Pháp luật cho biết, hiện nay có ít nhất 08 dự án luật  theo yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và hoàn thành trong hai năm 2018 và 2019. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Chính phủ mới có hồ sơ đề nghị về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi); các dự án khác, Chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm chưa chuẩn bị kịp hồ sơ đề xuất xây dựng dự án.

Bên cạnh đó, tại kỳ họp thứ 3, qua thảo luận tại Quốc hội về Chương trình năm 2018, đã có 30 dự án luật, 02 dự thảo nghị quyết được các đại biểu Quốc hội quan tâm, đề nghị sớm nghiên cứu, bổ sung vào Chương trình. Đến thời điểm này, có 01 nghị quyết đã được Quốc hội thông qua (Nghị quyết của Quốc hội về Chính sách đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh), 08 dự án đã được Chính phủ đề xuất đưa vào Chương trình năm 2018, 2019, 05 dự án đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội yêu cầu sửa đổi. Do đó đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể thêm về việc thực hiện vấn đề này.

Đồng thời, nhiều ý kiến của Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ báo cáo về dự kiến đề xuất xây dựng luật trong thời gian tới để thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp, Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực