Báo cáo Quốc hội xin dừng xây dựng Luật Hành chính công

Thứ ba, 11/09/2018 15:03
(ĐCSVN) – Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật Hành chính công còn thiếu sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật cũng như chưa đảm bảo tính khả thi…

Sáng  11/9, tiếp tục phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến vào dự án  Luật Hành chính công

Xây dựng một nền hành chính công đổi mới, phục vụ

Trình bày Tờ trình dự án Luật Hành chính công, ĐBQH Trần Thị Quốc  Khánh, Trưởng Ban soạn thảo cho biết: Thời gian qua, việc ban hành, thực hiện hành chính công nói chung, thủ tục hành chính (TTHC), cung ứng dịch vụ công nói riêng, việc phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức khi thực hiện TTHC và dịch vụ công vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, vướng mắc. TTHC được quy định riêng rẽ ở từng đạo luật chuyên ngành, văn bản dưới luật khác nhau nhưng chưa có những quy định về nguyên tắc chung, kết nối, liên thông, chuẩn hóa về TTHC, nên dẫn đến tình trạng chồng chéo, không thống nhất giữa các thủ tục ở các lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau; tính khả thi không cao; gây tốn kém thời gian, giấy tờ, chi phí của doanh nghiệp.

ĐBQH Trần Thị Quốc  Khánh, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công trình bày Tờ trình.
(Ảnh: quochoi.vn).

Việc xây dựng Luật Hành chính công để cùng với hệ thống pháp luật đã được ban hành thời gian qua nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII và các Nghị quyết hội nghị Ban chấp hành trung ương lần thứ 5, 6 (khóa XII) của Đảng; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quản lý hành chính nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; tiếp tục thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính mà trọng tâm là thủ tục hành chính; đồng thời tăng cường, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý và cung ứng dịch vụ công, thực hiện xã hội hóa việc cung ứng dịch vụ công trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; xác định rõ hơn mối quan hệ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công; góp phần tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; từng bước xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại, công khai, minh bạch, có hiệu lực, hiệu quả; thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội bền vững, bảo đảm quốc phòng- an ninh và hội nhập quốc tế.

Dự thảo Luật hành chính công gồm có 5 chương với 45 điều quy định thủ tục hành chính; dịch vụ công; mối quan hệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công.

Chưa đảm bảo tính cụ thể, thống nhất và khả thi

Thảo luận về dự án Luật, các ý kiến thành viên UBVQH đánh giá cao sự tâm huyết, nỗ lực, cố gắng của ĐBQH - Trưởng Ban soạn thảo, các thành viên Ban soạn thảo.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, nhiều quy định của dự thảo Luật đã được quy định trong các luật khác, do đó, cần xem xét kỹ các quy định của dự án Luật để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Phó Chủ tịch QH đặt vấn đề, liệu ban hành luật này thì có phá vỡ tính hệ thống pháp luật không?.

Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển cho rằng nếu căn cứ vào Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật thì dự án Luật chưa đảm bảo yêu cầu về tính thống nhất, tính cụ thể và tính khả thi.

Đánh giá cao mục đích việc ban hành Luật này, song Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp thu, hoàn thiện, để dự án Luật mang tính khả thi hơn.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến tỏ ra băn khoăn: “Các đồng chí có tiếp tục được nữa hay không, nếu không thì đề xuất dừng, coi đây là công trình khoa học tâm huyết và sẽ được tham khảo khi sửa đổi, bổ sung các luật khác”.

Khẳng định UBTVQH rất trân trọng sáng kiến lập pháp của ĐBQH, song Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân thẳng thắn nêu ra, có 3 yêu cầu quan trọng trong xây dựng luật đó là: tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tính khả thi và tính quy phạm nhưng dự thảo Luật chưa đạt yêu cầu. Cùng với đó, sự cần thiết ban hành luật chưa thực sự thuyết phục. Trên cơ sở này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị coi đây là công trình nghiên cứu để tham khảo, làm cơ sở khi xây dựng các quy định liên quan hành chính công ở các luật.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nêu rõ, UBTVQH đánh giá nỗ lực của Ban soạn thảo trong chuẩn bị hồ sơ dự án Luật. Tuy vậy, khái niệm hành chính công là rất rộng lớn. Qua ý kiến thẩm tra, ý kiến của Chính phủ và tại phiên họp hôm nay thì thấy rằng tính thống nhất, tính đồng bộ, tính khả thi và tính quy phạm chưa bảo đảm; nhiều chính sách chưa đánh giá kỹ tác động; Quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện TTHC và dịch vụ công còn chung chung…

Trên cơ sở các ý kiến của UBTVQH, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu kết luận: Ủy ban Pháp Luật sẽ hoàn thành thủ tục theo quy định để báo cáo với QH xin rút dự án Luật này ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực