Bí thư Thành ủy Hà Nội: Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác nội chính

Thứ ba, 06/03/2018 16:58
(ĐCSVN) - Cơ quan Nội chính có vị trí, vai trò quan trọng, là cơ quan thực thi quyền lực, thực thi pháp luật, do vậy mỗi cán bộ, công chức của Ban Nội chính và các cơ quan trong khối phải tự nhận thức vai trò, trách nhiệm của mình, từ đó phải tăng cường đào tạo, trau dồi, bồi dưỡng về chuyên môn, đạo đức cách mạng để tạo thành một hệ thống vững mạnh…
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận Hội nghị.

Đó là chỉ đạo của đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội tại buổi làm việc với Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội vào sáng 6/3.

Theo báo cáo do Phó trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Thế Toàn trình bày, năm 2017, Ban đã tích cực, chủ động tham mưu cho Thành ủy chỉ đạo các cơ quan Nội chính triển khai các nhiệm vụ không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, địa bàn trọng điểm, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, nổi bật là các hoạt động của Tuần lễ cấp cao APEC năm 2017. Đồng thời bảo vệ an toàn gần 2.000 kỳ cuộc diễn ra trên địa bàn Thủ đô.

Các cơ quan Nội chính phối hợp xây dựng và triển khai hiệu quả 6 đợt cao điểm theo các chuyên đề, lĩnh vực chuyên sâu về phòng, chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật. Do vậy, hầu hết các loại tội phạm đều giảm, 100% các vụ trọng án được điều tra, khám phá. Các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, người dân tham gia phòng, chống tội phạm được đẩy mạnh…

Cũng trong năm qua, Ban Nội chính đã báo cáo, đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy đưa ra 17 vụ việc, vụ án vào diện Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy trực tiếp chỉ đạo hoặc các vụ việc, vụ án giao Ban Nội chính Thành ủy theo dõi, đôn đốc và đề xuất cơ chế đôn đốc, giám sát.

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được tập trung thực hiện theo hướng công khai, minh bạch, đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; mở rộng cơ chế kiểm tra, gám sát của các cơ quan dân cử, MTTQ, các đoàn thể xã hội, các cơ quan báo chí… Bên cạnh đó, công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về tham nhũng được tăng cường, kết quả năm 2017 tăng 9 vụ/51 bị can so với năm 2016, trong đó tập trung giải quyết các vụ án lớn, trọng điểm, các vụ án về kinh tế, chức vụ, tham nhũng được dư luận quan tâm.

Bên cạnh những kết quả trên, Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, như việc nắm bắt, dự báo, phân tích, xử lý tình hình có lúc, có nơi còn chưa nhạy bén, chưa kịp thời. Tình hình giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân ở một số địa phương chưa được tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm, còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Công tác quản lý nhà nước còn bộc lộ nhiều kẽ hở, một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lợi dụng sơ hở trong quản lý, cơ chế hoặc lợi dụng nhiệm vụ được giao để làm trái quy định…

Trên cơ sở đó, năm 2018, Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội xác định 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó chủ động, nắm chắc tình hình để kịp thời tham mưu cho Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo xử lý các vấn đề nóng, nổi cộm liên quan đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch; đảm bảo tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, các hoạt động chính trị, ngoại giao, văn hóa, kinh tế, xã hội diễn ra trên địa bàn Thành phố. Ban Nội chính Thành ủy cũng sẽ đôn đốc các đơn vị triển khai có hiệu quả 13 chuyên đề nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu sâu các chuyên đề liên quan đến công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, như chỉ ra những lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, lãng phí; nâng cao chất lượng các cơ quan nội chính…

Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh yêu cầu phải đảm bảo tuyệt đối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý tăng cường phối hợp các cơ quan nội chính trong tham mưu với Thành ủy; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát các lĩnh vực nội chính, phòng chống tham nhũng, đặc biệt đôn đốc xử lý trên 2.000 kết luận sau thanh tra còn tồn đọng; đưa một số vụ án liên quan đến BT, BOT ra xét xử. Cùng với đó sâu sát một số vụ án liên quan đến tham nhũng, lãng phí, công tác khởi tố, điều tra, xét xử và đẩy mạnh thông tin tới dư luận xã hội.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại Hội nghị

Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, đoàn kết, cố gắng của cán bộ, công chức Ban Nội chính Thành ủy và các cơ quan nội chính Thành phố trong những năm qua đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, Ban Nội chính là cơ quan tham mưu quan trọng của Thành ủy, lĩnh vực Nội chính cũng rất quan trọng, quyết định việc thực hiện mục tiêu phát triển của Thành phố, đó là đảm bảo sự bình yên của Thủ đô.

Đồng tình với những kết quả, hạn chế mà Ban Nội chính đã chỉ ra, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho rằng, Ban cần đi sâu, nhìn nhận kỹ hơn về những hạn chế này. Đơn cử như hạn chế về gia tăng số vụ chống người thi hành công vụ trong năm 2017, cần phân tích xem việc thực thi của các cơ quan đã đúng chưa? Thứ hai là đánh giá xem hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả đến đâu, có đi đến từng người dân không? Theo người đứng đầu Đảng bộ Thành phố Hà Nội đây là nội dung “xưa như trái đất”, thành phố đã bàn và làm rất nhiều nhưng thực tế vẫn con tồn tại. Vẫn còn những cán bộ, công chức có biểu hiện tiêu cực…

Nhấn mạnh các cơ quan Nội chính có vị trí, vai trò quan trọng, là cơ quan thực thi quyền lực, thực thi pháp luật, do vậy, mỗi cán bộ, công chức của Ban Nội chính và các cơ quan trong khối phải tự nhận thức vai trò, trách nhiệm của mình, từ đó phải trau dồi, bồi dưỡng về chuyên môn, chuyên ngành, đạo đức cách mạng để tạo thành một hệ thống vững mạnh… “Các cơ quan nội chính là cơ quan quyền lực, thực thi pháp luật, nếu không gương mẫu, không nhận thức nghiêm túc trách nhiệm của mình dễ dẫn đến lạm quyền, mất lòng tin của người dân” – Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị Ban Nội chính Thành ủy và các cơ quan nội chính cần phối hợp chặt chẽ hơn, có sự liên kết, chia sẻ thông tin chủ động hơn. Phát huy và làm tốt hơn nữa vai trò thường trực của 3 Ban chỉ đạo: Ban Chỉ đạo về giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; Ban chỉ đạo cải cách tư pháp và Ban Chỉ đạo về phòng chống tham nhũng. Đặc biệt, các cơ quan Nội chính quan tâm, đánh giá cơ cấu tội phạm, phân vùng tội phạm của Thành phố để có giải pháp đấu tranh hiệu quả hơn, không để hình thành các ổ nhóm tội phạm mới. Cùng với đó, tập trung xử lý dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng kéo dài.

Theo Bí thư Hoàng Trung Hải, đối với cán bộ trực tiếp tiếp xúc với dân thì phải chọn cán bộ có năng lực, trình độ và khả năng dân vận tốt. Đồng thời phải có cơ chế giám sát đối với cán bộ này để phòng ngừa nguy cơ xảy ra tham nhũng, hạn chế tiêu cực; quan tâm tuyên truyền và đẩy mạnh giáo dục pháp luật hơn nữa đến nhân dân…/.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực