Biến đổi khí hậu: COP 23 nhất trí duy trì cam kết với Hiệp định Paris

Thứ bảy, 18/11/2017 21:20
​Ngày 18/11, Hội nghị lần thứ 23 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 23) tại thành phố Bonn (Bon) của Đức) đã bế mạc sau 2 tuần làm việc. Đại diện gần 200 quốc gia đã nhất trí về việc giữ vững cam kết đối với Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu năm 2015 và khởi động một tiến trình nhằm xem xét lại các kế hoạch hạn chế khí thải nhà kính.

Các nước đồng ý khởi động tiến trình “Đối thoại Talanoa”, theo tiếng Fiji có nghĩa là chia sẻ kinh nghiệm, bắt đầu từ năm 2018 để xem xét lại các kế hoạch giảm thiểu khí thải nhà kính hiện hành nhằm đạt các mục tiêu tham vọng của Hiệp định Paris. COP 23 cũng đã đạt tiến triển trong việc soạn thảo một bộ quy tắc chi tiết thực thi Hiệp định Paris, với mục tiêu chấm dứt việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong thế kỷ 21. Bộ quy tắc này, bao gồm cả cách thức để thông báo và theo dõi lượng khí thải nhà kính của mỗi quốc gia, dự kiến chính thức ra mắt vào tháng 12/2018.

 

Toàn cảnh phiên họp cấp cao của LHQ về biến đổi khí hậu ở Bonn (Đức) ngày 15/11. Ảnh: THX/ TTXVN


Ngoài ra, các nhà đàm phán đã nhất trí trao cho phụ nữ, người dân bản địa và những người có liên hệ với nghề nông một vai trò lớn hơn trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại những bất đồng về tài chính, đặc biệt là sự chia rẽ giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. Các nước đang phát triển yêu cầu một cam kết cụ thể và minh bạch hơn từ các quốc gia phát triển liên quan đến khoản hỗ trợ trị giá 100 tỷ USD/năm cho đến năm 2020 để giúp các nước nghèo hơn phát triển năng lượng sạch và ứng phó tốt hơn với các hậu quả của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các đại diện đến từ các nước phát triển đã từ chối xem xét áp dụng các loại thuế hay các cách thức nào đó nhằm giúp các nước nghèo trang trải những thiệt hại ngày càng lớn mà họ phải hứng chịu do thiên tai./.

 

Theo TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực