Biến thách thức thành cơ hội khi tham gia Hiệp định CPTPP

Thứ hai, 05/11/2018 15:28
(ĐCSVN) – Việc ký kết và phê chuẩn CPTPP sẽ mang lại nhiều cơ hội, song cũng không ít thách thức đối với Việt Nam. Vì vậy, theo các đại biểu Quốc hội, việc quan trọng là phải xây dựng được các cơ chế bảo đảm nâng cao năng lực của cả chính quyền và doanh nghiệp để có thể hiện thực hóa thành công các cơ hội được mở ra.

Sáng 5/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Thảo luận về vấn đề này, đa số các đại biểu tán thành sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP và cho rằng đây là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chất lượng cao và khá toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay. Việc tham gia Hiệp định này là động lực giúp Việt Nam nâng cao nội lực, đa dạng hóa thị trường để ứng phó với các tác động của kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp với chiều hướng bảo hộ thương mại gia tăng của các nền kinh tế lớn. Đồng thời, là cơ sở gia tăng sự tin cậy, tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam thúc đẩy đàm phán, ký kết thành công các Hiệp định thương mại tự do khác.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nộị) phát biểu tại Hội trường. Ảnh: quochoi.vn.

Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, việc Việt Nam gia nhập Hiệp định CPTPP sẽ mang lại nhiều cơ hội quý giá. Việc ký kết và phê chuẩn CPTPP là một quyết định chính trị quan trọng thể hiện bản lĩnh và tầm nhìn xa trông rộng của Đảng và Nhà nước ta vì lợi ích của đất nước.

Tuy nhiên, ĐB Lộc chỉ ra, việc quan trọng hơn là phải xây dựng được các cơ chế bảo đảm nâng cao năng lực của cả chính quyền và doanh nghiệp để có thể hiện thực hóa thành công các cơ hội được mở ra.

Để hiện thực hóa cơ hội, ĐBQH Vũ Tiến Lộc cho rằng: Cải cách cần phải được gia tốc, và những nỗ lực cải cách và hội nhập vẫn phải bắt đầu từ những điều giản dị: Khép lại khoảng cách giữa lời nói và việc làm; kiên trì gỡ bỏ từng giấy phép con, từng thủ tục hành chính đang còn gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp... để không chỉ tiếp tục cởi trói mà còn tiếp sức cho công cuộc khởi nghiệp của toàn dân. Hội nhập nói chung và Hội nhập CPTPP nói riêng, do vậy, trước hết là vấn đề bên trong của nước ta và của mỗi chúng ta!.

“Cùng với việc phê chuẩn, tôi đề nghị Quốc hội giao nhiệm vụ cho Chính phủ xây dựng và triển khai Chương trình hành động bảo đảm thực thi Hiệp định có hiệu quả”, ĐB Vũ Tiến Lộc nói.

Đồng quan điểm, ĐB Lê Thu Hà (Lào Cai) cho rằng: Báo cáo thuyết minh của Chính phủ đã chỉ ra khá nhiều thuận lợi khi Việt Nam tham gia CPTPP. Tuy nhiên, vấn đề đặc biệt, vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là cải cách thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và minh bạch. Đây mới chính là lợi ích lâu dài mà chúng ta tham gia CPTPP.

Chia sẻ với băn khoăn của ĐB Vũ Tiến Lộc, ĐB Lê Thu Hà nhấn mạnh, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh làm động lực để đổi mới và phát triển.

“Tham gia CPTPP không phải chỉ là cuộc chơi của Chính phủ hay các nhà hoạch định chính sách, mà quan trọng nhất chính là lực lượng xung kích doanh nghiệp”, ĐB nói.

Nhất trí với sự cần thiết và ủng hộ QH phê chuẩn Hiệp định CPTPP vì đã bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và Luật Điều ước Quốc tế, song ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) lưu ý: Theo Tờ trình của Chính phủ, tham gia CPTPP sẽ tác động mạnh đến 1 số ngành kinh tế, dự kiến tạo ra mức tăng trưởng lớn nhất đối với các ngành: thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, dệt may, hoá chất… Tuy nhiên, đây là những ngành kinh tế thâm dụng lao động, khó nâng cao năng suất lao động và bảo đảm việc làm bền vững. Do đó, theo ĐB Lợi, việc thúc đẩy tăng trưởng và mở rộng việc làm trong các lĩnh vực này cần phải được đánh giá một cách khách quan trên phương diện là thách thức lớn hơn cơ hội. Trong đó, có thách thức về năng suất lao động, tiền lương thu nhập, khả năng đáp ứng nguồn nhân lực khi lợi thế nguồn nhân lực giảm dần trong bối cảnh già hóa, dân số…

ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cũng cho rằng, khi tham gia CPTPP, doanh nghiệp nước ta cũng phải chịu nhiều thách thức. Hiệp định CPTPP không chỉ đề cập đến lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại mà còn xử lý những vấn đề mới như lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước. Sự cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước tham gia hiệp định mà ngay cả tại thị trường trong nước ở 3 cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia. Tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ phải mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ của các nước đối tác tại thị trường trong nước, đồng nghĩa với doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt hơn tại sân nhà. Điều này sẽ tạo nên không ít áp lực cho hàng hóa Việt Nam trong cạnh tranh với quốc gia khác ngay thị trường trong nước. Hơn nữa, khả năng thích nghi của doanh nghiệp Việt Nam với kinh tế thị trường còn kém nên nguy cơ thất bại của các doanh nghiệp trên chính thị trường nội địa cũng gia tăng. 

Trong khi đó, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nộị) chỉ ra thách thức lớn đối với hàng hóa Việt Nam đó là quy tắc xuất xứ hàng hoá. Ngành dệt may được cho là ngành có lợi thế, nhưng trên thực tế nguyên liệu xuất xứ của Việt Nam lại không nằm trong khối này nên việc tính tiêu chí xuất xứ của nhiều sản phẩm dệt may không đủ điều kiện để tham gia vào khối. Vấn đề đặt ra là Việt Nam phải có lộ trình chủ động nguyên liệu trong nước; hoặc nhanh chóng chuyển từ nhập nguyên liệu từ các quốc gia khác sang nhập nguyên liệu từ các nước tham gia Hiệp định CPTPP để đủ điều kiện quy tắc xuất xứ. Đây là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội tốt để Việt Nam thu hút đối các nhà đầu tư để sản xuất nguyên liệu tạo ra các chuỗi giá trị trong sản xuất trong nước.

Giải trình thêm một số nội dung liên quan, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ, trong quá trình đàm phán Hiệp định, bằng nhiều biện pháp, Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp về hiệp định này. Khi đàm phán xong, Chính phủ cũng đăng toàn văn Hiệp định để người dân và doanh nghiệp góp ý kiến; đồng thời yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá định lượng đối với những chỉ số kinh tế xã hội mà Hiệp định CPTPP mang lại. Chính phủ cũng tham khảo các đánh giá, nghiên cứu của các chuyên gia Ngân hàng thế giới về tác động của hiệp định này đối với các nền kinh tế trong đó có Việt Nam và cho thấy, các lợi ích cốt lõi của Việt Nam đều được đảm bảo.

“Trong quá trình thực thi Hiệp định CPTPP, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành liên quan cập nhật đánh giá tác động đến tổng thể nền kinh tế, cũng như từng lĩnh vực cụ thể để xây dựng giải pháp điều hành phù hợp”, Phó Thủ tướng nêu rõ.../.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực