Bộ máy phình ra sau 5 năm tinh giản

Thứ hai, 30/10/2017 12:45
(ĐCSVN) – Đó là quan điểm của Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) thảo luận tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV sáng nay về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Ảnh: KS)

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, Nghị quyết của Quốc hội về giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016 là việc làm rất cần thiết, đúng định hướng đáp ứng yêu cầu tinh giản biên chế, cải cách tiền lương nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện đề án tinh giản biên chế và nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, biên chế không giảm mà còn phình ra, số lượng Cục, Vụ tăng lên làm tăng gánh nặng tiền lương cũng như gây lãng phí và ảnh hưởng đến đề án tiền lương. Theo báo cáo tổng kết 5 năm về Đề án tinh giản biên chế thì biên chế thì hàng năm vẫn tăng cao trong đó từ năm 2005- 2010 tăng 13,7%, năm 2015 tăng 12,5 %.

Đánh giá cao Báo cáo giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đại biểu Phương cũng đã thẳng thắn nêu thêm một số nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong việc cải cách thời gian qua. Trong đó hệ thống văn bản còn nhiều kẽ hở, bị lợi dụng; một số luật, văn bản ban hành lại phát sinh thêm biên chế. Trong tổ chức thực hiện, từ bộ, ngành đến các tỉnh, thành phố đều thực hiện thiếu nghiêm túc, thậm chí còn tuỳ tiện trong bổ nhiệm, đề bạt, thành lập các Vụ, viện, hình thành một số chức danh không đúng quy định như hàm vụ trưởng, vụ phó.

Bên cạnh đó, quy định của các Bộ là không quá 4 Thứ trưởng, nhưng có Bộ vượt lên đến 9 Thứ trưởng. “Việc làm này dẫn đến tình trạng Trung ương làm được thì tỉnh làm được, tỉnh này làm được thì tỉnh kia làm được, tỉnh làm được thì huyện, xã làm được… từ đó cấp phó tăng nhanh, không chỉ trong các cơ quan nhà nước mà còn cả các cơ quan của Đảng và đoàn thể. Thực tế có những phòng, ban phần lớn là lãnh đạo, thậm chí là lãnh đạo mà không có nhân viên, thế nhưng trong một thời gian dài không có cơ quan nào bị nhắc nhở hoặc phê bình” – Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương dẫn chứng.

Cũng theo ông Phương, hiện chưa có quy định cụ thể nào ràng buộc bao nhiêu biên chế thì có cấp phó; điều kiện như thế nào thì thành lập được các vụ, viện, hoặc bao nhiêu học sinh, bao nhiêu lớp thì được thành lập trường. “Hiện nay, có tình trạng, có những xã có 150 học sinh cũng có một trường. Cứ thành lập ra nhiều trường rồi sinh ra hiệu trưởng, hiệu phó thư viện, kế toán, thiết bị...”- ông Phương nhấn mạnh.

Đại biểu cũng chỉ ra cơ cấu tổ chức bộ máy còn nhiều điểm chưa hợp lý, không xác định rõ vị trí việc làm, phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương. Điều này dẫn đến tình trạng trùng lặp vị trí, vai trò, chức năng giữa Trung ương và địa phương. Ở đây có thể nói cơ cấu, tổ chức đã tạo nên một số lượng cán bộ "sáng xách ô đi, tối xách ô về" chứ không phải họ lười biếng. Cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính địa phương còn nhiều bất cập. Cụ thể hiện nay có 31/63 tỉnh, thành sử dụng biên chế vượt 6.376 biên chế, thậm chí có tỉnh 161 cấp phó, so với thế giới thì đội ngũ công chức, viên chức của nước ta là quá lớn.

Về các giải pháp, đại biểu cho rằng, Chính phủ cần có lộ trình cụ thể về tinh giản biên chế, trong đó bài học nhập và chia tách tại các tổ chức phải được xem xét kỹ lưỡng. Chính phủ cần phải sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn hiệu lực hiệu quả, đặc biệt là giảm các cấp phó và hệ thống Vụ, Cục. Ngoài ra, cần có giải pháp điều chỉnh hợp lý cán bộ thừa; điều chỉnh hệ thống văn bản thống nhất quy định chặt chẽ những chế tài xử lý sai phạm, tránh tình trạng nể nang trong giải quyết./.

 

Kim Sơn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực