Bộ Quốc phòng họp báo quý II năm 2018

Thứ ba, 03/07/2018 15:24
(ĐCSVN) – Ngày 3/7, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng đã tổ chức họp báo quý II năm 2018. Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn; Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Phó Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam; Đại tá Lương Quang Cương, Phó Cục trưởng Cục Dân quân Tự vệ, Bộ Tổng Tham mưu chủ trì họp báo.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn phát biểu tại buổi họp báo

Giới thiệu về Luật Quốc phòng (sửa đổi) năm 2018, Đại tá Lương Quang Cương, Phó cục trưởng Cục Dân quân tự vệ, Bộ Tổng Tham mưu, cho biết: ngày 8/6/2018, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Quốc phòng (sửa đổi). Trên cơ sở kế thừa nội dung, kết quả thực thi Luật Quốc phòng được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 14/6/2005, Luật Quốc phòng năm 2018 đã quán triệt, cụ thể hoá chủ trương, quan điểm mới của Đảng về bảo vệ Tổ quốc; quy định mới về bảo vệ Tổ quốc trong Hiến pháp năm 2013; bổ sung những quy định mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Luật Quốc phòng năm 2018 gồm 7 chương, 40 điều.

Luật Quốc phòng năm 2018 có 15 điểm mới: Bổ sung chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ nhằm xây dựng nền quốc phòng toàn dân, lực lượng vũ trang nhân dân, công nghiệp quốc phòng, an ninh phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quy định mới về mối quan hệ quốc phòng, an ninh phù hợp chủ trương, quan điểm của Đảng và Hiến pháp năm 2013.

Bổ sung các quy định về phòng, chống chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng, phù hợp Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nhị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Quốc phòng Việt Nam và Kết luận số 31KL/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Quân sự Việt Nam.

Quy định mới về phòng thủ quân khu phù hợp Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới, khắc phục những bất cập trong xây dựng và hoạt động phòng thủ quân khu.

Quy định khu vực phòng thủ Thủ đô Hà Nội phù hợp với tính chất nhiệm vụ đặc thù của Thủ đô Hà Nội, phù hợp với Luật Thủ đô.

Bổ sung quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, nhất là bình đẳng giới, phù hợp với Điều 14 của Hiến pháp năm 2013.

Bổ sung quy định xây dựng tiềm lực đối ngoại vào trong xây dựng tiềm lực của khu vực phòng thủ.

Bổ sung qui định đầu tư xây dựng ở địa bàn trọng điểm về quốc phòng phù hợp Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, Kết luận số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Quân sự Việt Nam.

Bổ sung quy trình về Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) bộ, ngành Trung ương, để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Ban CHQS bộ, ngành Trung ương.

Bổ sung quy định về quyền con người, quyền công dân trong thực hiện Lệnh thiết quân luật giới nghiêm phù hợp Hiến pháp năm 2013.

Bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ Quân đội nhân dân.

Bổ sung quy định về bảo đảm nguồn nhân lực, tài chính, tài sản phục vụ quốc phòng, bảo đảm phục vụ quốc phòng trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan.

Bổ sung quy định nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng trong duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, hải đảo, vùng biển, thềm lục địa để thống nhất với Luật Biên giới quốc gia, Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân; phù hợp với 07 nghị quyết và 01 kết luận của Trung ương về nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển thuộc Bộ Quốc phòng.

Bổ sung quy định về nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ, đối ngoại quốc phòng, kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về quốc phòng, phòng thủ dân sự.

Luật hóa một số quy định của một số văn bản dưới luật về quốc phòng, an ninh, phòng thủ dân sự.

Đại tá Lương Quang Cương, Phó Cục trưởng Cục Dân quân Tự vệ, Bộ Tổng Tham mưu cho biết: Thời gian tới, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng sẽ chủ động phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và an ninh, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội rà soát, chỉnh lý kỹ thuật văn bản lần cuối trình Chủ tịch Quốc hội ký; phối hợp với Văn phòng Chủ tịch nước và cơ quan có liên quan chuẩn bị và báo cáo Chủ tịch nước công bố Luật Quốc phòng (sửa đổi); trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai thi hành Luật Quốc phòng, quyết định phê duyệt Đề án tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Quốc phòng (sửa đổi); soạn thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Quốc phòng; các văn bản quy phạm pháp luật cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp Luật Quốc phòng (sửa đổi); in ấn Luật Quốc phòng, các tài liệu liên quan để tuyên truyền, phổ biến Luật Quốc phòng năm 2018; xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn, triển khai Luật Quốc phòng (sửa đổi) trên toàn quốc.

Giới thiệu thành tựu tiêu biểu của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam qua 20 năm xây dựng, phát triển, Phó Chủ nhiệm Chính trị Cục Cảnh sát biển cho biết: (tiền thân của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam) được thành lập ngày 28/8/1998 theo Quyết định số 1069/QĐ-BQP, ngày 28/8/1998 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ngày 28/8/2013, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 15 năm ngày truyền thống; đón nhận huân chương Chiến công hạng Nhất và công bố Nghị định 96 của Thủ tướng Chính phủ về việc đổi tên “Cục Cảnh sát biển” thành “Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển”.

Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, Cảnh sát biển Việt Nam đã có những bước trưởng thành toàn diện, rất quan trọng. Từ Cục Cảnh sát biển trở thành Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, được Đảng, Nhà nước, Quân đội quan tâm đầu tư đào tạo nhân lực trang bị các loại vũ khí, phương tiện hiện đại, đủ khả năng hoàn thành chức năng, nhiệm vụ, khẳng định được vị trí là lực lượng chuyên trách, nòng cốt trong bảo vệ an ninh quốc gia, chủ trì thực thi pháp luật trên biển.

Trong 20 năm qua, Cảnh biển Việt Nam bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo bằng biện pháp pháp luật, dân sự. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng nắm chắc tình hình, tổng hợp, phân tích, dự báo các tình huống có thể xảy ra, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống trên biển; tổ chức hàng nghìn lượt tàu, thuyền làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các hoạt động kinh tế của ta trên biển; tuyên truyền pháp luật, yêu cầu hơn 7.489 tàu nước ngoài vi phạm; 24 lượt/chiếc giàn khoan, tàu khảo sát, nghiên cứu, thăm dò...vi phạm, ra khỏi vùng biển Việt Nam. Tiêu biểu, năm 2014, Cảnh sát biển với tinh thần kiên quyết, dũng cảm, bình tĩnh, khôn khéo, đấu tranh bằng biện pháp pháp luật, mưu trí, sáng tạo, kiên quyết và kiên trì, phối hợp chặt chẽ cùng các lực lượng, nhất là Kiểm ngư và ngư dân đấu tranh, tuyên truyền, yêu cầu giàn khoan Hải dương 981 của Trung Quốc rút khởi vùng biển Việt Nam, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giữ vững chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, giữ được môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước.

Trong đấu tranh trấn áp tội phạm, vi phạm trên biển Cảnh sát biển góp phần quan trọng cùng các lực lượng chức năng khác giữ nghiêm kỷ cương, pháp luật, duy trì an ninh trật tự, an toàn trên biển. Điều tra bắt và xử lý 284 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và phát mại tài sản lên đến hàng nghìn tỉ đồng nộp ngân sách nhà nước..../.

Tin, ảnh: Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực