Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến: Cần tích hợp các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ hai, 13/08/2018 15:27
(ĐCSVN) – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nhiều lần đề nghị cần nghiên cứu tích hợp các chính sách vùng dân tộc thiểu số thành Chương trình mục tiêu Quốc gia với sự chỉ đạo quyết liệt, đầu tư thỏa đáng.
 
Sáng 13/8, trong khuôn khổ Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến.

Toàn cảnh phiên chất vấn. (Ảnh: KT)

Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến đã trả lời về việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục - đào tạo, y tế…), hạ tầng xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; công tác giảm nghèo bền vững.

Giảm nghèo bền vững là vấn đề day dứt, trăn trở

Mở đầu phiên chất vấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nêu vấn đề: Giảm nghèo bền vững là một trong những mục tiêu để đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc còn cao; thu nhập bình quân thấp so với bình quân của cả nước. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng miền. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm của Uỷ ban Dân tộc? Giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên?.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho biết, đây là day dứt, trăn trở của nhiều cấp lãnh đạo và chính bản thân ông. “Số nghèo cả nước cuối năm 2017 là hơn 1.642 ngàn người, trong đó 52,66% là đồng bào dân tộc. Thu nhập bình quân chỉ được 7-8 triệu đồng/người/năm với nhiều nhóm dân tộc ở nhiều vùng.” – ông nói.

Bộ trưởng nhấn mạnh, hỗ trợ giúp đỡ đồng bào là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Ủy ban Dân tộc là cơ quan tham mưu chính, thấy rõ trách nhiệm của mình và sẽ tiếp tục có giải pháp.

Theo đó, trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp chủ yếu về: phát triển cơ sở hạ tầng giao thông; phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc miền núi; tạo sinh kế cho đồng bào; giải quyết ổn định vấn đề đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, kết nối thị trường; tăng cường tuyên truyền vận động để bà con tự hào về nguồn cội, tự tin vào bản thân, tự lực vươn lên không trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước; nghiên cứu tích hợp các chính sách để tập trung chỉ đạo, nguồn lực đầu tư phát triển đồng bào dân tộc thiểu số...

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì điều cần nhất là tích hợp tất cả các chính sách thành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Ví dụ như một người đang uống thuốc chữa bệnh, uống kháng sinh cứ 2, 3 viên nhưng chưa đủ liều nên bệnh kéo dài, có thể dẫn đến mãn tính. Do vậy, lúc này cần nhất là cần chương trình đó, tập trung nguồn lực, tập trung chỉ đạo, có mục tiêu cụ thể, hệ thống tiêu chí đánh giá”.

Trả lời đại biểu Dương Xuân Hoà (Lạng Sơn) về nguyên nhân cơ bản các xã khu vực 3, thôn bản đặc biệt khó khăn giai đoạn trước dù được đầu tư nhưng không giảm mà còn tăng thêm ở giai đoạn sau, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến giải thích, chúng ta có một số thay đổi về chính sách, trong đó có chính sách tiếp cận nghèo đa chiều, nên tỷ lệ nghèo tăng lên. Bên cạnh đó, giai đoạn vừa rồi, chúng ta đưa thêm 2 xã vào diện đầu tư 135. Tuy nhiên, khó nhất là suất đầu tư cho xã, thôn 135 quá thấp (chỉ khoảng 200 triệu 1 năm/thôn; 1 tỷ/xã) nên hiệu quả đầu tư chưa được như mong đợi.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến. (Ảnh: KT)

Tăng vay ưu đãi, giảm cho không

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cũng khẳng định, về tổng thể, chính sách đã bao phủ hầu hết các mặt từ y tế, văn hoá, giáo dục, hạ tầng, sinh kế... Tuy nhiên, việc thực hiện chưa đạt hiệu quả vì có chính sách mới chỉ là khung, định hướng, chưa xác định rõ nguồn lực; có chính sách chưa cân đối hoặc cân đối thấp nên không đạt mục tiêu đề ra. Hơn nữa, chính sách thường kéo dài 5 năm, tương ứng nhiệm kỳ nên giữa hai nhiệm kỳ thì chính sách chưa được triển khai liên tục. Mặt khác, đồng bào sinh sống chủ yếu ở nơi khó khăn về địa lý, khí hậu, thiếu đất sản xuất.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến, chính sách hỗ trợ trực tiếp đã khiến số ít đồng bào dựa dẫm, thậm chí không muốn ra khỏi diện hộ nghèo.

Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng tiếp tục đề cập đến sự cần thiết nghiên cứu tích hợp các chính sách thành Chương trình mục tiêu Quốc gia; hướng tới cơ chế tăng vay ưu đãi, giảm cho không; triển khai "hỗ trợ có điều kiện". Bộ trưởng lấy ví dụ “tôi hỗ trợ anh thì anh phải cam kết phấn đấu 3 năm thoát khỏi hộ nghèo, xã nghèo" và cho biết tỉnh Quảng Ngãi thực hiện rất tốt giải pháp này.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu thực tế qua giám sát và khảo sát cho thấy các chương trình dự án đầu tư cho khu vực dân tộc miền núi có nhiều nội dung chồng chéo, dẫn đến phân tán nguồn lực, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Uỷ ban Dân tộc và giải pháp cho vấn đề trên?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho biết, theo quy định, chúng ta có 13 nhóm chính sách dân tộc phân công cho 14 Bộ chủ trì. “Chính phủ phân công cho các bộ, ngành triển khai, nhưng thực tế khi tổ chức thực hiện thì các bộ chủ yếu xây dựng chính sách và đôn đốc kiểm tra, còn địa phương tập trung triển khai. Do đó, kết quả thực hiện tốt hay chưa tốt có trách nhiệm của Bộ, ngành, của chúng tôi nhưng vai trò chính là ở địa phương”.

Thừa nhận có những chính sách được nhiều Bộ cùng đề xuất như nước sạch, nhưng theo Bộ trưởng, các chính sách không trùng lặp vì sự hưởng lợi khác nhau, không trùng nhau. Tuy nhiên ông cũng cho rằng điều này là không tốt.

Về giải pháp, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến đề nghị: “Nếu tích hợp tất cả các chương trình lại thành Chương trình mục tiêu quốc gia và có ban điều hành, theo dõi, đôn đốc thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều, tránh chồng chéo”.

Mặt khác, Bộ trưởng cho biết, hiện Uỷ ban Dân tộc là cơ quan ngang Bộ, không phải là Bộ nhưng thực hiện quản lý Nhà nước. Do đó, Bộ trưởng mạnh dạn đề xuất, nếu không thành lập được Bộ  thì đề nghị cấp có thẩm quyền để Uỷ ban hoạt động trở lại đúng nghĩa là Uỷ ban, tức có sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, ngành, có một Phó Thủ tướng chủ trì các cuộc họp.

Chiều nay, Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Bộ trưởng Tô Lâm sẽ trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề: Công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp. Công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; tội phạm kinh tế; tội phạm về chức vụ; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm ma túy. Công tác quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán nhà nước, Thống đốc Ngân hàng nhà nước, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực