Bộ trưởng Tư pháp: Thủ tục hành chính là rào cản lớn đối với đầu tư kinh doanh

Thứ năm, 28/12/2017 21:49
(ĐCSVN) – Theo đánh giá chung, thủ tục hành chính (TTHC) vẫn là rào cản lớn đối với các hoạt động đầu tư kinh doanh; cải cách TTHC vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp…

Một số điều kiện đầu tư kinh doanh chưa hợp lý, tạo kẽ hở cho nhũng nhiễu

Chiều ngày 28/12, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, báo cáo về công tác rà soát, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập của các quy định hiện hành về môi trường đầu tư, kinh doanh, các chính sách an sinh xã hội của các bộ, cơ quan, địa phương, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Với mục tiêu Chính phủ đề ra là cắt bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, từ cuối năm 2016, Bộ Tư pháp đã rà soát tập trung vào 4 nhóm nội dung: Các vướng mắc, bất cập phát sinh từ việc thiếu quy định của pháp luật và từ chính các quy định của văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); Các vướng mắc, bất cập của các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh; Các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính; Một số vướng mắc, bất cập liên quan đến thi hành pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. (Ảnh: TH).


Tính đến ngày 20/12/2017 còn 17/37 văn bản quy định chi tiết các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh và 10/21 văn bản quy định chi tiết các luật liên quan đến an sinh xã hội chưa được ban hành.

“Việc chưa kịp ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết có thể tạo “khoảng trống” pháp luật, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, cũng như cho chính công tác quản lý nhà nước. Ngoài ra, pháp luật về đầu tư, kinh doanh còn có một số quy định chồng chéo, chưa đồng bộ; còn thiếu nhất quán, chưa đảm bảo tính ổn định cao”, Bộ trưởng cho hay.

Trong khi đó, Bộ trưởng chỉ ra một số điều kiện đầu tư kinh doanh chưa hợp lý đã làm hạn chế cơ hội gia nhập thị trường, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, năng suất lao động của doanh nghiệp, tạo kẽ hở cho các hành vi nhũng nhiễu. Do đó, yêu cầu đặt ra là cần xem xét cắt giảm, vừa đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, nhất là đối với những ngành nghề đặc thù.

Đáng chú ý, Bộ trưởng cho biết: Theo đánh giá chung, TTHC vẫn là rào cản lớn đối với các hoạt động đầu tư kinh doanh; cải cách TTHC vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức làm công tác giải quyết TTHC có trình độ, năng lực còn hạn chế; còn gây phiền hà, nhũng nhiễu. Trên thực tế, một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn tình trạng duy trì những quy định không hợp lý, hoặc tự đặt thêm thủ tục.

Việc thi hành pháp luật chưa nghiêm, làm phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Một số cán bộ, công chức hiểu và vận dụng quy định pháp luật chưa đúng, còn có biểu hiện lợi dụng một số quy định chưa rõ của pháp luật để gây khó khăn cho doanh nghiệp. Hoạt động theo dõi thi hành pháp luật vẫn còn nhiều hạn chế; việc phản ứng chính sách thông qua theo dõi tình hình thi hành pháp luật vẫn còn chậm, thụ động…

Tập trung sửa đổi, ban hành mới các VBQPPL kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc

Thông tin về kết quả tháo gỡ vướng mắc, bất cập, Bộ trưởng Lê Thành Long nêu rõ: Đến nay, có 31/33 luật đã được lập đề nghị sửa đổi và được Chính phủ thông qua tại Phiên họp tháng 11 và Phiên họp tháng 12/2017;17/19 Nghị định, 01/01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã được trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 7/14 Thông tư đã được ban hành.

Ngoài ra, nhiều bộ, cơ quan ngang bộ cũng chủ động rà soát, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong các quy định trong từng lĩnh vực cụ thể ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh, an sinh xã hội.

Cùng với đó, nhiều bộ, ngành đã chủ động rà soát, lên kế hoạch cải cách điều kiện đầu tư, kinh doanh, theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Năm 2017 được xác định là năm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Nhiều vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp đã được lắng nghe, được các cơ quan nhà nước tháo gỡ với thái độ cầu thị. Công tác theo dõi thi hành pháp luật được chú trọng, gắn với các sự kiện, các “điểm nóng” được dư luận quan tâm và tập trung vào lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.

Trên cơ sở các kết quả đạt được, hạn chế, vướng mắc, Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục xác định xây dựng thể chế, pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; dành nhiều ưu tiên cho việc đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, VBQPPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ năm 2018 để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các VBQPPL kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đã phát hiện.

Chỉ đạo các bộ, ngành quyết tâm thực hiện các chương trình xây dựng VBQPPL, không để xảy ra tình trạng xin rút, hoãn hay nợ đọng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác xây dựng thể chế, pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; tập trung triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tăng cường công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Chỉ đạo các địa phương tiếp tục đổi mới công tác đối thoại, tiếp nhận, xử lý kiến nghị…

Từ ngày Luật Đầu tư có hiệu lực (01/7/2015) đến nay, Bộ Tư pháp đã phát hiện và kiến nghị xử lý 31 văn bản có quy định không phù hợp về điều kiện đầu tư kinh doanh, riêng năm 2017 phát hiện, kiến nghị xử lý 06 văn bản. Đến nay các bộ, ngành, địa phương đã xử lý 26/31 văn bản; còn 05 văn bản chưa được xử lý.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực