Các dự án chậm triển khai trên địa bàn Hà Nội: Mức xử phạt chưa đủ sức răn đe

Thứ hai, 13/08/2018 18:44
(ĐCSVN) – Từ thực tế nhiều dự án nằm trên “đất vàng” trong 4 quận nội thành bị “đắp chiếu” hơn 10 năm, ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội băn khoăn liệu TP chưa quyết liệt, chưa thể hiện trách nhiệm đôn đốc và có quá ưu tiên, nể nang các nhà đầu tư?
Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội đặt câu hỏi tại phiên chất vấn. (Ảnh: TH)

Còn nể nang các nhà đầu tư?

Tại phiên họp giải trình của Thường trực HĐND TP Hà Nội về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố, diễn ra ngày 13/8, các các đại biểu đã tập trung chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Mở đầu phiên giải trình, Thường trực HĐND TP Hà Nội cho phát phóng sự về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn. Tiếp đó, các đại biểu đặt câu hỏi yêu cầu giải trình làm rõ những vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Các đại biểu Trịnh Xuân Quang, Hồ Vân Nga đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội cho biết số lượng dự án cụ thể vi phạm Luật đất đai trên địa bàn là bao nhiêu, nhất là các dự án chậm tiến độ 5-10 năm? Một số đại biểu khác dẫn chứng hàng chục dự án chậm tiến độ, để đất “đắp chiếu” 5-10 năm nay mà chưa bị xử lý như: dự án Văn La-Hà Đông, dự án trường THPT Dân lập Trần Quang Khải (xã Yên Ninh, huyện Thanh Trì), Khu đô thị Mỹ Hưng (Thanh Oai)… Các đại biểu đề nghị với trách nhiệm cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên ngành đất đai của Thành phố, Giám đốc Sở TN&MT cho biết nguyên nhân chính đối với các dự án được giao đất chậm triển khai chậm xử lý theo quy định, giải pháp để sớm đưa đất vào sử dụng hiệu quả như thế nào?

Đại biểu Duy Hoàng Dương đặt câu hỏi, với trách nhiệm là cơ quan tham mưu xử lý vi phạm, việc xử lý vi phạm như hiện nay đã đảm bảo mức răn đe hay chưa? Có bao nhiêu chủ đầu tư thực hiện khắc phục sau xử phạt và có bao nhiêu đơn vị không khắc phục và tiếp tục tái phạm?

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam băn khoăn về việc rất nhiều chủ đầu tư tái phạm dù họ “rất có năng lực” và cũng không vướng mắc gì về quy hoạch, tài chính. Theo đại biểu Nam, ngay trong 4 quận nội thành hiện cũng có những dự án đã chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng 10 năm nay, trở thành điểm trông giữ xe, rất lãng phí… “Phải chăng chúng ta chưa quyết liệt, chưa thể hiện trách nhiệm đôn đốc, nể nang các nhà đầu tư?” Đại biểu Nam đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, sau khi Hà Nội thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính, quy hoạch chung Thủ đô và các quy hoạch phân khu được lập, khiến 240 dự án phải điều chỉnh quy hoạch. Đến năm 2013, Luật Đất đai được thông qua, nhiều chính sách thay đổi tác động lên các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư từ thời điểm trước đó, dẫn đến việc chậm giải phóng mặt bằng các dự án.

Giai đoạn 2012-2015, thị trường bất động sản trầm lắng. Trong khi đó, một số chủ đầu tư không quyết liệt với những thay đổi, không chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các sở, ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, dẫn đến tình trạng nhiều dự án chậm triển khai. Ngoài ra, công tác hậu kiểm của các cấp, ngành thành phố chưa có sự phối hợp chặt chẽ, chưa quyết liệt xử lý khiến tình trạng vi phạm kéo dài trong nhiều năm, gây lãng phí tài nguyên.

Liên quan đến Luật đê điều quy định không xây dựng nhà cao tầng trong khu nội đô cũng một phần ảnh hưởng đến các dự án đã đầu tư trước đây. Về nguyên nhân chủ quan, Giám đốc Sở TN&MT cho rằng, các dự án trên địa bàn sau khi được phê duyệt giao đất, các ngành một số nơi chưa phối hợp hậu kiểm chặt chẽ và chưa quyết liệt xử lý.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hoài Nam đối với các dự án chậm tiến độ, Giám đốc Sở TN&MT cho biết do năng lực tài chính và sự chủ động của các đơn vị. Đối với những đơn vị đã xử lý vi phạm và có kết luận của thanh tra, Sở đã thực hiện công bố công khai các đơn vị này trên cổng thông tin điện tử của Sở và của Bộ TN&MT. Đây là căn cứ để xem xét giao đất chấp thuận dự án đối với các dự án tiếp theo. Vì thế, trong quá trình tham gia liên thông để cho ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án, thì Sở luôn kiểm tra thông tin này. Nếu các đơn vị có vi phạm chưa được khắc phục thì dứt khoát không được chấp thuận dự án mới.

Giám đốc Sở TN&MT TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông giải trình các ý kiến của đại biểu.
(Ảnh: TH)

Về giải pháp, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, với những đơn vị, dự án đã được thanh tra, kiểm tra, xử lý rồi thì Sở sẽ công bố công khai tại Cổng thông tin của Sở, của Bộ để người dân biết.

Đặc biệt, theo quy định của Luật thì việc thực hiện đúng tiến độ các dự án có sử dụng đất chính là một căn cứ để được giao đất, chấp thuận dự án tiếp theo. Do đó, với các dự án chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, Sở TN&MT sẽ tăng cường kiểm tra, nếu chậm khắc phục thì sẽ kiên quyết không cấp dự án mới.

Theo ông Đông, đến nay, Sở TN&MT thành phố đã thực hiện thanh tra, kiểm tra được 215 dự án, qua kiểm tra có 64 dự án đã khắc phục. 151 dự án còn lại thì có 21 dự án đã kiến nghị thu hồi đất và xử phạt; 11 dự án vướng mắc do quy hoạch, giải phóng mặt bằng; 30 dự án do thanh tra các ngành tiến hành thanh kiểm tra; 89 dự án khác Sở đang tiếp tục tiến hành thanh kiểm tra, dự kiến trong quý III này sẽ hoàn thành việc kiểm tra, xử lý…

Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh, về việc xử lý thu hồi đất, nếu các dự án đã bị kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng sau 24 tháng vẫn tiếp tục vi phạm thì sẽ thu hồi đất. Tuy vậy, việc thu hồi này thực hiện theo Luật Đất đai 2013 cũng rất khó khăn. Quan điểm là với các dự án sử dụng đất chậm tiến độ 5-10 năm thì sẽ không gia hạn nữa. Thời gian tới Sở sẽ ra quân xử lý nghiêm, trừ những trường hợp bất khả kháng.

Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết thêm, với quy định về xử phạt các dự án chậm tiến độ như trên, Luật Đất đai năm 2013 và các quy định của Chính phủ quy định với Thủ đô được xử phạt tới 1 tỷ đồng với 1 dự án, là mức cao nhất. Quả thực với tình hình Thủ đô hiện nay thì mức này chưa đủ sức răn đe. Nên tới đây Sở sẽ cùng các ngành nghiên cứu dự thảo quy định để báo cáo UBND TP, HĐND TP để nâng mức xử phạt theo quy định của Luật Thủ đô lên gấp đôi.

Cần có giải pháp mạnh hơn với các chủ đầu tư chậm triển khai dự án

Liên quan đến trách nhiệm quản lý đầu tư các dự án, các đại biểu HĐND TP Hà Nội cũng đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP làm rõ nguyên nhân và biện pháp khắc phục những tồn tại hạn chế trong một số các dự án liên quan đến dân sinh.

Có đại biểu cho rằng, có nhiều dự án đã có chủ trương đầu tư, nhiều dự án được TP giao cho nghiên cứu lập dự án đầu tư nhưng đến nay tiến độ triển khai rất chậm. Điều này dẫn đến nhiều hộ dân thuộc phạm vi quy hoạch dự án không được thực hiện cải tạo điều chỉnh, sửa chữa nhà ở, nhiều khu đất trống, bỏ hoang, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Đại biểu cũng đề nghị TP có giải pháp để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án này theo quy hoạch?

Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền giải trình các ý kiến của  đại biểu. (Ảnh: TH)

Đại biểu Hoàng Thị Tú Anh cho biết, tại quận Nam Từ Liêm qua giám sát có 48 dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai, trong đó 6 dự án xây trường học, trung tâm dạy nghề và 4 dự án xây bệnh viện. Tuy nhiên đến nay hầu hết chưa được thực hiện giải phóng mặt bằng hoặc đã giải phóng mặt bằng nhưng còn để đất quây tôn. Vậy đề nghị Chủ tịch UBND quận cho biết nguyên nhân, trách nhiệm quản lý nhà nước của quận; đề xuất với TP, quan điểm, giải pháp của quận trong thời gian tới?

Trả lời ý kiến của các đại biểu HĐND TP, Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho hay, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các dự án chậm triển khai, chậm tiến độ nhiều năm liền. Đó là việc rà soát, hoàn thiện và điều chỉnh lại quy hoạch từ quy hoạch chung Thủ đô đến các quy hoạch phân khu sau thời điểm Hà Nội mở rộng. Ngoài ra, sự thay đổi của các cơ chế, chính sách cũng là một nguyên nhân.

Cũng theo Giám đốc Nguyễn Mạnh Quyền, giai đoạn 2012- 2017, sự suy giảm của thị trường bất động sản khiến một số chủ đầu tư không hào hứng trong triển khai dự án hoặc khó khăn trong triển khai dự án. Với nhóm nguyên nhân này, Sở KH&ĐT đang cùng các cơ quan liên quan rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp hoặc có giải pháp mạnh hơn với các chủ đầu tư chậm triển khai…

Về giải pháp cụ thể, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, sau phiên giải trình này, Sở KH&ĐT  sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá từng nhóm dự án để có giải pháp. Sở sẽ tiếp tục đôn đốc nhà đầu tư, tăng cường thanh kiểm tra, xây dựng rõ quy trình nội dung, gắn trách nhiệm cụ thể của các ngành các cấp. Ông Quyền cũng nhấn mạnh đến việc phối hợp, liên thông cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan liên quan như Sở TN&MT, Sở KH&ĐT, Cục Thuế.... để xem xét và rà soát các dự án tốt hơn.

"Qua quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, chúng ta đã xây dựng cơ bản đầy đủ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở nội dung này. Tuy nhiên, thực tiễn việc triển khai thực hiện dự án, qua giám sát, đánh giá cho thấy, chưa có sự rõ ràng, đồng bộ thành hệ thống xuyên suốt. Do đó, tới đây, Sở sẽ tiếp tục tham mưu thành phố xây dựng rõ quy trình, gắn trách nhiệm từng khâu" - Giám đốc Sở KH&ĐT nêu.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ hoàn thiện việc xây dựng phần mềm, kho dữ liệu để theo dõi tổng thể, xuyên suốt từng dự án bởi nếu từng đơn vị, sở, ngành thực hiện riêng lẻ thì sẽ rất khó khăn.

Cũng tại phiên giải trình, lãnh đạo một số quận, huyện như Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Thanh Trì... đã trả lời chất vấn của các đại biểu về tình trạng các dự án chậm triển khai trên địa bàn, nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể và giải pháp khắc phục trong thời gian tới…/.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực