Các tầng lớp phụ nữ đóng góp không nhỏ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội

Thứ bảy, 02/06/2018 22:29
(ĐCSVN) - Phát biểu tại buổi giao lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: 70 năm qua, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rất nhiều phong trào thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân đã ghi dấu ấn trên mọi mặt trận, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các tầng lớp phụ nữ.

Ngày 2/6, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức gặp mặt, giao lưu các nữ anh hùng, nữ điển hình tiêu biểu nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 -  11/6/2018). Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương tới dự.

Phát biểu tại buổi giao lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, 70 năm qua, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rất nhiều phong trào thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân đã ghi dấu ấn trên mọi mặt trận, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các tầng lớp phụ nữ.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh: Chúng ta vô cùng khâm phục, biết ơn tinh thần chiến đấu anh dũng, hi sinh quên mình góp phần thống nhất non sông đất nước, sự cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, kiến thiết đất nước của biết bao người bà, người mẹ, người chị, người vợ, người con trên khắp mọi miền đất nước.


Quang cảnh buổi gặp mặt, giao lưu các nữ anh hùng, nữ điển hình tiêu biểu. (Ảnh: Minh Châu)

Bước sang thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các tầng lớp phụ nữ vẫn tiếp tục phát huy truyền thống thi đua yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, năng động, sáng tạo, trí tuệ, bản lĩnh, vượt qua khó khăn, thách thức để trở thành những người phụ nữ đảm đang, trung hậu, những nhà lãnh đạo nữ, nhà khoa học, thầy thuốc, nhà giáo, nghệ nhân, nghệ sĩ xuất sắc trên nhiều lĩnh vực.

Tại buổi giao lưu, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại những kỷ niệm, những câu chuyện về “đội quân tóc dài” huyền thoại, với phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”, phong trào “5 tốt”, phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; cùng chia sẻ những những bài học kinh nghiệm để truyền ngọn lửa, đam mê, cống hiến với cộng đồng và cùng lắng nghe những điển hình tiên tiến kể về quá trình nỗ lực phấn đấu, vượt qua biết bao khó khăn, thử thách.

Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Tám (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) cho biết, cô bắt đầu tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi, trở thành nữ biệt động thành phố Đà Nẵng khi mới 16 tuổi và cùng đồng đội vượt qua nhiều thử thách trong những tháng năm khốc liệt.

Cô Tám tâm sự, dù cuộc sống hiện tại còn khó khăn và bị những vết thương chiến tranh hành hạ, nhưng cô và đồng đội vẫn thường xuyên đến các buổi tọa đàm, hội họp, lễ kỷ niệm của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, tới các trường học để tuyên truyền về truyền thống cách mạng quê hương, thắp lên ngọn lửa yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong lòng thế hệ trẻ; tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương, xây dựng phong trào phụ nữ của xã, phường, thôn xóm...


Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chúc mừng các điển hình tại cuộc giao lưu. (Ảnh: Minh Châu)

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Cộng đồng Kotam, tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thị Ngọc Anh được chọn là một trong số điển hình tiến tiến được tuyên dương lần này. Công ty của chị đã tạo việc làm cho gần 100 người dân địa phương, trong đó 2/3 là nữ, 62% là người dân tộc Êđê với mức thu nhập ổn định; 100% công nhân được bảo đảm các chế độ bảo hiểm; được trang bị quần áo bảo hộ lao động, được đi du lịch hằng năm.

Với hơn 20 năm gắn bó và thành công trong lĩnh vực kinh doanh cà phê và trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu cà phê sang rất nhiều nước, chị Ngọc Anh cho rằng, bên cạnh mục đích kinh doanh, việc bảo vệ môi trường, bản sắc văn hóa dân tộc là rất quan trọng. Chị luôn mong mỏi tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giới thiệu các đặc sản, sản phẩm quê hương ra với thế giới.

Hay dịch giả, nhà văn Nguyễn Bích Lan, người đã bất chấp nỗi đau của căn bệnh loạn dưỡng cơ để trở thành một dịch giả, nhà văn chuyên nghiệp với hơn 30 tác phẩm được bạn đọc yêu thích, trong đó, tự truyện “Không gục ngã” của chị đã truyền ý chí và nghị lực vượt lên nghịch cảnh cho rất nhiều bạn trẻ và tác phẩm “Triệu phú khu ổ chuột” do chị dịch đã nhận giải thưởng Dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam.

Buổi giao lưu có 124 đại biểu nữ, trong đó có 2 nữ Anh hùng lực lượng vũ trang, 12 nữ Anh hùng Lao động và 110 nữ điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Cao tuổi nhất là bác Phạm Thị Vách, 78 tuổi, tỉnh Hưng Yên, là kiện tướng trên công trường Bắc - Hưng - Hải, Anh hùng Lao động trước đổi mới, hai lần được Bác Hồ tặng Huy hiệu. Đại biểu nhỏ tuổi nhất là em Nguyễn Lê Cẩm Huyền, 11 tuổi, vận động viên môn Cờ vua tỉnh Quảng Ninh, với 6 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc tại các giải thi đấu Cờ vua Thế giới, châu Á và toàn quốc, đặc biệt là 1 Huy chương Vàng thế giới./.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực