Cần quy trình tố tụng đặc biệt đối với tội xâm hại tình dục trẻ em

Thứ ba, 05/06/2018 20:56
(ĐCSVN) – Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, cần quy trình điều tra, xét xử đặc biệt đối với vụ án xâm hại tình dục trẻ em để việc điều tra, xét xử loại án này kịp thời, hiệu quả hơn.

Chiều ngày 5/6, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), nhiều đại biểu Quốc hội ghi nhận khó khăn của các cơ quan tư pháp trong chứng minh tội phạm các trường hợp xâm hại tình dục trẻ em, song cho rằng cũng có những vụ rõ ràng là thiếu tích cực.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga ( ĐBQH Thái Nguyên) chỉ rõ, chỉ khi báo chí, dư luận lên tiếng và Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước chỉ đạo thì các cơ quan tư pháp mới vào cuộc

"Vụ cháu bé ở Cà Mau, Thủ tướng phải có ý kiến, vụ Nguyễn Khắc Thủy (Bà Rịa – Vũng Tàu) thì Chủ tịch nước phải có ý kiến. Vậy với các vụ không có ý kiến chỉ đạo thì sao?", Chủ nhiệm Lê Thị Nga đặt vấn đề.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho hay, nhiều câu chuyện buồn khi xảy ra rồi chúng ta mới tố cáo, điều tra. Trong khi chúng ta có 17 cơ quan phụ trách vấn đề này chứ không riêng Bộ LĐ-TB&XH nhưng gia đình có các em nhỏ bị xâm hại lại rất đơn độc…

Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra rất bức xúc. Trong 5 tháng đầu năm 2018, các vụ xâm hại tình dục chiếm tới hơn 84% vụ án loại này. Diễn biến xâm hại tình dục rất phức tạp, không chỉ là trẻ em gái, trẻ em trai cũng bị xâm hại, không chỉ người Việt Nam mà người nước ngoài vào Việt Nam cũng phạm tội; thậm chí người nước ngoài vào Việt Nam lợi dụng quan hệ nuôi dưỡng thực hiện hành vi xâm phạm

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. (Ảnh: TH).

Lý giải nguyên nhân thời gian qua số vụ xâm hại trẻ em chưa giảm, Bộ trưởng cho biết do việc tố cáo xâm hại còn chậm nên công tác điều tra khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ khó khăn, nhiều vụ không thu thập được, ảnh hưởng đến điều tra xử lý.

Việc này có tính nhạy cảm nên gia đình, nạn nhân không tố giác, nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian dài, liên tục nhưng gia đình và nạn nhân không hợp tác cung cấp chứng cứ cho cơ quan điều tra. Hầu hết các vụ xâm hại tình dục trẻ em không có nhân chứng trực tiếp, trẻ em bị xâm hại còn nhỏ tuổi, năng lực hạn chế, tâm lý dễ bị tác động, hoảng loạn tinh thần nên khai báo không chính xác, một số khai báo không thống nhất, theo sự hướng dẫn của cha mẹ nên khó khăn trong công tác điều tra. Trong khi đó, việc đánh giá chứng cứ giữa các cơ quan tố tụng nhiều khi chưa thống nhất dẫn đến kéo dài, thậm chí không xử lý…

Bộ trưởng khẳng định luật pháp quy định rất chặt chẽ về vấn đề này. Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định 5 tội rõ ràng, Bộ luật Hình sự 2015 quy định 6 tội rất rõ ràng, với hành vi quy định cụ thể với mức án rõ ràng.

Để nhằm ngăn chặn, hạn chế  loại tội phạm này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, trong thời gian tới cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật trong nhân dân về xâm hại tình dục. Phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT, các cơ quan chức năng  liên quan, cơ quan  bảo vệ pháp luật xử lý tin báo tố giác tội phạm, thiết lập các đường dây nóng; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn xâm hại tình dục trẻ em.Tăng cường giáo dục lối sống, đạo đức, tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng. Tiếp tục chấn chỉnh việc xử lý tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm, tăng cường vận động quần chúng nhân dân tố giác tội phạm.

“Chúng tôi đề nghị cần quy trình điều tra đặc biệt, quy trình xét xử đặc biệt với các vụ việc liên quan các vụ án xâm hại tình dục trẻ em”, Bộ trưởng nói. 

Bộ trưởng Tô Lâm thông tin thêm: Cơ quan điều tra Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) đã thống nhất quy trình hướng dẫn  đang chờ Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đưa ra Ủy ban tư pháp của Quốc hội hướng dẫn thực hiện để việc điều tra, xét xử loại án này kịp thời hơn

Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí. (Ảnh: TH).

Mặt khác, tập trung hướng dẫn, đào tạo lực lượng trực tiếp đấu tranh đối với loại tội phạm này; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phối hợp với các nước ngăn chặn các loại tội phạm này vào Việt Nam.

Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cho biết, đây là vấn đề gây bức xúc trong đời sống xã hội. Trong 6 tháng đầu năm 2018 đã khởi tố 701 vụ,  truy tố 753 vụ (do tồn cũ )tương ứng 805 bị can, đã đưa ra xét xử 648 vụ/690 bị can.

Viện trưởng VKSNDTC khẳng định, để xử lý vấn đề này cần bảo đảm tính đồng bộ từ quyết tâm chính trị hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm yêu cầu cuộc đấu tranh không chỉ dừng lại quyết tâm, cần cả sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, tuyên truyền giáo dục kỹ năng cho các em, xử lý nghiêm minh, răn đe kịp thời các đối tượng xâm hại trẻ em.

Về mặt cá nhân, Viện trưởng nói ông nhận thức bảo vệ trẻ em bảo đảm xử lý đồng bộ từ phòng ngừa đến xử lý nghiêm, kịp thời xử lý tất cả các hành vi xâm hại trẻ em, chứ không chỉ riêng xâm hại tình dục.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình. (Ảnh: TH).

Liên quan đến vấn đề này, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình mong muốn “phải làm sao để các cơ quan tố tụng thất nghiệp vì không còn những vụ việc như vậy xảy ra nữa”.

Chánh án cho biết: Theo thống kê từ 2013-2017, TAND  đã giải quyết 8.100 tội phạm xâm hại tình dục trẻ em với 5 loại tội danh khác nhau. 93% số vụ xâm hại tình dục trẻ xử đúng người đúng tội, hơn 6% trả hồ sơ điều tra bổ sung, hủy sửa, tỉ lệ tuy không nhiều nhưng đã gây bức xúc xã hội, đòi hỏi phải hạ tỷ lệ này xuống.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay, các vụ xâm hại trẻ em không khó khăn trong quá trình xét xử, nhưng gặp nhiều khó khăn trong điều tra, thu thập chứng cứ xét xử, vì không có người làm chứng, khi vụ việc xảy ra rất lâu mới trình báo, do tâm lý xã hội gia đình ngại không khai báo, che giấu; gia đình từ chối giám định,.../.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực