Cần thay đổi cách truyền thông về bệnh sốt xuất huyết

Thứ sáu, 19/07/2019 20:18
(ĐCSVN) – Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, để phát huy hiệu quả trong công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết, các cơ quan báo đài cần nghiên cứu sao cho truyền thông một cách đa dạng, phong phú và linh hoạt, đáp ứng tập quán sinh hoạt của vùng miền...

Cả nước ghi nhận trên 80.000 ca sốt xuất huyết

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Chi Mai)

Ngày 19/7 tại Viện Pasteur, TP.Hồ Chí Minh, Bộ Y tế  tổ chức tại hội nghị Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết năm 2019.

Theo Bộ Y tế, tính đến tháng 7/2019, cả nước có hơn 96.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018. Các địa phương có số ca mắc SXH tăng cao là Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP.HCM, Bạc Liêu, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…

Đáng lo ngại, TP.HCM là địa phương có số ca mắc SXH cao nhất cả nước với 27.153 ca, tăng 166,7% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Tương tự, tỉnh Đồng Nai cũng có số ca mắc SXH cao, chỉ 6 tháng đầu năm 2019, Đồng Nai đã ghi nhận 5.093 ca mắc, cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Muỗi gây bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn cái, thường trú đậu ở các góc, xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Đây là loại muỗi thường đẻ trứng, sinh sản chủ yếu ở dụng cụ chứa nước sạch trong và xung quanh nhà như, bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa.... Loại muỗi này không đẻ ở ao tù, cống rãnh. Đặc biệt, muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình trên 20 độ C.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, “85% số người dân bị sốt xuất huyết ở thể nhẹ, chỉ có 5% người dân bị sốt xuất huyết nặng, thế nhưng, năm nào cũng vậy, cứ đến mùa dịch, tại các bệnh viện, người bệnh nằm la liệt khắp nơi, gây ra tình trạng quá tải bệnh viện. Mấu chốt là làm truyền thông chưa tốt, khiến người dân chưa hiểu đúng về bệnh sốt xuất huyết nên cứ có biểu hiện là vào bệnh viện nằm. Đáng lưu ý có những người bệnh khi mới nhập viện thì phân độ nhẹ, nhưng trong quá trình theo dõi điều trị bệnh chuyển độ đột ngột, sốc nặng, và bị lây chéo sang các bệnh khác do thời gian nằm viện kéo dài."

Bộ trưởng Bộ y tế đề nghị, các Sở Y tế theo dõi sát sao quy trình khám, điều trị đối với người bệnh sốt xuất huyết; bố trí khu khám sàng lọc linh hoạt để đáp ứng tình hình dịch; bố trí nhân lực có kinh nghiệm để khám phân loại, sàng lọc nhanh; đồng thời, đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức, chỉ đạo tuyến và hỗ trợ tuyến dưới phòng chống dịch bệnh hiệu quả.

Về truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, năm nào cũng truyền thông số ca mắc bệnh tăng cao, bệnh viện quá tải,….không giải quyết được vấn đề gì mà ngược lại làm cho người dân hoang mang, lo lắng. Vì vậy, năm nay các cơ quan báo đài cần thay đổi phương thức truyền thông, nên truyền thông nguyên nhân mắc bệnh và các biện pháp phòng chống hiệu quả… Còn trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần nghiên cứu sao cho truyền thông một cách đa dạng, phong phú và linh hoạt, đáp ứng tập quán sinh hoạt của vùng miền, như: Miền Bắc người dân hay xem chương trình VTV, miền Nam thường xem kênh HTV, truyền hình Vĩnh Long, Cần Thơ… còn các vùng dân sống trong kênh rạch thường nghe đài… Vậy nên, phải thông qua phương thức tiếp cận thông tin này để tiến hành truyền thông thì mới phát huy hết hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Tại hội nghị, ông Vũ Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng (Bộ Y tế) cho biết, một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh sốt xuất huyết là các chiến dịch ra quân diệt lăng quăng, bọ gậy, muỗi trưởng thành tại gia đình và cộng đồng đang mang tính hình thức và chưa được duy trì thường xuyên và bền vững.

Về biện pháp phòng dịch, Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân nên đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá...; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.  Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà./.

Chi Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực