Chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa để bảo vệ môi trường

Chủ nhật, 22/04/2018 10:20
(ĐCSVN) - Làm sạch bãi biển, phân loại rác thải vô cơ/hữu cơ, đổi rác thải sinh hoạt lấy các sản phẩm tái chế từ nhựa, giáo dục nâng cao nhận thức về giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các hoạt động vui chơi, triển lãm các hoạt động bảo vệ môi trường…

Đó là những hoạt động hưởng ứng Ngày Trái đất 2018 do Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với UBND quận Sơn Trà (Đà Nẵng) tổ chức.

Sáng sớm 22/4, đông đảo người dân địa phương, tình nguyện viên và sinh viên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có mặt để hưởng ứng Ngày Trái đất 2018 với chủ đề "Chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa". 


Lễ hưởng ứng Ngày Trái đất 2018 với chủ đề "Chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa".

Đây là năm thứ bảy liên tiếp CECR tổ chức sự kiện hưởng ứng Ngày Trái đất, và lần đầu tiên tại Đà Nẵng, với nội dung: hãy thay đổi hành vi của chúng ta trong việc xả rác, không xả rác bừa bãi, không xả rác xuống sông biển của chúng ta, hãy cùng nhau từ chính bản thân chúng ta, gia đình chúng ta giảm thải rác nhựa bằng cách giảm thiểu sử dụng túi ni lông, hãy góp nhặt, phân loại rác còn sử dụng được để đưa vào tái chế, hãy áp dụng các mô hình giảm thiểu rác thải hữu cơ và làm phân hữu cơ tại gia đình cho các vườn rau xanh của mình.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ Dự án “Đại dương không nhựa: Chương trình thu gom, phân loại và tái chế nhựa vì một cộng đồng khoẻ mạnh và thành phố xanh”, giúp hiện thực hóa mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành “thành phố xanh và thông minh”, đóng góp quan trọng trong chiến lược quản lý chất thải rắn tại Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Một bức tranh của sinh viên thành phố Đà Nẵng trưng bày tại sự kiện (Ảnh: Anh Tuấn)

Được thực hiện từ tháng 01/2018 tới tháng 4/2019 với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Dự án nhằm mục tiêu xây dựng mô hình phân loại rác thải sinh hoạt dựa vào cộng đồng, thúc đẩy tái chế và tái sử dụng rác thải nhựa, nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn của thành phố, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa vào biển, được thực hiện tại hai quận Sơn Trà và Thanh Khê trên cơ sở hợp tác với các cơ quan quản lý môi trường quận, các chi hội phụ nữ phường, các trường đại học trên địa bàn, triển khai các lớp tập huấn cộng đồng.

Từ năm 2009, Ngày Trái đất 22/4 đã trở thành sự kiện môi trường được cả thế giới tổ chức, kêu gọi sự tham gia tích cực của mỗi người để bảo vệ hành tinh.

Giật mình những con số “biết nói”

2050: lượng rác thải nhựa trong biển có thể còn nhiều hơn cả các loài cá

700: số loài sinh vật biển đang gặp nguy hiểm hoặc tuyệt chủng do ô nhiễm rác thải nhựa

620%: lượng sản phẩm nhựa được sản xuất tăng trong vòng 30 năm qua

300 triệu tấn: sản phẩm nhựa được sản xuất mỗi năm

10%: số sản phẩm nhựa sau khi sử dụng được tái chế đúng cách, phần lớn kết thúc vòng đời ngoài bãi rác và môi trường tự nhiên (đất, nước)

8,8: số tấn rác thải nhựa chìm xuống đại dương mỗi năm

270.000: số tấn rác thải nhựa trôi nổi trên mặt biển
(Nguồn: CECR, 4/2018)

Danh sách 10 quốc gia thải rác nhựa ra biển nhiều nhất

Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Việt Nam, Sri Lanka, Thái Lan, Hy Lạp, Malaysia, Nigeria, và Bangladesh

(Nguồn: CECR, 4/2018)

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực