Chi phí quản lý BHXH giai đoạn 2019-2021 sẽ giảm dần

Thứ ba, 15/05/2018 21:49
(ĐCSVN) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với tờ trình của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện cơ chế tiền lương bằng 1,8 lần quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành bảo hiểm xã hội.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 24, chiều 15/5, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng bảo hiểm xã hội năm 2017; xem xét báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 1083/2015/UBTVQH13 về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) giai đoạn 2016-2018, việc ngân sách Nhà nước chuyển kinh phí vào Quỹ bảo hiểm xã hội và xem xét, quyết định mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019-2021.

Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: quochoi.vn)

Tại phiên họp, Chính phủ đề nghị tiếp tục thực hiện cơ chế tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an, người lao động thực hiện chính sách BHTN của ngành lao động - thương binh và xã hội bằng 1,8 lần so với chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do nhà nước quy định tới hết năm 2020.

Từ năm 2021, khi nhà nước ban hành chế độ tiền lương mới theo lộ trình cải cách tiền lương thì sẽ thực hiện theo chế độ tiền lương mới.

Báo cáo thẩm tra nội dung báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2016 - 2018 và đề xuất chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019 - 2021, do Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình tại phiên họp nêu rõ, việc áp dụng mức chi tiền lương bằng 1,8 lần đã tạo điều kiện khuyến khích, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đời sống cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm công tác BHXH, tạo động lực gắn bó với ngành trong bối cảnh áp lực công việc ngày càng gia tăng.

Theo đó, mức bình quân thu nhập toàn ngành BHXH giai đoạn 2016 - 2018 đạt 8,86 triệu đồng/người/tháng (giai đoạn 2012 - 2015 bình quân 7 triệu đồng/người/tháng).

Tăng 1.385 tỉ đồng chi phí quản lý Bảo hiểm xã hội năm 2017

Cũng theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, kết quả thực hiện chi phí quản lý BHXH các năm 2016, 2017 tuy bảo đảm tỉ lệ theo quy định nhưng mức tiền đều tăng so với dự kiến chi phí quản lý được Chính phủ trình, cụ thể: Năm 2016 tăng 6,2% (612 tỉ đồng); năm 2017 tăng 13% (1.385 tỉ đồng); dự kiến năm 2018 tăng 21% (2.403 tỉ đồng). Điều này cho thấy, việc dự báo đối tượng tham gia và đối tượng thụ hưởng chưa sát với những thay đổi chính sách đã được quy định trong Luật BHXH 2014.

Bên cạnh đó, báo cáo chưa thể hiện rõ mối quan hệ giữa cải cách thủ tục hành chính và việc giảm chi phí quản lý, trong đó có việc giảm thời gian thực hiện các thủ tục kê khai tham gia, nộp tiền đóng đã giảm từ 335 giờ xuống chỉ còn 45 giờ.

Cùng với đó, theo cơ quan thẩm tra, khi xây dựng nhu cầu chi phí quản lý BHXH giai đoạn 2016 - 2018 chưa dự báo một số chi phí lớn để triển khai một số nhiệm vụ mới phát sinh theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; một số nội dung chi được dự toán chưa sát, có sự chênh lệch lớn, BHXH Việt Nam phải sắp xếp kinh phí trong phạm vi dự toán được giao để bảo đảm nguồn lực thực hiện nhiệm vụ.

Từ đó, Ủy ban các vấn đề xã hội đề xuất Chính phủ rà soát các thông tin về dự báo phát triển đối tượng, khắc phục tình trạng dự báo không sát với khối lượng công việc thực tế; cân nhắc bổ sung dự báo về các yếu tố có tác động lớn tới thu, chi BHXH, BHTN gắn với định hướng cải cách chính sách tiền lương, cải cách BHXH.

Về mức chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm y tế, BHTN giai đoạn 2019-2021, trên cơ sở thống nhất với đề xuất của Chính phủ về nhu cầu chi phí quản lý từng năm và cả giai đoạn 2019 – 2021 được tính trên cơ sở dự toán, có hai loại ý kiến về phương thức giao chi phí quản lý và mức chi phí quản lý.

Loại ý kiến thứ nhất, đa số ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ, quy định chi phí quản lý BHXH, BHTN giai đoạn 2019-2021 tính trên tổng thu và chi và quy định: Mức chi phí quản lý BHXH, BHTN năm 2019 bằng 2,15%; năm 2020 bằng 2,0%; năm 2021 bằng 1,85% dự toán thu, chi BHXH, BHTN (trừ số chi đóng BHYT cho người hưởng BHXH). Bình quân giai đoạn này bằng 2,0% tính trên dự toán thu, chi BHXH, BHTN, giảm 13% so giai đoạn 2016-2018.

Loại ý kiến thứ hai, đề nghị xác định chi phí quản lý chỉ tính trên dự toán thu BHXH, BHTN.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban thống nhất với phương án đề xuất của Chính phủ.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, đối với đề xuất chi phí quản lý giai đoạn 2019 – 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị, Chính phủ cần quan tâm bảo đảm gắn hiệu quả sử dụng chi phí quản lý với kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hằng năm. Ngoài ra, các cơ quan cần sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ và củng cố niềm tin của nhân dân vào vai trò trụ cột của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với an sinh xã hội.

Về phương thức giao chi phí quản lý và mức chi phí quản lý, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với đề xuất của Chính phủ, quy định chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019-2021 tính trên tổng thu, chi. Theo đó, mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp năm 2019 bằng 2,15%; năm 2020 bằng 2,0%; năm 2021 bằng 1,85% dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (trừ số chi đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng bảo hiểm xã hội). Bình quân giai đoạn này bằng 2,0% tính trên dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, giảm 13% so với giai đoạn 2016-2018. Các đại biểu đề nghị trong trường hợp việc thực hiện thu, chi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trong năm không đạt dự toán, thì phải cắt giảm chi tiêu, tiết kiệm kinh phí tương ứng, bảo đảm chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không vượt quá mức trích tính trên số thực thu, chi.

Bên cạnh đó, UBTVQH nhất trí mức tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an, người lao động thực hiện chính sách BHTN của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội bằng 1,8 lần so với chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định. Trường hợp Nhà nước ban hành chế độ tiền lương mới theo lộ trình cải cách tiền lương thì thực hiện theo chế độ tiền lương mới.

Ngoài ra, UBTVQH cũng yêu cầu, tiếp tục coi trọng công tác tuyên truyền theo nghị quyết Trung ương về thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN; coi trọng hiện đại hoá công tác quản lý BHYT để giảm chi phí khác; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán với quỹ BHYT...; quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư xây dựng cơ bản, trang bị thiết bị hiện đại để việc giao dịch, tiếp xúc với người dân nhanh và hiệu quả hơn.

Thông qua nghị quyết thành lập Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc

Cũng trong chiều 15/5, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập Tòa án nhân dân thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc; Nghị quyết về việc thành lập Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, với 100% số phiếu tán thành./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực