Đảng, Nhà nước làm hết sức mình để bảo hộ công dân

Thứ ba, 05/11/2019 21:39
(ĐCSVN) - Chiều tối ngày 5/11, ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2019, đã diễn ra buổi họp báo Chính phủ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, mở đầu phiên họp Chính phủ hôm nay, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân gia đình các nạn nhân; Chính phủ cam kết sẽ nỗ lực làm hết sức mình để chia sẻ nỗi đau thương, mất mát to lớn này.

Đây vụ việc rất đau lòng, gây bàng hoàng cho người thân, gia đình các nạn nhân cũng như nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Ngay khi sự việc xảy ra, từ Nhật Bản, ngày 25/10, Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan làm rõ nguyên nhân, điều tra, có biện pháp cần thiết phối hợp với phía Anh trong quá trình xử lý, giải quyết vụ việc. Vừa qua, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã trực tiếp họp với các cơ quan về các biện pháp xử lý tiếp theo. Ngày 3/11, Bộ Ngoại giao đã cử Thứ trưởng Tô Anh Dũng, Bộ Công an cũng cử đoàn cán bộ sang Anh, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã trực tiếp trao đổi với phía Anh. Danh tính các nạn nhân sẽ được sớm công bố chính thức.

Toàn cảnh họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2019. Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương, nhất là Hà Tĩnh, Nghệ An và các ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ để xử lý, trước hết động viên thân nhân địa phương bằng các biện pháp thích hợp nhằm bù đắp nỗi đau của gia đình các nạn nhân và hỗ trợ trong khả năng. Trong bất cứ trường hợp nào cũng làm hết sức mình để bảo hộ công dân, đây là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước. Các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các công việc cần thiết, trong phạm vi có thể để phối hợp với phía Anh sớm xác minh danh tính những người thiệt mạng, đưa họ về với quê hương và sớm hoàn tất điều tra vụ việc, nghiêm trị những người phải chịu trách nhiệm.

Đây cũng là bài học kinh nghiệm cần thiết trong công tác quản lý bởi đây là vụ việc di cư bất hợp pháp. Việt Nam luôn lên án mạnh mẽ và kêu gọi các nước cùng chung tay đấu tranh, ngăn chặn, đồng thời rất mong người dân nâng cao nhận thức để không bị dụ dỗ tham gia.

Tại phiên họp báo, một câu hỏi liên quan đến sự việc Trung Quốc thường cài cắm hình ảnh “đường lưỡi bò” vào các sản phẩm như phim ảnh, đồ dùng học tập, thậm chí cả đồ dùng ô tô, Chính phủ có cần cơ quan để rà soát, tránh việc họ tuyên truyền thông tin sai trái vào thế hệ trẻ Việt Nam hay không?

Trả lời câu hỏi liên quan, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thuỷ khẳng định, Trung Quốc cố tình cài cắm bản đồ có hình ảnh đường lưỡi bò vào sản phẩm phim ảnh, Bộ VHTT&DL đã xử lý việc vi phạm này liên quan đến tổ chức, cá nhân, trong đó có xử lý Hội đồng thẩm định phim và trách nhiệm của cá nhân đứng đầu. Không để tiếp diễn những vụ việc như vậy, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan liên quan trong Bộ, trong đó có các đơn vị liên quan đến các hoạt động nghệ thuật, đặc biệt Cục Điện ảnh, phải kiện toàn lại nhân sự đối với các bộ phận liên quan đến rà soát về mặt nội dung, cấp phép phim, tăng cường trách nhiệm, có thêm những công cụ hiện đại để rà soát…

“Chúng tôi cũng quán triệt cán bộ trong ngành VHTT&DL phải tăng cường tinh thần cảnh giác, trách nhiệm trong việc thực thi nhiệm vụ. Chúng tôi cũng kiện toàn lại toàn bộ Hội đồng duyệt phim quốc gia; tới đây, ngoài việc thành lập Hội đồng theo quy định hiện hành, chúng tôi cũng xác định đối với những trường hợp cụ thể có thể phải mời thêm chuyên gia ở các lĩnh vực cùng phối hợp và hỗ trợ cũng như tham vấn cho Hội đồng trên các lĩnh vực.

Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ lâu dài và quan trọng nên đã giao cho các đơn vị liên quan rà soát, nghiên cứu để xây dựng công cụ, kỹ thuật hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước đối với các hành vi vi phạm. Chúng tôi giao cho Trung tâm Công nghệ thông tin của Bộ VHTT&DL phối hợp với các bộ, ngành để có thể rà soát được các hình ảnh cũng như âm thanh, lời thoại trong phim.

Chúng tôi cũng đề nghị các công ty, doanh nghiệp liên quan đến việc nhập khẩu các sản phẩm văn hoá nói chung, điện ảnh nói riêng phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, không thể phó thác trách nhiệm cho các cơ quan thẩm định. Như vậy, sẽ có nhiều cơ quan cùng phối hợp, rà soát nội dung, hy vọng tới đây những sự việc đáng tiếc như bộ phim hoạt hình "Everest - Người tuyết bé nhỏ" sẽ được chấn chỉnh” – Thứ trưởng Bộ VHTT&DL nói.

Nói về hình ảnh “đường lưỡi bò” xuất hiện trong giáo trình của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Điều 36 Luật Giáo dục Đại học có nêu: Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn, duyệt giáo trình giáo dục đại học để sử dụng làm tài liệu giảng dạy, học tập trong cơ sở giáo dục đại học trên cơ sở thẩm định của Hội đồng thẩm định giáo trình do Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học thành lập.

Bộ GD&ĐT đã có Thông tư về việc biên soạn, sử dụng giáo trình có ghi rõ Hội đồng thẩm định giáo trình lựa chọn giáo trình để đưa lên Hiệu trưởng trường xem xét, quyết định. Do đó, trách nhiệm của việc này đầu tiên thuộc về Hội đồng thẩm định giáo trình và Hiệu trưởng trường đại học.

“Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Đại học Kinh doanh và Công nghệ dừng ngay việc sử dụng giáo trình này. Đồng thời, yêu cầu trường thực hiện thẩm định lại toàn bộ giáo trình đang lưu hành. Đồng thời tiến hành xem xét kiểm điểm và kỷ luật các cá nhân liên quan đến việc này đúng theo quy định” - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, gần đây một số sản phẩm, ấn phẩm, phim ảnh, ô tô, phần mềm, sách giáo khoa… có hình ảnh “đường lưỡi bò” là việc ta phải suy nghĩ. Thẩm định phim ảnh để đưa ra công chúng là trách nhiệm của Bộ VHTT&DL. Nếu thẩm định không đúng, để xảy ra sơ suất đưa ra công chúng những hình ảnh như vậy thì trách nhiệm là Bộ VHTT&DL.

Còn đối với ô tô nhập khẩu theo Nghị định 116/2017/NĐ-CP về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, kiểm tra theo lô. Đây là cải cách để tạo điều kiện cho các nhà nhập khẩu. Nhưng trước hết, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi có vấn đề xảy ra. Việc hoàn thiện thể chế, quy định Bộ Tư pháp cũng đã đề xuất với Chính phủ vì từ trước đến nay không xảy ra những việc tương tự.

“Chúng ta phải khuyến cáo người dân khi dùng sản phẩm nước ngoài vì không thể để xảy ra việc phát tán những sản phẩm có “đường lưỡi bò” tràn lan trên lãnh thổ Việt Nam. Chúng ta phải cảnh giác cao độ. Chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng để có giải pháp ứng phó kịp thời với những vấn đề này” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định./.

 

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực