Đề nghị bổ sung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bạo hành, xâm hại trẻ em

Thứ năm, 07/06/2018 14:51
(ĐCSVN) – Theo đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định), việc đưa nội dung bạo hành và xâm hại trẻ em vào chương trình giám sát tối cao của Quốc hội là cần thiết và cần phải được tiến hành càng sớm càng tốt.

Sáng 7/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội cho ý kiến về Tờ trình dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019.

Theo Tờ trình về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019 do Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, căn cứ kết quả hoạt động giám sát những năm vừa qua và tình hình thực tế, trong năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Quốc hội giám sát hai chuyên đề tại hai kỳ họp trong năm. Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến của các cơ quan, UBTVQH đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 4 nội dung cụ thể.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày
Tờ trình về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019. (Ảnh: TH)

Thứ nhất là việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2011 - 2018 (dự kiến giao Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chủ trì về nội dung). Thứ hai là việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị giai đoạn 2014 - 2018 (dự kiến giao Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì về nội dung). Thứ ba là việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2011 - 2018 (dự kiến giao Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chủ trì về nội dung). Thứ tư là việc thực hiện chính sách, pháp luật về lập, quản lý, sử dụng các loại quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 - 2018 (dự kiến giao Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chủ trì về nội dung).

Thảo luận tại Hội trường, các ý kiến cơ bản đồng tình với đề xuất của UBTVQH, khẳng định lựa chọn các chuyên đề giám sát của UBTVQH đều là những vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc có ảnh hưởng đến đời sống KT - XH; không trùng với các chuyên đề giám sát đã được Quốc hội, UBTVQH tiến hành giám sát trong thời gian 18 tháng tính đến thời điểm đề xuất; bảo đảm sự cân đối.

Dẫn số liệu của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Bộ Công an, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) chỉ ra tình trạng trẻ bị bạo lực, bị xâm hại ở mức độ nghiêm trọng cần được can thiệp vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp, ngày càng gia tăng, gây bức xúc, phẫn nộ trong nhân dân, tạo dư luận xấu, ảnh hưởng tới uy tín của các cơ quan nhà nước. Trong khi đó, hậu quả để lại cho các em là hết sức nặng nề cả về thể chất, tinh thần, ảnh hưởng đến chất lượng sống của trẻ khi đến tuổi trưởng thành.

Về các giải pháp được đưa ra, qua theo dõi, trả lời chất vấn của các bộ trưởng, đại biểu cho rằng chủ yếu đó là công tác phổ biến, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của mọi người dân; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong thực thi pháp luật để bảo vệ quyền trẻ em, tập trung xử lý các vụ việc một cách kịp thời. Nếu các giải pháp mới dừng lại ở mức như vậy sẽ không thực sự hiệu quả!

“Để khắc phục, giải quyết vấn đề một cách triệt để, tôi đề nghị cần phải bổ sung nội dung liên quan tới tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em vào chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019”, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo kiến nghị.

Đồng quan điểm, đại biểu Đinh Văn Nhã (Phú Yên) đồng tình nên đưa chuyên đề về bạo hành, xâm hại trẻ em vào chương trình giám sát năm 2019.

Tuy nhiên, đại biểu Nhã cho rằng, năm 2019, không cần thiết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về lập, quản lý, sử dụng các loại quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 - 2018.

Phân tích về vấn đề này, đại biểu Đinh Văn Nhã cho biết, hiện nay, chúng ta có 85 quỹ ngoài ngân sách theo luật và nghị định của Chính phủ. Song, hoạt động trên thực tế chỉ có 35 quỹ, tức là số quỹ được thành lập, hoạt động không nhiều. Trong 35 quỹ này, lại chỉ có 2 quỹ lớn về bảo hiểm xã hội, ước tính chiếm 85% kinh phí của các quỹ còn lại. Một số địa phương cũng có quỹ ngoài ngân sách, nhưng tổng số vốn chỉ khoảng vài chục triệu, vài trăm triệu. Các quỹ này, nhất là hai quỹ lớn về bảo hiểm đều được kiểm toán hàng năm và có báo cáo định kỳ nghiêm túc. Điều này chứng tỏ quỹ ngoài ngân sách đã được cơ quan bảo vệ pháp luật kiểm toán, giám sát, kiểm tra chặt chẽ. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng đã có giám sát chuyên đề về nội dung này.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị nên tập trung vào 2 chuyên đề đang rất nóng, rất bức xúc hiện nay. Một là chính sách pháp luật về dân tộc thiểu số và miền núi (dân tộc miền núi). Hai là quản lý, sử dụng đất đai đô thị. Đây là 2 vấn đề rất cần thiết.

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, chưa có bất kỳ một cuộc giám sát tối cao nào của Quốc hội về vấn đề này, hầu hết những năm qua chúng ta đều tập trung vào vấn đề kinh tế - xã hội, cũng là tương đối nóng bỏng, nhưng đây là vấn đề chưa được quan tâm thích đáng. Một số cuộc giám sát của Hội đồng nhân dân và các Ủy ban của Quốc hội cơ bản giải quyết vấn đề theo khoanh vùng mang tính chất lẻ tẻ, thực sự hiệu lực của giám sát chưa mang lại những kết quả lớn. Trên cơ sở đó đề nghị phải thực hiện ngay cuộc giám sát này vào năm 2019.

“Đề nghị Quốc hội nghiên cứu, ban hành nghị quyết về việc giao chỉ tiêu giám sát cho các đại biểu Quốc hội để nâng cao vai trò và vị trí của đại biểu Quốc hội, đồng thời cũng để thực hiện trách nhiệm của đại biểu Quốc hội được quy định tại Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng kiến nghị./.

TH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực