Đến năm 2025, TP Hồ Chí Minh cơ bản giải quyết ùn tắc giao thông

Thứ bảy, 13/07/2019 16:59
(ĐCSVN)- Ngày 13/7, dưới sự điều hành của Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ, kỳ họp thứ 15 HĐND TP Khóa IX tiến hành phiên chất vấn trả lời chất vấn Giám đốc Sở xây dựng và Giám đốc Sở Giao thông- Vận tải Thành phố.


Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu. (Ảnh: Quỳnh Mai)

Làm sao để người dân giám sát được quỹ chung cư?

Tại phần chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng TP Lê Hòa Bình, ĐB Trương Lê Mỹ Ngọc (Thủ Đức) nêu vấn đề: Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở tại các chung cư và khu dân cư do chủ đầu tư đang có những vấn đề về mặt tài chính, vi phạm các quy định không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận.

“Đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng có thông tin về hướng giải quyết vấn đề này để đảm bảo quyền lợi của người dân. Đồng thời, đối với việc quản lý chung cư, trong đó có việc tranh chấp liên quan đến quỹ bảo trì chung cư. Sở có thể cho biết, việc quản lý quỹ, cũng như hoạt động của quỹ như thế nào và làm sao để người dân có thể giám sát được quỹ?”- Bà Ngọc đặt câu hỏi.

Đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng TP Lê Hòa Bình. (Ảnh: Quỳnh Mai)

Trả lời câu hỏi của ĐB Trương Lê Mỹ Ngọc, Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố (TP) Lê Hòa Bình thông tin: Việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đối với chung cư hiện có những tồn tại và xảy ra ở những trường hợp khi chủ đầu tư chung cư khi khởi công dự án nhưng sau đó đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đi thế chấp ngân hàng. Đây là thực tế đang diễn ra cần sự phối hợp giữa Sở Xây dựng TP, Sở Tài nguyên và Môi trường TP để thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho cư dân chung cư.

Về tranh chấp quỹ bảo trì chung cư, Giám đốc Sở Xây dựng TP Lê Hòa Bình cho biết: Việc giám sát quỹ bảo trì chung cư do tổ dân phố, Mặt trận UBND phường, xã và các địa phương có kế hoạch kiểm tra việc thực thi vấn đề này. Đối với người dân, trong các hội nghị nhà chung cư yêu cầu Ban Quản trị chung cư phải báo cáo tình hình thu chi sử dụng quỹ .

Ngoài ra, vấn đề “nóng” được các ĐB chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng TP là tình trạng xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn TP.

ĐB Thi Thị Tuyết Nhung (Quận 7) chỉ rõ: Theo báo cáo của UBND TP, trong việc quản lý xây dựng, trong 6 tháng đầu năm TP đã ban hành 4.729 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với xây dựng không phép, sai phép. Trong đó, có 1.136 trường hợp tại các địa bàn ở các đô thị có tốc độ đô thị hóa như Quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức… Vậy Sở cho biết nguyên nhân vì sao ở những địa bàn này xảy ra trường hợp xây dựng sai phép, không phép nhiều? Có phải có vấn đề về quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch, vấn đề thủ tục cấp phép xây dựng cũng như thủ tục hoàn công cho người dân trong quá trình thực hiện xây dựng?

Giải trình tình trạng xây dựng không phép, sai phép, Giám đốc Sở Xây dựng TP Lê Hòa Bình cho biết: Đối với công trình xây dựng trải qua 3 giai đoạn là chuẩn bị đầu tư (hoàn tất thủ tục cấp phép xây dựng và phê duyệt dự án), thực hiện đầu tư và đưa vào sử dụng (hoàn tất xây dựng và kiểm tra để cấp giấy). Qua phân tích, ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư có 13,6% là công trình không phép nhưng đủ điều kiện cấp phép xây dựng, nhưng dường như thủ tục cấp phép đầu tư đâu đó còn khó khăn, rườm rà chưa đem lại sự tiện lợi cho người dân dẫn đến việc người dân đủ điều kiện nhưng lại chưa đi xin phép xây dựng. Do đó, cần có giải pháp khắc phục tình trạng kéo giảm cải cách hành chính để người dân tiện lợi hơn trong cấp phép xây dựng.

Giám đốc Sở Xây dựng TP Lê Hòa Bình trả lời chất vấn. (Ảnh: Quỳnh Mai)

“Còn 37,6% trường hợp xây dựng trên đất không được phép xây dựng thì phải xử lý nghiêm và đây là vi phạm pháp luật chứ không phải vi phạm xây dựng. Trong quá trình còn thời hạn đầu tư chiếm 48,5%, đây là các công trình đủ điều kiện xây dựng và việc khắc phục sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn đối với trường hợp xây dựng trên đất không được phép xây dựng”- Ông Lê Hòa Bình cho biết.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng TP, trật tự xây dựng không phép, sai phép phần lớn xảy ra ở các quận, huyện đang đô thị hóa có câu chuyện là do quy hoạch, lực lượng phối hợp thanh, kiểm tra chưa tốt và sắp tới có giải pháp cơ chế phối hợp của quận ủy, huyện ủy với UBND quận, huyện. Trong tháng 8, Sở sẽ điều chỉnh lại quy chế làm việc với đội thanh tra địa bàn và thanh tra cơ động của Sở để tiếp cận gần với mô hình đội thanh tra địa bàn khi chuyển thành đội trật trự xây dựng của quận, huyện thì tình trạng này sẽ có biến chuyển. Song song đó, có quy trình liên thông cấp giấy giữa Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường TP, khi khởi công xây dựng, Thanh tra xây dựng thanh tra về hoạt động xây dựng, còn Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường thanh tra về hoạt động công tác cấp giấy.

Phát triển giao thông công cộng, hạn chế giao thông cá nhân

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong Kỳ họp thứ 15 HĐND TPHCM khóa IX, là phần "đăng đàn" của Giám đốc Sở Giao thông- Vận tải (GT-VT) TP Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm. Trăn trở về nỗi ám ảnh kẹt xe của người dân, ĐB Nguyễn Minh Nhựt băn khoăn: “Định hướng phát triển giao thông đô thị đến năm 2025 thế nào để xóa bỏ nỗi ám ảnh trên?”.

Giám đốc Sở GT- VT TP Trần Quang Lâm trả lời chất vấn. (Ảnh: Quỳnh Mai)

Giám đốc Sở GT-VT TP Trần Quang Lâm cho rằng, đây là câu hỏi rất lớn, nhiều đô thị trên thế giới phải đối diện. Theo ông Trần Quang Lâm, TP Hồ Chí Minh đang tập trung thực hiện hàng loạt dự án. Tới năm 2025, khi có các tuyến đường vành đai 2, 3, tuyến quốc lộ, trục quốc lộ kết nối TP với khu vực, TP tổ chức lại giao thông, tổ chức lại không gian đô thị, thì sẽ giảm ùn tắc. “Theo kịch bản, đến năm 2025, tình trạng giao thông sẽ ổn định”, ông Trần Quang Lâm thông tin.

Giám đốc Sở GT-VT TP nhận định, riêng việc chiếm dụng mặt đường, để vận chuyển 1 người thì xe máy chiếm 5 lần so với xe buýt, xe con chiếm 8,5 lần so với xe buýt. Vì vậy bắt buộc phải phát triển giao thông công cộng và song song đó là giảm xe cá nhân.

Trả lời câu hỏi của các ĐB về các dự án giao thông trọng điểm, Giám đốc Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh cho biết, từ nay đến năm 2020, TP sẽ hoàn thành 22 dự án, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành tiếp 41 dự án. Trong đó, ngành tập trung vào các tuyến đường hướng tâm, là các quốc lộ kết nối TP với các vùng và các tuyến đường cụm sân bay, cảng Cát Lái.

Riêng nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, dự án đang tổ chức đấu thầu, dự kiến cuối năm nay sẽ khởi công và hoàn thành vào quý 1-2021. Với đường Huỳnh Tấn Phát, là tuyến đường vận tải lớn, có hướng trục nối trung tâm TP với huyện Nhà Bè, hiện đã hoàn thành giai đoạn 1. Giai đoạn 2 dự án đã duyệt thiết kế, đang tổ chức đấu thầu, chậm nhất là tháng 12/2019 sẽ khởi công. Theo ông Lâm, công việc chủ yếu của công trình là hiện đại hóa mặt đường, làm lại hệ thống thoát nước, không có bồi thường giải phóng mặt bằng nên tiến độ sẽ nhanh hơn.

Về cầu Thủ Thiêm 2, ông Trần Quang Lâm cho biết, theo kế hoạch, đến năm 2020 hoàn thành 4 cây cầu để phục vụ sự phát triển của Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong đó, cầu Thủ Thiêm 2 là cầu dây văng rất đẹp, không chỉ là điểm nhấn giao thông mà còn là biểu tượng kiến trúc./.


Quỳnh Mai- Vương Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực