Điện tử hóa, giảm gánh nặng báo cáo trong công tác xử lý vi phạm hành chính

Thứ năm, 04/10/2018 16:08
(ĐCSVN) – Đây là vấn đề được đặt ra tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 10/2015 quy định về chế độ báo cáo trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 4/10 tại Hà Nội.

Ngày 31/08/2015, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư 10/2015/TT-BTP quy định về chế độ báo cáo trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (VPHC) và theo dõi tình hình thi hành pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để các Bộ, ngành, địa phương thực hiện chế độ báo cáo thuận tiện, thống nhất trong cả nước.

Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện, Thông tư 10/2015/TT-BTP đã bộc lộ những hạn chế, bất cập gây khó khăn cho việc tổng hợp số liệu và báo cáo trong công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC và theo dõi tình hình thi hành pháp luật. 

Các đại biểu tham dự Hội thảo. (Ảnh: TH)

Cụ thể, Thông tư không quy định cụ thể cơ quan nào được quản lý theo ngành dọc đã gây lúng túng cho địa phương trong việc áp dụng. Bên cạnh đó, tiêu chí về điều kiện đảm bảo cho thi hành pháp luật và tuân thủ pháp luật trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật chưa được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, đặc biệt là chỉ tiêu báo cáo trong công tác theo dõi thi hành pháp luật chủ yếu còn mang tính định tính, dẫn tới việc đánh giá, nhận xét và kiến nghị trong báo cáo còn mang tính chung chung, mang tính chủ quan, thậm chí thiếu chính xác, các chỉ tiêu trong các biểu mẫu phức tạp, nhiều nội dung khó thực hiện. Đối tượng báo cáo chưa thống nhất…

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho hay, sau 3 năm triển khai Thông tư 10 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần sửa đổi. Trên cơ sở Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước”, Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 10 nhằm đơn giản hóa chế độ báo cáo, lược bỏ những chỉ tiêu, nội dung báo cáo trùng lặp, không cần thiết, tiết kiệm chi phí trong thực hiện chế độ báo cáo. Tuy nhiên, vẫn phải bảo đảm yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin phù hợp với thực tế, bảo đảm tính hợp lý, tính khả thi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý thống nhất, hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC và theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Ông Trần Quốc Toàn, Phó Trưởng phòng Phòng 6, Cục Pháp chế và cải cách thủ tục hành chính, Bộ Công an cũng cho rằng, để nâng cao hơn nữa hiệu quả chế độ báo cáo cần phải sửa đổi theo hướng đơn giản hóa các thủ tục không cần thiết, từ đó giảm gánh nặng trong chế độ báo cáo.

Đại diện Tổng cục Hải quan chỉ ra, chế độ báo cáo bằng giấy đã không còn phù hợp mà cần thay thế bằng điện tử. Theo đó, cần triển khai cải cách, tinh giản chế độ báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC thông qua điện tử hóa, áp dụng công nghệ thông tin…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực