Dự án buýt nhanh Hà Nội đối mặt nguy cơ thành “xe rùa”

Thứ năm, 30/06/2016 15:41
(ĐCSVN) – TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cần rút kinh nghiệm từ dự án xe buýt nhanh của Hà Nội, có những đánh giá toàn diện, chuyên nghiệp và rất cần các nhà khoa học trong nước có uy tín tham gia sâu vào soát xét, thẩm tra lại tổng thể mọi khía cạnh của dự án.

Dự án buýt nhanh Hà Nội đối mặt nguy cơ thành “xe rùa”

Dự án buýt nhanh Hà Nội đối mặt nguy cơ thành “xe rùa”


Tuyến xe buýt nhanh được thiết kế đi trên làn đường riêng (Ảnh: KS)

Tư vấn chính hầu hết do công ty nước ngoài đảm nhiệm

Về dự án xe buýt nhanh Hà Nội, theo TSKH, Thiếu tướng Nguyễn Quang Bắc, một trong những vấn đề cần được lưu tâm là các hợp đồng tư vấn chính thức đều do công ty tư vấn nước ngoài đảm nhiệm.

Ông cho rằng, hiệu quả của dự án phụ thuộc vào quy hoạch phát triển và phương án tổ chức giao thông. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ cần phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Không thể máy móc sao chép các giải pháp đã áp dụng thành công ở các nơi khác vào điều kiện của chúng ta mà phải làm chủ và ứng dụng sáng tạo.

Nhìn rộng ra cả nước thì hiện nay, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh cũng triển khai những tuyến buýt nhanh. Ông Nguyễn Quang Bắc chia sẻ thêm, đơn vị ông đang thực hiện dịch vụ tư vấn thẩm tra thiết kế một hạng mục của dự án tuyến buýt nhanh sẽ thực hiện tại Đà Nẵng. “Hạng mục này liên quan chính đến công nghệ thông tin và truyền thông. Do vậy, chúng tôi không có thông tin chi tiết tổng thể về quy hoạch, về vận hành giao thông. Tuy vậy, tư vấn thiết kế của hạng mục này cũng là một công ty nước ngoài, nhưng các chi tiết thiết kế copy hầu như y nguyên từ hạng mục tương tự ở dự án BRT Kim Mã - Yên Nghĩa (Hà Nội)” – ông thông tin. Và như vậy, các vấn đề tương tự như Hà Nội cũng đã xảy ra: tư vấn nước ngoài giới thiệu với chủ đầu tư giải pháp cửa sập hai cánh đắt tiền và dễ hỏng thay vì tiêu chuẩn BRT là cửa quay với kết cấu cơ khí tin cậy và giá thành rẻ.

Ông cũng nói thêm, “khi đánh giá hiệu quả của dự án thì cần so sánh số tiền bỏ ra, lợi ích đem về, hoặc đơn giản là so sánh mục tiêu khi bắt đầu dự án so với công suất năng lực thực tế đạt được”.

Bài học cho Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh

Đành rằng dự án xe buýt nhanh lần đầu triển khai tại Việt Nam, chưa có tiêu chuẩn thiết kế riêng, nên phải vận dụng, tham khảo quy trình, quy phạm và thiết kế của nước ngoài là rất cần thiết, nhưng vấn đề đặt ra là phải bảo đảm phù hợp với tình trạng giao thông, cũng như thói quen sử dụng phương tiện giao thông của người dân Thủ đô… Vấn đề khác cũng không kém phần quan trọng là việc kiểm soát chất lượng các sản phẩm nước ngoài đem vào nước ta.

Việc triển khai các phương tiện giao thông công cộng hay xe buýt nhanh tại các thành phố lớn là rất cần thiết, nhưng các thành phố trên cần rút kinh nghiệm từ dự án xe buýt nhanh của Hà Nội, có những đánh giá toàn diện, chuyên nghiệp và các nhà khoa học trong nước có uy tín tham gia sâu vào soát xét, thẩm tra lại tổng thể mọi khía cạnh của dự án. Mặt khác, cũng cần tổ chức những cuộc nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi để dự án có tính khả thi, được sự đồng thuận trong xã hội.

Cũng tin rằng, việc sử dụng công nghệ điều hành như tuyến xe buýt nhanh hiện nay thì các nhà khoa học Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ được công nghệ, bởi chúng ta đã có những ví dụ về các doanh nghiệp Việt Nam như: Viettel hay FPT đã thành công tại nước ngoài từ khả năng làm chủ công nghệ của các dự án trong nước.

Riêng với Hà Nội, việc Thường trực Thành ủy Hà Nội vừa rồi chỉ đạo “trên cơ sở thực tiễn về quy hoạch, điều kiện nguồn lực, cơ sở hạ tầng, thực trạng giao thông của Thành phố, khẩn trương đánh giá lại hiệu quả của dự án, nghiên cứu, lựa chọn phương án tối ưu để hoàn thành hợp phần xe buýt nhanh (BRT)...” là rất đáng hoan nghênh.

Đây là kết luận rất quan trọng giúp định hướng đúng cho việc tổ chức giao thông đô thị tại Hà Nội hiệu quả. Người dân cũng như những nhà khoa học mong muốn lãnh đạo Hà Nội tiếp tục theo dõi, quan tâm chỉ đạo sát sao việc thực hiện kết luận của Thường trực Thành ủy về  việc triển khai thực hiện hợp phần xe buýt nhanh từ Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa thuộc dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội. Đó cũng là cơ sở để các thành phố khác rút kinh nghiệm hoàn thiện việc đầu tư cho phương án tổ chức giao thông của mình./.

Nhóm PV Ban Chính trị - Xã hội

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực