Dự luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt: Hai vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau

Thứ năm, 11/01/2018 17:35
(ĐCSVN) – Thảo luận về dự luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, hai vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, nhận được sự quan tâm của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( UBTVQH) là vấn đề xác định mô hình tổ chức chính quyền địa phương và việc thiết kế các chính sách liên quan tới đất đai tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: quochoi.vn)

Sáng 11/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

Báo cáo một số vấn đề lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, hai vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau là vấn đề xác định mô hình tổ chức chính quyền địa phương và việc thiết kế các chính sách liên quan tới đất đai tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (HCKTĐB). Đây cũng là những nội dung trọng tâm, xuyên suốt của dự thảo Luật.

Ông Định cho hay, ngày 9/1, Thường trực Ủy ban Pháp luật (UBPL) đã tổ chức cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ. Tại cuộc họp, các cơ quan đã thống nhất một số nguyên tắc chỉ đạo việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật là: cần quán triệt những quan điểm, mục tiêu được xác định trong Kết luận số 21-TB/TW ngày 22/3/2017 của Bộ Chính trị về thành lập các đơn vị HCKTĐB trực thuộc cấp tỉnh và phạm vi điều chỉnh của Luật áp dụng chung cho ba đơn vị HCKTĐB Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Những cơ chế, chính sách được Luật này quy định phải bảo đảm tính vượt trội, cạnh tranh quốc tế, có thể khác với các luật hiện hành nhưng phải trong khuôn khổ Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo đảm quyền và lợi ích của nhân dân.

Phương án mới về mô hình tổ chức chính quyền địa phương

Về tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị HCKTĐB, Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định nhắc lại dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 đề xuất hai phương án tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị HCKTĐB. Cụ thể, phương án 1: Không tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tại đơn vị HCKTĐB mà thực hiện thiết chế Trưởng Đơn vị HCKTĐB do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, được phân quyền, phân cấp mạnh, có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn đơn vị HCKTĐB. Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án này.

Phương án 2: Tổ chức chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

Đáng chú ý, tại phiên họp này, Ủy ban Pháp luật đã đề xuất phương án thứ 3. Theo Phương án 3, chính quyền địa phương ở đơn vị HCKTĐB là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân đơn vị HCKTĐB (gọi tắt là Hội đồng đặc khu) và Ủy ban nhân dân đơn vị HCKTĐB (gọi tắt là Ủy ban đặc khu) được tổ chức tinh gọn, chỉ quyết định một số vấn đề quan trọng, mang tính định hướng lớn, còn chủ yếu tập trung phân quyền, phân cấp thẩm quyền quản lý, điều hành ở đơn vị HCKTĐB cho Chủ tịch Ủy ban đặc khu.

Ông Định phân tích rõ: “Thực chất đây là phương án kết hợp nhiều ưu điểm của cả phương án 1 và phương án 2 do Chính phủ trình và được hoàn thiện thêm để khắc phục các hạn chế, phát huy những điểm mạnh của cả hai phương án”. Nếu thực hiện theo phương án này sẽ có các ưu điểm như: bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, phù hợp với đặc điểm của đơn vị HCKTĐB; thể hiện được chính quyền gần dân, sát dân, phát huy quyền làm chủ, quyền giám sát của nhân dân; có nhiều đổi mới mạnh mẽ phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng về tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương, phát huy vai trò, trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan hành chính đơn vị HCKTĐB, đáp ứng yêu cầu thử nghiệm đổi mới tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị; không đòi hỏi phải sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Hơn nữa, phương án này cũng tiếp thu kinh nghiệm của một số nước có đặc khu hành chính, đặc khu kinh tế là đơn vị hành chính (Thâm Quyến – Trung Quốc, Thành phố quốc tế tự do Jeju – Hàn Quốc) đều vẫn tổ chức chính quyền có cơ quan đại diện dân cử.

Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ bày tỏ nhất trí với phương án 1. Bởi phương án này có nhiều ưu điểm đã được cơ quan thẩm tra phân tích như: bảo đảm tinh gọn bộ máy, đáp ứng yêu cầu quản lý tập trung, năng động, linh hoạt, điều hành nhanh nhạy; xác định rõ và đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, khắc phục được tình trạng “núp bóng” tập thể để né tránh trách nhiệm; có tính đột phá mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) về xây dựng các đơn vị HCKTĐB với “thể chế vượt trội”, nhằm “thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị”.

“Đã nói đến đặc biệt thì phải khác, mang tính đột phá trên tất cả các lĩnh vực, không thể bình bình như các đơn vị khác” – ông nói.

Trước ý kiến băn khoăn về việc theo phương án này thì không tổ chức HĐND, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, dù không tổ chức HĐND nhưng đã có HĐND cấp tỉnh giám sát, chỉ đạo.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải lại bày tỏ đồng tình với phương án 3. “Thiết kế mô hình nên có cơ quan đại diện dân cử để giải quyết những vấn đề xung đột lợi ích giữa dân với chính quyền. Đồng thời sẽ đại diện cho tiếng nói nhân dân” – ông phát biểu.

Cũng đồng tình với phương án 3, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phân tích, phương án 3 bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và các quy định khác, không trái, không cần sửa luật. “Việc tổ chức HĐND và UBND thì cũng có quyền để tổ chức thiết chế tinh gọn, Chủ tịch UBND được tăng thêm quyền hạn, thậm chí cho quyền của cấp bộ, cấp tỉnh; giảm bớt quyền của tập thể. HĐND thiết kế cho tinh gọn, chất lượng, không nhất thiết phải họp 1 năm 2 kỳ mà khi cần thiết thì họp, tăng cường giám sát” – ông phát biểu.

Đặc thù phải có vượt trội

Về các chính sách liên quan tới đất đai tại đơn vị HCKTĐB, dự thảo Luật quy định một số chính sách ưu đãi liên quan tới đất đai như về thời hạn sử dụng đất, miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước, cho phép thế chấp tài sản gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam để vay vốn đầu tư…

Trong đó, về thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đơn vị HCKTĐB, Ủy ban Pháp luật tán thành quy định thời hạn sử dụng đất tối đa là 99 năm như trong dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội .

Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhìn nhận: “Chúng ta rất thích các từ đặc thù, đột phá, nổi trội..., nhưng hầu như chúng ta vẫn theo tư duy cũ, cứ cái gì phổ thông - cái nào thấp hơn phổ thông đó thì gọi là nổi trội. Ví dụ thuế suất 20% giờ xuống 10%, đất 70 năm nay lên 99 năm...”- ông Hiển nhấn mạnh.

Ông cũng bày tỏ quan điểm: “Ba đặc khu này có đến mức phải miễn giảm thuế đất, kéo dài thời gian thu hồi mới thu hút được nhà đầu tư không? Không phải, ba khu vực này đều là ba khu đất vàng. Các nhà đầu tư này đã vào được rồi lại còn miễn đủ thứ là không hợp lý...”.

Nhà đầu tư đang cần 3 điều

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, cần thiết phải ban hành Luật Đơn vị HCKTĐB. Bởi dù Việt Nam đạt nhiều thành tựu về mặt kinh tế nhưng vẫn đang tụt hậu rất xa so với thế giới và khu vực. "Năm 2017 chúng ta mới đạt thu nhập bình quân 2.385 USD, trong khi Trung quốc đã đạt 8.000 mà họ có 1,4 tỉ người. Nếu mỗi năm chúng ta tăng có 170 USD thì không biết bao giờ mới đuổi kịp các nước. Trong khu vực chúng ta chỉ còn hơn Lào, Campuchia" - Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, xây dựng luật cần tiếp cận theo hai hướng. Một là chúng ta phải biết mình muốn gì? Hai là tiếp cận theo hướng nhà đầu tư cần gì? “Chúng ta nên đưa những cái nhà đầu tư cần và thể chế của chúng ta cho phép, chứ không đi theo cách tiếp cận là chúng ta có gì chúng ta cho nhà đầu tư. Có cái mình cho nhưng người ta không muốn, người ta không cần thì tính khả thi không cao” - Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng thông tin rõ, nhà đầu tư đang cần 3 điều: địa điểm có cạnh tranh không; thể chế có cạnh tranh không; tổ chức bộ máy có thuận lợi, hiệu quả, có giảm được chi phí tuân thủ không?

Về phương án, Bộ trưởng nhấn mạnh phương án 1 chính là phương án Chính phủ trình. Tại Kỳ họp thứ 4, qua thảo luận thấy được các đại biểu Quốc hội đồng thuận cao, ít đại biểu băn khoăn về phương án này. Theo Bộ trưởng, nếu chọn phương án 1 thì vấn đề đáng quan ngại nhất là giám sát quyền lực. Tuy nhiên, khi chỉnh lý dự án luật này, Bộ đã cùng với Ủy ban Pháp luật dự kiến sẽ có bổ sung cơ chế để đảm bảo giám sát quyền lực.

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn việc soạn một Luật chung cho cả 3 đặc khu vốn có đặc thù, mức độ phát triển rất khác nhau. Theo Chủ tịch Quốc hội, thành lập đặc khu theo tinh thần đổi mới, tạo động lực phát triển theo nguyên tắc không được trái Hiến pháp.

Chủ tịch Quốc hội gợi ý "Cần thiết sẽ đề nghị Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự đảng Chính phủ ngồi lại trao đổi những quan điểm lớn. Những điểm còn ý kiến khác nhau sẽ xin ý kiến Bộ Chính trị".

Cũng trong sáng nay, UBTVQH nghe báo cáo về công tác triển khai, việc phân công chuẩn bị Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF - 26)./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực