Giao lưu các điển hình tiên tiến: Quạt cho phong trào lớn mạnh

Thứ hai, 07/12/2015 09:53
(ĐCSVN) – Với thông điệp “Quạt cho phong trào lớn mạnh”, buổi giao lưu với các điển hình tiên tiến tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX diễn ra chiều 6/12 được bắt đầu bằng một kỷ vật là chiếc quạt được Bác Hồ tặng cho ông Hoàng Đạo Thuý năm 1948 khiến không khí của buổi giao lưu được truyền cảm hứng ngay những phút đầu tiên.

Nhắc lại lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ý nghĩa của chiếc quạt, hội trường gần 2.000 đại biểu đã lặng đi xúc động để rồi vỡ òa trong sự cộng hưởng, hưởng ứng của lời kêu gọi thi đua, nhân lên sức mạnh quyết tâm vượt qua mọi gian khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và làm nhiều việc có ích cho xã hội. Đại hội đã được giao lưu với 6 điển hình cá nhân xuất sắc trên các lĩnh vực khác nhau.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thông (giữa) chia sẻ tại buổi giao lưu. Ảnh: HH

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thông, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã đem đến Đại hội những câu chuyện xúc động tại lớp học của các em bé mồ côi do cô tổ chức. Ngư Lộc là địa phương ven biển có nhiều trẻ mồ côi, phải lao động sớm, không có điều kiện đến trường. Chia sẻ với nỗi khát khao được học tập của trẻ em, cô Thông đã quyết định mở lớp dạy học cho các em. Đồng thời nhận dạy miễn phí cho cả người lớn mù hoặc tái mù chữ trên địa bàn, giúp họ biết chữ, được hòa nhập với cộng đồng, biết chữ để có việc làm hoặc chỉ đơn giản là biết đọc địa chỉ mình đang đi qua, biết tính và đọc được mệnh giá đồng tiền.

14 năm dạy miễn phí cho học sinh nghèo và học viên mù chữ, dù nắng mưa hay mệt mỏi cũng chưa bao giờ cô Thông để cho lớp học bị giám đoạn dù tuổi của cô năm nay cũng đã ngoài 60. Cô cho biết, để dạy được các đối tượng học sinh thiểu năng trí tuệ, thần kinh, bà vừa phải là người bà, người mẹ, phải dùng tình cảm của mình để dạy dỗ, để các em có niềm tin trong học tập và cuộc sống.

Từ ngày mở lớp năm 2012, cô đã dạy được 97 em có độ tuổi từ 10 - 18 tuổi. Có 90 em hoàn thành chương trình tiểu học và tiếp tục học lên tại các cơ sở đào tạo. Năm học 2014 – 2015, bà dạy xóa mù cho 5 người lớn tuổi biết đọc, biết viết. Bà đã vinh dự được nhận thư khen của Chủ tịch nước năm 2014.

Là người đã âm thầm đóng góp cho Giáo hội Công giáo Việt Nam trong việc kết nối ngoại giao với Tòa thánh Vatican, Hiệp sĩ đại thánh giá Lê Đức Thịnh khẳng định, yêu nước chính là động lực để ông có thể làm được tất cả mọi việc trong suốt thời gian qua. Ông là một công dân tốt của nước Việt Nam, một tín đồ tốt của Thiên Chúa giáo, một người con sống phúc âm trong lòng dân tộc, người Việt Nam đầu tiên và cũng là người châu Á đầu tiên được Đức Giáo hoàng tặng tước hiệu Hiệp sỹ đại thánh giá, tước hiệu cao quý nhất dành cho những tín đồ của Thiên Chúa giáo có những đóng góp to lớn cho Giáo hội và cho cả xã hội. Ông là người mang những thông điệp, những điểm tốt đẹp của Việt Nam đến với Tòa thánh Vatincan.

Hơn 20 năm gắn bó với Giáo hội, trở thành cầu nối cho những cuộc đối thoại, vượt qua không ít khó khăn,thậm chí hiểu lầm, ông vẫn luôn nỗ lực như con thoi trên khắp mọi miền đất nước, nỗ lực thuyết phục, tạo ra những cuộc gặp gỡ góp phần làm cho Công giáo Việt Nam ngày càng gắn bó, đồng hành với dân tộc, với đất nước. Ông chia sẻ chính tình yêu dân tộc, tình yêu đất nước đã thôi thúc ông nỗ lực hết mình đối với công việc này, không nhằm để tôn vinh bản thân mà để cho con cháu đời sau của mình không còn phải sống cảnh chia lìa. Khao khát nhất của ông là mỗi người con dân đất Việt hãy nâng đỡ nhau, đồng bào có đạo hay không có đạo, trong nước hay hải ngoại xóa đi định kiến, để xây dựng Tổ quốc Việt Nam hùng cường…

Đại hội cũng đã được giao lưu với ông Phan Tấn Bện - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cơ khí nông nghiệp Phan Tấn, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp - điển hình kỹ sư nông dân, sản xuất máy móc xuất khẩu ra nước ngoài, trong đó có máy cuốn rơm rạ sau thu hoạch lúa giúp làm sạch ruộng đồng.

Đó còn là Đại úy Nguyễn Thành Hưng, Phó Đội trưởng, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, người tham gia 20 chuyên án lớn, trong đó có nhiều chuyên án lớn. Anh cho biết: Hạnh phúc của người cảnh sát đó là khi phá xong một chuyên án và đem lại sự công bằng, yên ấm cho nhân dân. Những áp lực trong công việc của cảnh sát hình sự khi đấu tranh với các băng nhóm, tổ chức xã hội đen đã được gỡ nút mỗi khi phá án hoàn thành. Theo anh Hưng, thành công của mỗi chuyên án không phải là chiến công mà là nhiệm vụ phải hoàn thành.

Gương bác sỹ Bùi Đình Lĩnh 30 năm gắn bó với Trung tâm Y tế Quân dân y huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận đã gây xúc động bởi lời tâm sự, bộc bạch từ chính người con gái của ông xuất hiện trong  buổi giao lưu. Sự xa cách của cha và con ngoài đảo và đất liền trong suốt 30 năm được gửi gắm qua những bức thư và bài thơ người con gái gửi cha và người cha gửi con để nuôi dưỡng tinh thần, động viên nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống. 30 năm nhưng cha con ông không gặp nhau đủ 30 lần bởi theo quy định,  mỗi năm ông chỉ được cắt phép 1 lần, và có những năm Tết về biển động hay có bệnh nhân đột xuất đã níu chân ông lại ngoài đảo xa. Vợ và 2 con ở nhà lại đón những cái Tết vắng chồng, vắng cha.

 

Đại úy Nguyễn Thành Hưng với những tâm sự nghề nghiệp. Ảnh: HH

Bác sỹ Bùi Đình Lĩnh tâm sự:  Đã có nhiều lúc phải suy nghĩ đắn đo nhưng may mắn anh có một người vợ “trung hậu, đảm đang”, cô con gái thương yêu thường xuyên động viên anh yên tâm công tác. Ông còn nhớ rất rõ lá thư của con gái gửi cho bố năm lớp 5: “Bố em ở xa lắm, tận miền đảo xa xôi. Bố là bác sỹ đó, cứu chữa cho bệnh nhân. Ngày đêm bố tất bật, vì bệnh nhân mong chờ. Thương bố em phải cố, học tập chăm thật chăm”… đã giúp ông có thêm nghị lực để tiếp tục công tác ở đảo, chăm lo cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ, chiến sỹ, bà con trên đảo.

Đại hội cũng đã giao lưu với ông Lê Văn Xê, Chủ tịch trang trại Phương Uyên, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương được biết đến với vai trò là người triển khai mô hình trang trại có giá trị kinh tế cao, lợi nhuận hàng năm đạt trên 10 tỷ đồng cũng như người tạo ra giống cây không hạt, đáp ứng nhu cầu trong nước và mở ra kỳ vọng xuất khẩu lớn.

Có tên tham gia giao lưu tại Đại hội nhưng Nguyễn Thị Ánh Viên – cô gái Vàng của thể thao nước nhà đang bận tập huấn tại Hoa Kỳ, không thể về dự. Trong đoạn băng giới thiệu tại Đại hội, Ánh Viên đã chia sẻ về con đường đi đến với những tấm huy chương, chinh phục đỉnh cao trên các đấu trường khu vực và quốc tế không hề đơn giản. Tại Đại hội, thay mặt con gái, bố mẹ Nguyễn Thị Ánh Viên đã giao lưu với các đại biểu dự Đại hội và bày tỏ mong muốn con gái mình tập luyện thật tốt.

6 tấm gương giao lưu chiều nay là 6 điển hình đại diện cho các lĩnh vực, vùng miền và đều có những thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước những năm qua, được các cấp, các ngành ghi nhận, biểu dương và được nhân dân yêu mến.

Theo chương trình, ngày 7/12 sẽ diễn ra phiên khai mạc chính thức của Đại hội. Cùng với việc tổng kết phong trào thi đua và công tác khen thưởng trong 5 năm qua, Đại hội sẽ tiếp tục giao lưu với các điển hình nhằm trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong  việc thực hiện các phong trào thi đua trong thời gian qua./.

Hiền Hòa

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực