Google, Facebook… phải đặt cơ quan đại diện tại Việt Nam?

Thứ tư, 04/04/2018 17:46
(ĐCSVN) – Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị, quy định không yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải đặt máy chủ nhưng phải đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam.
 

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận 2 dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. (Ảnh: TTXVN)

Chiều 4/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách để thảo luận về dự án Luật An ninh mạng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QPAN) Trần Ngọc Khánh cho biết, khi bàn về dự luật này, bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng đối với doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam là vấn đề vẫn gây nhiều tranh cãi. Nhiều ý kiến nhất trí với quy định là bắt buộc các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam tại Việt Nam. Tuy nhiên, một số ý kiến không nhất trí với quy định này, vì cho rằng khó bảo đảm tính khả thi, không đúng với thực tiễn, gia tăng chi phí của doanh nghiệp nước ngoài, gây khó khăn cho các hoạt động tiếp cận thông tin và trái với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên... nên đề nghị nghiên cứu phương pháp quản lý khác cho phù hợp.

Đây tiếp tục là vấn đề lớn xin ý kiến ĐBQH hoạt động chuyên trách tại hội nghị này. 

Tại dự thảo mới nhất trình hội nghị, ông Trần Ngọc Khánh cho biết, tiếp thu ý kiến các đại biểu, Ủy ban QPAN đề nghị không quy định về yêu cầu đặt máy chủ quản lý dữ liệu trên lãnh thổ Việt Nam để bảo đảm tính khả thi và thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ vào Việt Nam.

Tuy vậy, Ủy ban QPAN đề nghị, quy định doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam và lưu trữ tại Việt Nam đối với thông tin cá nhân người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, các dữ liệu quan trọng khác được thu thập, tạo ra từ hoạt động khai thác cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia của Việt Nam theo quy định của Chính phủ.

Theo phân tích, việc quy định như vậy sẽ có nhiều thuận lợi. Trước hết, đáp ứng được yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với dữ liệu điện tử và xử lý các tình huống, hành vi trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; gắn nghĩa vụ, trách nhiệm của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong việc phối hợp cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ điều tra, xác minh, xử lý vi phạm liên quan đến người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam; bảo đảm tính khả thi khi phối hợp ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin chống Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật của Việt Nam; ngăn chặn có hiệu quả hoạt động chống phá của các đối tượng phản động, gián điệp trong và ngoài nước sử dụng không gian mạng.

Hơn nữa, quy định như vậy phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; phù hợp với Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn hiện nay khi theo thống kê của Bộ Công an, tính đến tháng 01/2018, Google đã thuê 1.781 máy chủ, Facebook đã thuê 441 máy chủ của các doanh nghiệp Việt Nam để lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam.

Ông Trần Ngọc Khánh cũng cho biết quy định như vậy sẽ tạo hành lang pháp lý cho các bộ, ngành chức năng quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới khi kinh doanh vào Việt Nam; đảm bảo chủ quyền thanh toán, chống thất thu thuế đối với các doanh nghiệp này; đồng thời, xóa bỏ sự bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước. 

Phát biểu tại Hội nghị, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cho rằng, quản lý không gian mạng hiện nay là vấn đề hết sức khó khăn. “Làm thế nào để quản lý, ngăn chặn các nội dung không có lợi cho an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội nhưng vẫn bảo đảm không vi phạm các điều khoản quốc tế mà Việt Nam ký kết?” – Ông đặt câu hỏi.

Đại biểu cũng lưu ý, doanh nghiệp và cử tri đang lo ngại tác động của luật này với hoạt động của doanh nghiệp trong ngành công nghệ viễn thông, nội dung số. Bởi dự thảo luật có nhiều nội dung ràng buộc dẫn đến giảm lợi ích của doanh nghiệp, dẫn đến doanh nghiệp ngại đầu tư, phát triển công nghệ, dịch vụ. Mặt khác, Luật cũng ảnh hưởng đến quyền riêng tư, tự do của công dân…

“Ban soạn thảo cần nghiên cứu để quy định hài hòa giữa bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và quyền của con người được quy định trong Hiến pháp, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đầu tư phát triển” – đại biểu đề nghị.

Đóng góp cụ thể về phạm vi điều chỉnh, đại biểu cho rằng dự luật quy định khá rộng, bao quát hết các vấn đề liên quan đến vấn đề an ninh mạng, các hoạt động trên không gian mạng nhưng lại chồng chéo về nội dung, thẩm quyền quản lý nhà nước được quy định tại các văn bản luật khác như: Luật Cơ yếu, Luật Công nghệ thông tin… nên Ban soạn thảo cần cân nhắc thêm để đảm bảo việc áp dụng dễ dàng.

Về bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng, ông ủng hộ quan điểm doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam và lưu trữ tại Việt Nam đối với thông tin cá nhân người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam. Tuy vậy, ông đặt câu hỏi, với công nghệ điện toán đám mây hoạt động trên quy mô toàn cầu thì quy định chỉ lưu trữ đối với thông tin cá nhân người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tính khả thi ra sao? Quy định này có đi ngược thông lệ quốc tế khi internet là thông tin mạng mang tính toàn cầu không?.

Ở chiều ngược lại, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) phân tích, với công nghệ phát triển hiện nay, máy chủ có thể không phải là máy cụ thể vì theo thuật toán đám mây, máy chủ là máy ảo cho phép người sử dụng truy cập dịch vụ công nghệ từ nhà cung cấp. Do vậy, đại biểu đồng tình với đề nghị không quy định doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải đặt máy chủ tại Việt Nam.

Cũng từ thực tiễn máy chủ có thể là máy ảo, đại biểu cho rằng cần xem xét yêu cầu đặt văn phòng đại diện, cơ quan đại diện tại Việt Nam. Ông lo ngại việc bắt buộc doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện, văn phòng máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng tại Việt Nam là khó khả thi. Bởi hiện nay máy chủ mà những người sử dụng thường xuyên trên internet, Google, Facebook, Youtube… đều đặt tại nước ngoài. “Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu nào có khả năng đáp ứng được nên quy định này khó khả thi” – đại biểu Đinh Duy Vượt phát biểu.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến nay Google, Facebook chưa có đại diện chính thức tại Việt Nam. Đối với dịch vụ quảng cáo trực tuyến của Google, YouTube, Facebook, cơ quan Thuế chỉ mới quản lý thuế đối với các khoản thu nhập phát sinh từ đối tác/đại lý quảng cáo hoặc các doanh nghiệp mua dịch vụ trực tiếp của các công ty này tại Việt Nam. Theo thống kê ban đầu, kết quả như sau: Năm 2016, các công ty trong nước nộp thuế thay cho Google, YouTube, Facebook là 46,86 tỷ đồng (thuế giá trị gia tăng là 25,28 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp là 21,58 tỷ đồng); trong 9 tháng đầu năm 2017, các công ty trong nước nộp thuế thay cho Google, YouTube, Facebook là 73,2 tỷ đồng (thuế giá trị gia tăng là 39,08 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp là 34,12 tỷ đồng). 
Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực