Góp ý dự thảo Nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông

Thứ tư, 16/08/2017 16:11
(ĐCSVN) – Sáng 16/8, tại Đà Nẵng, Văn phòng Chính phủ phối hợp với tổ chức Oxfam tại Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Toàn cảnh Hội thảo sáng 16/8, tại Đà Nẵng (ảnh: Đình Tăng)

Chủ trì Hội thảo có ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, bà Babeth Ngọc Hân Lefur - Giám đốc Oxfam tại Việt Nam...

Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Cục Giám sát Thủ tục hành chính và các bộ phận, đơn vị liên quan thuộc Văn phòng Chính phủ; đại diện HĐND, UBND, Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Trung tâm hành chính công, phòng hành chính công các huyện, thành phố thuộc môt số tỉnh, thành lân cận: Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định,...

Thông tin tại Hội thảo cho biết, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong những năm qua được xem là giải pháp nâng cao trách nhiệm giải quyết công việc của các cơ quan hành chính nhà nước thông qua việc đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước, tạo cơ sở cho quá trình thực hiện và tăng cường khả năng giám sát của nhân dân, các tổ chức, cá nhân đối với việc thực thi nhiệm vụ trong thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ của mình.

Nghị định 150/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã chuyển nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính và triển khai cơ chế một cửa, một của liên thông về Văn phòng Chính phủ. Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị định số 150/2016/NĐ-CP và Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã xây dựng dự thảo Nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Trên cơ sở Kế hoạch xây dựng Nghị định và trong khuôn khổ hợp tác với Oxfam, thông qua Hội thảo lần này, Văn phòng Chính phủ mong muốn lấy ý kiến rộng rãi và chuyên sâu từ các địa phương cũng như các chuyên gia, Bộ, ngành có liên quan của Trung ương nhằm bổ sung, hoàn thành dự thảo Nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết: Thời gian qua, cùng với sự đổi mới trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, công tác cải cách hành chính (CCHC) đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Những thay đổi về thể chế đã giúp nâng cao hiệu quả chính sách pháp luật trên các lĩnh vực, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động của các tổ chức, cá nhân, bảo đảm quyền và lợi ích của công dân, tổ chức theo tinh thần của Hiến pháp mới. Đặc biệt, trong lĩnh vực thủ tục hành chính (TTHC) thời gian qua được Chính phủ xác nhận là nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020, được coi là một trong những giải pháp quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Đi đôi với với quá trình cải cách TTHC trên các lĩnh vực, giảm mạnh, bãi bỏ những TTHC gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã được triển khai và được xem như là giải pháp trong đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết TTHC cho các tổ chức, cá nhân; tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, viên chức; tăng tính liên thông, kết nối, chia sẻ thông tin trong giải quyết TTHC, tạo hành lang pháp lý cho việc đánh giá chất lượng giải quyết TTHC tại các cấp chính quyền, cho tổ chức và hoạt động của các trung tâm hành chính công, tạo chuyển biến tích cực trong giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức.

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành, những kết quả CCHC đã góp phần tích cực vào công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền các địa phương các cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước.

“Thực hiện cơ chế một cửa là chủ trương nhất quán của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã đưa quy định cụ thể để áp dụng và ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn một số tồn tại, hạn chế, làm giảm hiệu quả của cơ chế một cửa, một cửa liên thông như: Chất lượng triển khai cơ chế này ở nhiều địa phương còn thấp; vẫn còn tình trạng quá hạn trong giải quyết hồ sơ TTHC; người dân, doanh nghiệp vẫn phải đi lại nhiều lần, nhiều cơ quan để thực hiện một TTHC. Nguyên nhân của tình trạng này là do sự phối hợp giữa các cơ quan còn hạn chế; việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa hiệu quả... ”- ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết.

Chính vì vậy, để đảm bảo gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa CCHC với xây dựng Chính phủ điện tử và kiểm soát TTHC, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân và định hướng chuyển trọng tâm từ xây dựng sang hoàn thiện và tổ chức thực hiện cơ chế, Chính phủ đã có bước điều chuyển quan trọng, chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước về kiểm soát TTHC và chủ trì triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC, cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC từ Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ sang Văn phòng Chính phủ. Đồng thời, tại Nghị định số 01/NĐ-CP, ngày 1/1/2017 của Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ Nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và tổ chức triển khai thực hiện sau khi Nghị định Chính phủ ban hành.

Trao đổi tại Hội thảo, bà Babeth Ngọc Hân Lefur - Giám đốc của Oxfam tại Việt Nam cho rằng, dự thảo Nghị định có sự hỗ trợ, phối hợp của nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị, trong đó có Oxfam. Thông qua việc xây dựng và ban hành Nghị định này sẽ góp phần đưa tiếng nói của người dân đến với các cơ quan hoạch định chính sách.

Theo bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Nghị định hiện nay đưa vào nhiều điểm mới và tiến bộ như: Nguyên tắc công khai, minh bạch và giải trình, đảm bảo sự tham gia của người dân vào giám sát, đánh giá thực hiện TTHC theo cơ chế một cửa; áp dụng hệ thống công nghệ thông tin trong vận hành văn phòng một cửa điện tử. Những điểm mới này là then chốt góp phần hiện thực hóa nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công.

Tuy nhiên, qua kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới, Babeth Ngọc Hân Lefur lưu ý, việc hòan thiện hệ thống dịch vụ hành chính công minh bạch, thân thiện với người dân, tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí giao dịch, loại bỏ mọi chi phí không chính thức là hết sức cần thiết. Gắn liền với hệ thống dịch vụ hành chính công là các cơ chế độc lập để người dân giám sát và phản hồi về chất lượng dịch vụ hành chính công, là động lực mạnh mẽ giúp cải cách và hoàn thiện hệ thống dịch vụ hành chính công. Bên cạnh đó, vai trò và tiếng nói của người dân cần được thể chế hóa vào Nghị định, đặc biệt trong các quy định về giám sát và đánh giá.

Do đó, bà Babeth Ngọc Hân Lefur đề nghị: “Nghị định cần quy định giám sát dịch vụ hành chính công thông qua ý kiến đánh giá độc lập, khách quan của các tổ chức, quy định lộ trình xây dựng và vận hành hệ thống một cửa điện tử phù hợp với lộ trình chung vận hành Chính phủ điện tử; Xây dựng hệ thống giám sát và các chỉ số đánh giá, trong đó có sự tham gia của người dân, đặc biệt là sự tham gia của nhóm yếu thế, phụ nữ, người dân tộc thiểu số và người khuyết tật”.

Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo (ảnh: Đình Tăng)

Tại Hội thảo, hầu hết các ý kiến đều thống nhất nội dung dự thảo Nghị định mà Văn phòng Chính phủ đưa ra. Tuy nhiên, các địa phương cũng nêu lên thực tế khó khăn, hạn chế mà các trung tâm dịch vụ hành chính công của các tỉnh, thành, các phòng hành chính công thuộc các huyện, quận các địa phương đang triển khai.

Theo các đại biểu, những bất cập, khó khăn về cơ sở vật chất, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các trung tâm, phòng hành chính công nhiều nơi còn yếu, còn thiếu. Hiện nay, ở một số địa phương có biểu hiện phân tán lực lượng ở Bộ phân một cửa, hay chuyển về ở các cơ quan chức năng giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, bởi thực tế nhiệm vụ của Bộ phận một cửa đặt tại Trung tâm hành chính công chủ yếu là tiếp nhận và trả hồ sơ; còn giải quyết hồ sơ là do các cơ quan chuyên môn…

Từ những bất cập trên, nhiều đại biểu kiến nghị Văn phòng Chính phủ khi xây dựng dự thảo Nghị định nên cân nhắc để phát huy hiệu quả cao nhất của mô hình một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC hiện nay./.

Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực