Hải Dương tập trung giảm thiểu thiệt hại cho hộ chăn nuôi mắc dịch tả lợn châu Phi

Thứ tư, 13/03/2019 17:52
(ĐCSVN) – Mặc dù các cấp, các ngành của tỉnh Hải Dương đang quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng chống, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi phát triển diện rộng, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, công tác này hiện cũng gặp không ít khó khăn…

Hải Dương: Quyết liệt ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi

Đắk Lắk huy động cả hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Toàn tỉnh Hải Dương hiện đã có 6 huyện: Kinh Môn, Tứ Kỳ, Kim Thành, Gia Lộc, Ninh Giang, Bình Giang công bố dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).

Ghi nhận của phóng viên tại ổ DTLCP đầu tiên và cũng là duy nhất hiện nay của huyện Gia Lộc, tất cả các con đường dẫn vào thôn Quán Đào, xã Tân Tiến đều có các chốt kiểm tra, phun thuốc tiêu độc khử trùng các loại phương tiện.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tiến Lê Văn Dũng, xã hiện có 245 hộ nuôi lợn với tổng đàn là 5.993 con. Đến ngày 12/3, xã có 57 con lợn nhiễm bệnh DTLCP bị tiêu hủy tại 3 hộ ở thôn Quán Đào. Từ khi phát hiện ổ dịch bệnh đầu tiên ở hộ gia đình ông Phạm Văn Bình, chính quyền xã đã thành lập 3 chốt kiểm dịch, cắt cử lực lượng trực để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định: rắc vôi bột, phun thuốc sát trùng khu vực ổ dịch và vùng lân cận.

Ông Đỗ Văn Thanh, một người dân thôn Quán Đào, xã Tân Tiến đang tham gia phun thuốc khử trùng dọc các tuyến đường xung quanh thôn cho biết: "Chúng tôi thực hiện công việc tiêu khử đến nay đều ngày 2 lượt, đối với những hộ tiếp giáp với ổ dịch thì ngày 1 lượt, xa hơn thì 2 ngày 1 lượt”.

Thực hiện tiêu độc khử trùng các loại phương tiện qua lại ổ dịch tại thôn Quán Đào, xã Tân Tiến. Ảnh: TH.

Tại gia đình ông Phạm Văn Bình, nơi ổ dịch đầu tiên được phát hiện, toàn bộ đàn lợn 52 con nhiễm bệnh DTLCP đã được tiêu hủy theo quy định.

Ông Bình cho hay, trong số 52 con đã tiêu hủy thì có đến 51 con là lợn con, lợn choai giá thị trường ước khoảng 1,4 đến 1,5 triệu/con. Hiện nay, mức hỗ trợ 38.000 đồng cho một kg thịt lợn mắc bệnh phải tiêu hủy cũng đã cơ bản giúp người chăn nuôi vượt qua khó khăn, bù đắp chi phí đầu tư ban đầu. Tuy nhiên, đối với mỗi con lợn con, choai ước chừng nặng 10-20kg như gia đình ông thì mức hỗ trợ còn chưa thực sự tương xứng với giá trị.

Đồng cảnh ngộ, ông Vũ Văn Hùng chia sẻ, gia đình ông chỉ nuôi 4 con lợn đực giống, nhưng cũng bị nhiễm DTLCP hết trong đợt này. 4 con lợn này là giống lợn ngoại, hiện trị giá khoảng hơn 120 triệu đồng. Nay lợn chết xót tiền cũng có, bởi kinh tế gia đình trông chờ cả vào việc nuôi lợn, nhưng thương lợn thì nhiều hơn vì chúng đã gắn bó với gia đình ông được 2-3 năm.

“Có những hôm giá rét, 1-2h sáng tôi còn thức để sưởi ấm cho chúng”, ông Hùng nói.

Ông Hùng cho hay, dịch bệnh là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, ông cũng mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ riêng đối với lợn giống, lợn nái theo giá trị trường. Bởi hiện nay 4 con lợn giống ngoại nhà ông được khoảng 6,1 tạ, nếu theo giá hỗ trợ của Nhà nước chỉ được hơn 23 triệu đồng, như vậy là còn thiệt thòi cho người chăn nuôi.

Là người trực tiếp tham gia vào công tác phòng chống dịch tại xã, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban chăn nuôi thú y xã cho hay: Hiện cả xã chỉ ông phụ trách công việc này kiêm luôn nhân viên. Ở các thôn, nhân viên làm công tác thú ý thì không được hưởng chế độ, chính sách hàng tháng. Vì vậy, mỗi khi có dịch là phải căng mình, không quản ngày đêm lăn lộn trong vùng dịch.

Nói về những khó khăn trong công tác phòng chống dịch tại cơ sở, ông Hiếu chia sẻ thêm: Hiện, quần áo chống dịch chỉ khi thực hiện công tác tiêu hủy mới được phát, sau đó đốt luôn. Có những khi phát hiện ổ dịch mới cần đến hỗ trợ kịp thời thì không có trang thiết bị, đôi khi phải “vận dụng” mặc áo mưa 1 lần. Trong khi đó, kinh phí cho công tác này còn hạn hẹp, vì hiện tại do xã tự ứng trước kinh phí.

Đến ngày 12/3, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Gia Lộc đã cấp cho xã 108 lít thuốc khử trùng, tuy nhiên vẫn không đáp ứng được yêu cầu hiện nay.

Quyết liệt tiêu hủy lợn nhiễm bệnh tại huyện Ninh Giang. Ảnh: TH.

* Đến Ninh Giang là huyện có nhiều xã, nhiều ổ DTLCP nhất trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Chỉ sau 6 ngày DTLCP xuất hiện trên địa bàn huyện, đến ngày 12/3, toàn huyện đã có 15 hộ chăn nuôi của 5 xã Ninh Thành, Tân Hương, Nghĩa An, Văn Hội và Văn Giang nhiễm bệnh DTLCP.  Ghi nhận của phóng viên, trên địa huyện triển khai nhiều biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh; lập chốt tại các khu vực xảy ra dịch, trong đó chú trọng các tuyến đường liên huyện, liên xã. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã cấp hơn 1.800 lít thuốc tiêu độc, khử trùng cho các địa phương để tiến hành phun khử trùng. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng lợn chết vẫn đang xuất hiện tại các xã khác.

Lý giải nguyên nhân trên, đại diện Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ninh Giang cho biết: Địa bàn huyện rộng, số hộ chăn nuôi lớn (trên 3.770 hộ), trong đó chủ yếu là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Trước khi xuất hiện dịch, hoạt động mua bán, tái đàn diễn ra thường xuyên. Thêm vào đó, tần suất các phương tiện vận chuyển thức ăn chăn nuôi, vận chuyển lợn qua lại địa bàn lớn nên nguy cơ xâm nhiễm DTLCP cao hơn. Ngoài ra, Ninh Giang lại tiếp giáp với các tỉnh đã xuất hiện DTLCP như Thái Bình, Hải Phòng. Đây cũng là một trong những yếu tố làm cho bệnh DTLCP lây lan nhanh ở huyện Ninh Giang.

Bà Phạm Thị Thoa ở đội 2, xã Nghĩa An, huyện Ninh Giang cho hay: Gia đình hiện đang nuôi 40 con lợn. Được tuyên truyền về cách phòng chống DTLCP, hiểu được sự nguy hiểm của bệnh DTLCP, gia đình bà thực hiện “5 không”: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn chăn nuôi dư thừa chưa qua xử lý…. Đồng thời, chủ động mua thuốc sát trùng ở các quầy thuốc chăn nuôi thú y về phun hàng ngày và dự trữ; rắc vôi bột quanh trang trại…

Song, bà Thoa cũng bày tỏ trăn trở, lợn đến độ bán nhưng hiện khó tiêu thụ, vì người tiêu dùng lo ngại dịch bệnh không dám ăn. Bà Thoa mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, để người dân hiểu được bản chất của dịch, không nên quay lưng với cả thực phẩm lợn an toàn gây khó khăn cho người chăn nuôi.

Tại huyện Cẩm Giàng, mặc dù chưa xuất hiện DTLCP, song lãnh đạo huyện cho biết, cùng với số lượng thuốc sát trùng cho Chi cục Thú y tỉnh cấp, huyện đã mua 400 lít thuốc sát trùng với tổng kinh phí hơn 60 triệu đồng được trích từ nguồn ngân sách của huyện để phát miễn phí phục vụ tiêu độc, khử trùng, phòng dịch tả lợn châu Phi ở các trang trại chăn nuôi, hộ chăn nuôi lợn tại 19 xã, thị trấn. Thời gian tới, huyện tiếp tục mua bổ sung 500 lít thuốc sát trùng để phát cho các trang trại và hộ chăn nuôi…/.

Thu Hằng - Đăng Dương - Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực