Hội nghị xin ý kiến xây dựng Nghị quyết về quy chế hướng dẫn tổ chức và hoạt động của HĐND

Thứ sáu, 16/03/2018 23:13

Ngày 16/3, tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, Ban Công tác đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã tổ chức Hội nghị xin ý kiến xây dựng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy chế hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND). Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dự và chỉ đạo hội nghị.

Dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan của Trung ương, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND 31 tỉnh, thành phố. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị.
Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Qua hai năm thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, mặc dù HĐND các cấp đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do Luật quy định. Tuy nhiên, qua giám sát về việc ban hành Nghị quyết và hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2017 cho thấy, việc tổ chức thực hiện những quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND có nội dung chưa phù hợp thực tế, còn thiếu văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; một số quy định mâu thuẫn trong việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương các cấp, chưa thực sự phát huy vị trí, vai trò của HĐND… 

Nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và tạo điều kiện để HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, đại biểu HĐND các cấp hoạt động được thuận lợi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ban Công tác đại biểu chủ trì xây dựng Đề án; đồng thời phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tham mưu về hướng dẫn tổ chức và hoạt động của HĐND để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong quý III năm 2018. Việc xây dựng Quy chế hướng dẫn tổ chức và hoạt động của HĐND trong thời điểm này là nhằm kịp thời cụ thể hóa những chủ trương, chính sách của Đảng về tổ chức và hoạt động của HĐND như tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII của Đảng; đồng thời kế thừa và phát triển những quy định về tổ chức và hoạt động của HĐND đã được thừa nhận trong quá trình tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND. 

Từ những kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố và yêu cầu thực tiễn đặt ra, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu, các đại biểu cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, thảo luận kỹ, thống nhất được những nội dung cơ bản xây dựng bản hướng dẫn thi hành luật thiết thực, hiệu quả... Tất cả các ý kiến tham gia của các đại biểu sẽ được tiếp thu, tổng hợp, báo cáo đầy đủ, nghiêm túc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, tham gia đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến những khó khăn, vướng mắc, thực trạng thực hiện những điểm mới về cơ cấu tổ chức, chức năng giám sát của HĐND theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Một số ý kiến kiến nghị, trong Quy chế cần có hướng dẫn cụ thể về tổ chức và hoạt động của HĐND đối với hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương; công tác phối hợp giữa Ban Công tác đại biểu với Thường trực HĐND trong việc tổ chức hội nghị; mối quan hệ phối hợp giữa Thường trực HĐND tỉnh với các cơ quan Trung ương, các cơ quan hữu quan ở địa phương và Thường trực HĐND cấp huyện, xã trong việc thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương; có giải pháp hữu hiệu trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, đại biểu HĐND các cấp. 

Để tháo gỡ những khó khăn, thực hiện tốt Luật Chính quyền địa phương, các đại biểu đề nghị cần sớm rà soát bổ sung, hoàn thiện các luật chuyên ngành; đồng thời ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp để xác định cụ thể quyền hạn, nhiệm vụ của lãnh đạo HĐND, các ban của HĐND, tổ đại biểu trong kỳ họp và giữa các kỳ họp. 

Các quy định về hoạt động giám sát của tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND cần rõ hơn, chi tiết về chủ thể giám sát, trách nhiệm của tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân chịu sự giám sát... Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để HĐND, Thường trực HĐND, các ban, các tổ và đại biểu HĐND thực hiện  hiệu lực, hiệu quả chức năng, thẩm quyền của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương./. 



Nguyễn Trọng Lịch/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực