Huyện Chợ Lách (Bến Tre): Khởi sắc từ xây dựng nông thôn mới

Thứ năm, 09/11/2017 09:11
(ĐCSVN)- Theo Ủy ban nhân dân huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), sau 2 năm triển khai thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới, diện mạo nông thôn ở đây đã khởi sắc, đời sống kinh tế, văn hóa của người dân có nhiều chuyển biến rõ nét.

Trong hai năm qua, huyện Chợ Lách đã tiếp tục đầu tư phát triển mạng lưới giao thông nông thôn khá đồng bộ. Toàn huyện có trên 100km đường thi công hoàn thành, trong đó đường cấp A là 26,45km, cấp B là 36,6km, và cấp C là trên 39km. Đối với đường cấp D, là loại đường do nhân dân tự đầu tư nâng cấp mặt bằng và xây dựng, bảo đảm không lầy lội vào mùa mưa.

Huyện cũng có 5 tuyến đường triển khai thực hiện và 5 tuyến đường chuẩn bị đầu tư trên địa bàn 2 xã Long Thới và Tân Thiềng, với số tiền 8,3 tỷ đồng từ nguồn vốn được cấp từ tỉnh Bến Tre. Trên địa bàn 9 xã, có 10 tuyến đường công trình Thanh niên tình nguyện hè, với số tiền 3,7 tỷ đồng từ nguồn vốn tỉnh tạm ứng.

Ông Trần Văn Đém, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Chợ Lách cho biết, có được các kết quả trên là do Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện xác định công tác tuyên truyền, vận động là việc làm thường xuyên, liên tục trong xây dựng nông thôn mới. Huyện đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể từ huyện đến xã tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động nhằm tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và người dân về xây dựng nông thôn mới.

Với phương châm hướng mạnh công tác dân vận về cơ sở, Ban Dân vận Huyện ủy Chợ Lách phối hợp cùng các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động Nhân dân "Chung sức xây dựng nông thôn mới". Bằng các hình thức như tuyên truyền miệng, thông qua hội nghị, cuộc họp, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, tuyên truyền trên hệ thống Đài truyền thanh, qua các hoạt động văn hoá văn nghệ, hội diễn, hội thi, đã góp phần vào thành công chung của công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện thời gian qua.

Vườn cây trái ở Chợ Lách - Bến Tre. (Ảnh: K.V)

Các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương tích cực phát động phong trào thi đua chung tay xây dựng nông thôn mới trong cán bộ, đoàn viên, hội viên. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện đã phát động các tổ chức thành viên đẩy mạnh thực hiện 5 nội dung Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; Ban Dân vận Huyện ủy phát động phong trào "Dân vận khéo" trong xây dựng nông thôn mới; Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phát động phong trào "5 không 3 sạch'' Hội Cựu Chiến binh với phong trào giúp nhau phát triển kinh tế qua mô hình " 5 + 1", đã thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân tham gia.

Với sự tham gia tích cực của Hội Phụ nữ các cấp, ở huyện Chợ Lách, vai trò của phụ nữ đã thể hiện rất rõ trong việc hoàn thành nhiều tiêu chí nông thôn mới. gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, chị em hội viên, phụ nữ tham gia tích cực, từ đó phong trào xây dựng các tuyến đường hoa, tuyến đường xanh, sạch, đẹp, tuyến đường xanh, sạch, sáng từng bước được hình thành, tạo cảnh quan sạch đẹp nơi nông thôn và mỹ quan nơi đô thị.

Để xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, chị em phụ nữ còn quan tâm phát triển kinh tế. Thông qua các lớp tập huấn kiến thức, kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, truyền nghề, giới thiệu việc làm, nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả ra đời. Đã thành lập 05 mô hình liên kết sản xuất cây giống, hoa kiểng, có 90 thành viên tham gia; 101 tổ nghề nghiệp, với hơn 1.800 thành viên. Trong đó gồm có tổ quay chậu, tổ chăn nuôi, tổ may giỏ, tổ đan bội,... Các làng nghề truyền thống ở địa phương được duy trì và phát triển. Qua đó đã tạo điều kiện cho chị em nữ vươn lên phát triển kinh tế gia đình và có đời sống khá. Trong 10 năm (2007-2017), toàn huyện Chợ Lách đã có gần 2.000 lao động nữ được đào tạo nghề, hơn 6.600 lao động nữ được giới thiệu việc làm; hơn 6.300 lượt phụ nữ nghèo được giúp đỡ, qua đó có hơn 2.000 hộ nghèo do nữ làm chủ hộ thoát nghèo…

Nhiều địa phương của huyện Chợ Lách sau một thời gian triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, cũng đã nhanh chóng đạt được mục tiêu đề ra, được Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Điển hình như huyện Vĩnh Bình, thời gian qua là làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, để  nhân dân hiểu rõ nội dung, mục đích, ý nghĩa của chương trình; ưu tiên tập trung nguồn lực cho phát  triển hệ thống hạ tầng thiết yếu, nhất là  giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, điện, nước sinh hoạt; vận động nhân dân tích cực tham gia đóng góp vật chất, hiến đất, hoa màu, ngày công lao động và các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, phong trào làm đường giao thông nông thôn được nhân dân hưởng ứng tích cực. Hiện tại các tuyến đường đến trung tâm xã, trục xã, liên xã, đường từ xã đến ấp, liên ấp được bê tông, nhựa hóa, cứng hóa đạt chuẩn theo quy định và đường từ ấp đến khu dân cư không còn lầy lội vào mùa mưa. Các công trình thuỷ lợi được triển khai thi công mang lại hiệu quả an toàn, đảm bảo chủ động phục vụ 95% nhu cầu tưới, cấp nước, ngăn mặn, kiểm soát lũ…

Cũng theo lãnh đạo huyện Chợ Lách, đến nay, huyện đã có 10/10 xã có quy hoạch, quy chế quản lý quy hoạch nông thôn mới và đề án xây dựng nông thôn mới được phê duyệt. Các xã Sơn Định, Phú Sơn, Vĩnh Bình, Long Thới và Tân Thiềng đã hoàn thành cắm bảng thông tin lộ giới và chỉ giới xây dựng. 5 xã còn lại đang triển khai thực hiện, dự kiến hoàn thành trong năm 2017.

Việc xây dựng hệ thống đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái của nhân dân được đẩy mạnh. Đến nay, có 88,4% diện tích đất nông nghiệp được đê bao, chống bão cấp 6 và đỉnh triều đạt + 2; 78,9km đê bao diện tích trên 1,9 ngàn héc-ta, có khả năng chống bão dưới cấp 6 và đỉnh triều đạt + 1,8; 60km bờ bao trên 2,6 nghìn ha vườn hộ dân, bờ bao không có khả năng chống được bão. Song song đó, diện tích đất trồng cây ăn trái được chuyển đổi theo hướng chuyên canh, trồng tập trung những loại cây đặc sản, giá trị kinh tế cao.

Toàn huyện đã chuyển đổi 580 ha vườn tạp, cây trồng có giá trị thấp, nhãn nhiễm bệnh sang trồng cây có giá trị cao như: bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm và cây giống, hoa kiểng. 1.500 hộ dân vùng bị ảnh hưởng hạn mặn được tập huấn các biện pháp ứng phó, hạn chế thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi và khôi phục sản xuất. 300 nông dân được tập huấn chuyển đổi cây trồng và nâng cao năng suất, chất lượng trái cây. Các tổ hợp tác ở Phú Phụng, Vĩnh Bình, Long Thới, Tân Thiềng được tư vấn trồng, chăm sóc chôm chôm để được chứng nhận VietGAP. Đồng thời, huyện phối hợp với các ngành tỉnh triển khai việc xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

Ông Trần Văn Đém, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Chợ Lách cho biết thêm, hiện Chợ Lách đã có 100% xã, ấp được phủ kín lưới điện; 99% hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn, 10 xã có chợ được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố. 10/10 trạm y tế xã được xây dựng mới, còn thiếu trang thiết bị đạt chuẩn theo quy định. Tổng số nhà hộ dân trên 10 xã là 30.981 căn, trong đó có 24.723 căn đạt chuẩn; còn gần 1.000 căn nhà tạm cần nâng cấp, sửa chữa hoặc xây mới…./…

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực