Khả năng tái đắc cử của Tổng thống D.Trump phụ thuộc tương lai nền kinh tế

Thứ bảy, 17/08/2019 10:51
Trong tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục đưa ra những cáo buộc không chỉ đối với Ngân hàng Dự trữ liên bang (FED) đang kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế với mức lãi suất cao, mà còn cho rằng báo chí truyền thông đang cố gắng “đánh sập” nền kinh tế với những tin tức giả mạo.

 

Ông Donald Trump (Ảnh: ibtimes.co.uk)


Những động thái trên của Tổng thống Trump bị cho là nhằm đánh lạc hướng những chỉ trích nhắm vào ông khi xuất hiện những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại và có nguy cơ rơi vào suy thoái. Nếu khả năng này xảy ra ngay trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2020, niềm hy vọng tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai của ông chủ Nhà Trắng sẽ bị “dập tắt”.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, các nhà phân tích nhận định, xu hướng phát triển hay suy giảm của nền kinh tế sẽ quyết định tới kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 và chắc chắn rằng một cuộc suy thoái sẽ có tác động nghiêm trọng tới đảng cầm quyền hiện nay.

Trong thế kỷ trước, các tổng thống Mỹ thất bại trong cuộc tái tranh cử là do nền kinh tế Mỹ thường rơi vào suy thoái trước các cuộc bầu cử, ví dụ như thời của Tổng thống George H.W. Bush (Gioóc-giơ Bu-sơ) năm 1992, Tổng thống Jimmy Carter (Gim-mi Các-tơ) năm 1980 và Tổng thống Herbert Hoover (Hơ-bớt Hu-vơ) năm 1932. Cụ thể, đối với Tổng thống Bush, nếu như vào tháng 2/1991, tỷ lệ ủng hộ ông trong cuộc thăm dò của Gallup đạt tới mức đáng kinh ngạc là 89% sau Chiến tranh vùng Vịnh thì đến tháng 6/1992, tỷ lệ ủng hộ của ông đã giảm xuống 38% khi tỷ lệ thất nghiệp lên đến cao đỉnh điểm. Ngay trước ngày bầu cử, vào giữa tháng 10/1992, tỷ lệ này là 34% và ông Bush đã bị đánh bại bởi đối thủ đảng Dân chủ Bill Clinton (Bin Clin-tơn).

Theo các chuyên gia, vấn đề kinh tế có ý nghĩa quan trọng đối với Tổng thống Trump còn hơn cả những người tiền nhiệm của ông và tỷ lệ ủng hộ ở mức 40% đã cho thấy sự nguy hiểm tới Tổng thống đương nhiệm. Nền kinh tế chính là yếu tố sống còn giúp Tổng thống Trump có khả năng tái đắc cử bởi ông không được đánh giá cao trong hầu hết các vấn đề chính sách khác cũng như khả năng lãnh đạo và tính cách.

Ông Joe Trippi (Giâu Tríp-pi), nhà chiến lược của đảng Dân chủ, nhận định: “Nếu nền kinh tế là thứ giúp Tổng thống Trump có được tỷ lệ ủng hộ 43%, điều gì sẽ xảy ra nếu có một cuộc suy thoái hoặc sự suy giảm của thị trường chứng khoán vào năm 2020? Nếu nó xảy ra vào thời điểm đó, điều gì sẽ giúp cho ông Trump tiếp tục có được sự ủng hộ. Hiện có nguy cơ rằng thứ duy nhất đang giúp ông Trump duy trì sự ủng hộ của các cử tri đang dần mất đi. Và khi đó, ông Trump sẽ thực sự gặp rắc rối”.

Mặc dù vẫn chưa chắc chắn, nhưng một kịch bản như vậy sẽ là một “món quà chính trị” đối với đảng Dân chủ, những người thường tránh đề cập tới những thành tựu kinh tế đạt được dưới chính quyền Tổng thống Trump cho tới thời điểm hiện nay như tỷ lệ thất nghiệp thấp, chứng khoán đạt mức kỷ lục và tỷ lệ lạm phát thấp. Thay vào đó, họ sẽ chỉ xoáy vào sự bất bình đẳng thu nhập đang gia tăng và chi phí không thể chi trả cho chăm sóc sức khỏe và đại học để lập luận rằng tầng lớp lao động không cảm thấy nền kinh tế Mỹ đang thịnh vượng nhằm giành phiếu ủng hộ từ cử tri.

Như vậy, đối với Tổng thống Trump, khó khăn đang hiện hữu và cần vị Tổng thống từng là nhà kinh doanh “lẫy lừng” nhất nước Mỹ đưa ra những chiến lược cụ thể nhằm ngăn chặn khả năng xảy ra suy thoái và chèo lái nền kinh tế đầu tàu của thế giới tiếp tục đạt được mức tăng trưởng kéo dài kỷ lục trong lịch sử. Có như vậy, niềm hy vọng trở thành vị Tổng thống thứ 46 của ông mới có khả năng trở thành hiện thực./.

 

         

Theo Đặng Huyền/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực