Khắc phục lợi ích nhóm, chia rẽ, cát cứ trong công tác quy hoạch

Thứ tư, 25/10/2017 14:45
(ĐCSVN) – Sáng 25/10, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quy hoạch. Đây là lần thứ 3 Quốc hội thảo luận về dự án Luật này.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Quy hoạch. Nhìn chung, các ý kiến phát biểu đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch và nhiều nội dung trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội băn khoăn về tính khả thi của dự thảo Luật, vì để triển khai thi hành Luật Quy hoạch cần phải sửa đổi nhiều luật hiện hành có liên quan, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định trong dự thảo Luật Quy hoạch. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội và các cơ quan có liên quan, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua dự án Luật tại kỳ họp thứ 3 để tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của dự án Luật.

Theo Báo cáo giải trình, để làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung cụm từ “hệ thống quy hoạch quốc gia” vào phạm vi điều chỉnh. Như vậy, Luật Quy hoạch là luật chung, quy định trình tự lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh, giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra hệ thống quy hoạch quốc gia tại Điều 5 của dự thảo Luật; quy định quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động quy hoạch.

Các quy hoạch phát triển ngành không liên quan đến phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường được loại trừ khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch.

Tổng cộng, có 25 Bộ Luật và Luật phải sửa để bảo đảm đồng bộ với Luật Quy hoạch. “Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Quốc hội cho phép bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 dự án một luật để sửa đồng thời các luật này theo hướng chia nhóm các luật theo ngành, lĩnh vực mà các bộ quản lý. Hiện nay Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành tập hợp, rà soát nhằm xác định phương án sửa chữa. Việc sửa đổi như vậy là khả thi và đảm bảo có hiệu lực cùng với Luật Quy hoạch theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh tóm tắt quan điểm.         

Dự thảo Luật Quy hoạch quy định theo hướng cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cũng đồng thời phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, trừ các quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Quốc hội, bao gồm quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Việc quy định Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch đối với các quy hoạch này sẽ tạo sự linh hoạt trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Đa số ý kiến phát biểu tại phiên họp đều ủng việc Quốc hội sớm thông qua Luật Quy hoạch và cho rằng dự thảo lần này đã giải quyết tương đối tốt những tồn tại mà Quốc hội đã chỉ ra từ kỳ họp trước. Một khi được Quốc hội thông qua, việc triển khai thi hành Luật sẽ giúp xoá bỏ tình trạng “đèn nhà ai nấy rạng” cũng như cơ chế xin - cho trong quy hoạch...

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Lê Minh Chuẩn phát biểu tại phiên họp sáng 25/10.
Ảnh: Nguyễn Dân/ TTXVN

Đại biểu Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh) cho rằng: Có một số bất cập có thể gây ra cách hiểu là có tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” khi lập tổ chức quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia và phê duyệt nhiệm vụ các quy hoạch này đều thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Cả 4 khâu của việc lập quy hoạch vùng đều thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thẩm quyền thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch cấp tỉnh liệu có phù hợp không khi cấp tổ chức quy hoạch lại là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh? Trong dự thảo Luật này chưa thấy việc phân quyền tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ thành lập Hội đồng thẩm định và quyết định phê duyệt cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh là theo những nguyên tắc nào để nâng cao tính ổn định của quy hoạch, tăng cường vai trò của Quốc hội, tăng cường thứ bậc trong hệ thống quy hoạch, khắc phục tình trạng chồng chéo cục bộ, lợi ích nhóm chia rẽ, cát cứ của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác quy hoạch.

Từ những phân tích trên, đại biểu Lê Minh Chuẩn đề xuất nguyên tắc xác định thẩm quyền tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ thành lập hội đồng thẩm định và quyết định phê duyệt quy hoạch như sau: Một, cấp quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch phải cao hơn cấp tổ chức lập quy hoạch. Hai, cấp nào quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch thì có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và thành lập Hội đồng quy hoạch.

Một vấn đề khác là băn khoăn của các đại biểu Quốc hội từ kỳ họp trước là thời gian có hiệu lực của Luật quy hoạch từ ngày 1/1/2019 và trong giai đoạn này sẽ phải sửa đổi 32 luật hoặc nhiều hơn nữa. Khi đã sửa đổi các luật này để đáp ứng tình hình phát triển của đất nước thì đến lúc đó liệu Luật quy hoạch có còn phù hợp với những luật sửa đổi này không và lúc đó có sửa Luật quy hoạch không? Trước những băn khoăn đó, dự thảo Luật quy hoạch đã được tiếp thu và bổ sung điều 71 mới để sửa đổi các quy định có nội dung đơn giản về kỹ thuật, không ảnh hưởng đến kết cấu của các luật đang điều chỉnh hoạt động quy hoạch. Đồng thời qua rà soát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung danh mục gồm 25 Luật tại Phụ lục của dự thảo Luật Quy hoạch và đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm tới một dự án luật để sửa đồng thời các luật này. Đồng tình với quan điểm sẽ xây dựng một Luật để sửa 25 luật, song nhiều đại biểu đề nghị cần rà soát toàn diện, kĩ lưỡng xem còn quy định nào khác có liên quan không để kịp thời điều chỉnh.

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) nêu ý kiến: "Việc ban hành Luật này đồng thời phải tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật quy định về hoạt động quy hoạch như điều 71 dự thảo Luật nêu ra thì liên quan đến nhiều luật khác, là vấn đề khó, chưa có tiền lệ, thời gian để tiếp cận nghiên cứu nội dung của luật này thì quá ít. Do đó, để đảm bảo tính thống nhất, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát đối chiếu xem còn những quy định nào khác có liên quan để kịp thời điều chỉnh, tránh chồng chéo trong áp dụng và tổ chức thực hiện khi luật này có hiệu lực".

Ngoài những nội dung trên, đại biểu Quốc hội còn cho ý kiến về một số nội dung khác như: hệ thống quy hoạch quốc gia; thời kỳ quy hoạch; nhiệm vụ lập quy hoạch; Hội đồng thẩm định quy hoạch…

Theo chương trình, chiều nay (25/10), Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ. Cùng với đó, Quốc hội cũng sẽ nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và dự án Luật An ninh mạng./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực