Khai mạc Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thứ hai, 11/03/2019 14:57
(ĐCSVN) - Theo chương trình, Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra trong 3 ngày để chuẩn bị các nội dung cho Kỳ họp thứ 7 và quyết định các vấn đề theo thẩm quyền.
Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: quochoi.vn)

Sáng ngày 11/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc Phiên họp thứ 32. Theo chương trình, Phiên họp sẽ diễn ra trong 3 ngày để chuẩn bị các nội dung cho Kỳ họp thứ 7 và quyết định các vấn đề theo thẩm quyền.

Xem xét, thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019 - 2021

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Tại phiên họp này, UBTVQH sẽ cho ý kiến về 5 dự án luật gồm dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); dự án Luật Kiến trúc; dự án Luật Giáo dục (sửa đổi); dự án Luật Thư viện và cho ý kiến về dự thảo  Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

UBTVQH cũng sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021; Nghị quyết quy định chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định cụ thể trong Luật Công an nhân dân năm 2018; xem xét, quyết định việc thành lập thị xã Mỹ Hào thuộc tỉnh Hưng Yên và thị trấn Vĩnh Viễn thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, so với dự kiến chương trình đã thông báo đến các cơ quan hữu quan thì chương trình Phiên họp thứ 32 của UBTVQH có 5 nội dung bị rút ra khỏi chương trình do các cơ quan không bảo đảm tiến độ chuẩn bị hoặc cần nghiên cứu hoàn thiện thêm. Đó là dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi); dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Danh mục dự án sử dụng dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nguồn ngân sách trung ương.

Bên cạnh đó, còn một số cơ quan trình gửi hồ sơ quá muộn nên nhiều Uỷ ban của Quốc hội phải tiến hành họp thẩm tra gần ngày họp của UBTVQH dẫn đến tài liệu gửi đến các thành viên UBTVQH bị chậm so với quy định.

Để bảo đảm phiên họp của UBTVQH diễn ra theo đúng quy định, vừa qua lãnh đạo Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội gửi văn bản thông báo ý kiến của UBTVQH. Trong đó, UBTVQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan rút kinh nghiệm, cần thực hiện nghiêm túc Chương trình công tác năm 2019 của UBTVQH đã được gửi đến Chính phủ và các cơ quan hữu quan, trong đó dự kiến cụ thể nội dung của từng phiên họp.

Chính phủ cũng cần quan tâm bố trí cho ý kiến đối với các nội dung trình UBTVQH vào thời điểm phù hợp, bảo đảm có thời gian cho các cơ quan hữu quan thực hiện đầy đủ các thủ tục trình theo đúng quy định của pháp luật.

Để bảo đảm chất lượng thẩm tra và hiệu quả phiên họp UBTVQH, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan thực hiện nghiêm túc các quy định về hồ sơ tài liệu. Trong đó, cần khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình tại phiên họp tháng 4, sớm hoàn thiện tài liệu để kịp tiến hành thẩm tra để kịp gửi tài liệu đến các đồng chí thành viên UBTVQH trước ngày 05/4/2019.

Các nội dung rút khỏi phiên họp tháng 3 nêu trên nếu bảo đảm đủ điều kiện theo quy định sẽ được UBTVQH xem xét tại phiên họp tháng 4. Dự án luật nào không trình UBTVQH tại phiên họp tháng 4 sẽ được báo cáo Quốc hội cho rút ra khỏi chương kỳ họp thứ 7 (do không kịp gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội trước ngày 01/5/2019 theo đúng quy định).

Nhấn mạnh phiên họp lần này diễn ra trong 3 ngày với nhiều nội dung quan trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị UBTVQH, các cơ quan hữu quan bố trí sắp xếp công việc, dự họp đầy đủ để thảo luận được đi vào trọng tâm vào các vấn đề cần được giải quyết.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Kiểm toán nhà nước

Ngay sau phiên khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước.

Trình bày sự cần thiết xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước ở thời điểm hiện tại, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, sau hơn 3 năm thi hành Luật Kiểm toán nhà nước 2015 đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Luật Kiểm toán nhà nước được sửa đổi, bổ sung sẽ góp phần hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước, của Tổng Kiểm toán nhà nước; làm rõ và đầy đủ phạm vi, đơn vị được kiểm toán phù hợp với đối tượng kiểm toán theo quy định của Hiến pháp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Kiểm toán nhà nước, bảo đảm sự đồng bộ với các luật khác có liên quan.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 bao gồm 3 điều, cụ thể: Điều 1 quy định về các nội dung sửa đổi, bổ sung, các khoản quy định nội dung sửa đổi, bổ sung được sắp xếp theo thứ tự tương ứng với trật tự các điều, khoản, điểm của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015. Điều 2 quy định về thời điểm có hiệu lực của văn bản. Điều 3 quy định về trách nhiệm tổ chức thực hiện.

Thẩm tra dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho biết, qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhận thấy, Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 mới ban hành được 3 năm, mặc dù có bộc lộ một số bất cập nhưng về cơ bản các quy định của Luật vẫn còn phù hợp với thực tiễn, phần lớn các vướng mắc không thực sự đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung. Trong 18 nội dung mà Kiểm toán nhà nước đưa ra thì chỉ có 5 nội dung Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách đồng tình với dự thảo Luật; 2 nội dung đề nghị chỉnh sửa lại; 11 nội dung là các vấn đề lớn thì đa số ý kiến tromg Thường trực Ủy ban không đồng tình vì chưa thực sự cần thiết và không đảm bảo công bằng và đề nghị giữ như Luật hiện hành. Hơn nữa nhiều đề xuất sửa đổi, bổ sung chưa nhận được sự đồng tình của các bộ ngành liên quan. Do vậy, đề nghị Kiểm toán nhà nước tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh lại dự thảo Luật theo hướng chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung thực sự cần thiết; nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động để tránh chồng chéo với cơ quan thanh tra theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW. Đối với những nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của các Luật chuyên ngành nếu phát sinh vướng mắc thì đề xuất sửa đổi, bổ sung luật có liên quan, không thể hiện các nội dung này trong Luật Kiểm toán nhà nước để tránh chồng chéo, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Qua thảo luận, các thành viên UBTVQH cho rằng, mặc dù dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước đã bổ sung các nội dung nhằm hướng tới mục tiêu khắc phục chồng chéo khi thực hiện nhiệm vụ giữa cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước, tuy nhiên các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung mà Kiểm toán nhà nước trình lần này lại chưa có sự đồng thuận cao giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo. Do vậy Kiểm toán nhà nước cần nghiên cứu, cân nhắc thật kỹ lưỡng đối với các nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật này.

Đa số các thành viên UBTVQH cũng cho rằng, kỹ thuật, lập luận và phân tích trong hồ sơ dự án Luật chưa thật thuyết phục, nhiều nội dung đưa ra còn chung chung nên cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, đưa ra các lập luận có tính thuyết phục cao hơn. Đồng thời, cần tập trung nghiên cứu để chỉ đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung thực sự cần thiết.

Phát biểu kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, việc ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước để đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong lĩnh vực kiểm toán cũng như việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII là rất cần thiết. Tuy nhiên, đề nghị Kiểm toán nhà nước cần nghiên cứu, rà soát lại các nội dung đề xuất sửa đổi bám sát Nghị quyết 18-NQ/TW, cũng như thực tiễn 3 năm thực hiện Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015; tránh tối đa sự trùng lắp, đảm bảo không phá vỡ sự thống nhất của hệ thống pháp luật và nghiên cứu thật kỹ để chỉ sửa đổi, bổ sung vào những nội dung thực sự cần thiết. Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, Kiểm toán nhà nước tiếp thu đầy đủ các ý kiến của UBTVQH và có báo cáo giải trình tiếp thu ngay sau phiên họp và hoàn thiện tài liệu của hồ sơ dự án Luật theo đúng quy định./.

Minh Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực